Thép Hòa Phát nuôi giống lợn gì?
21:34 - 31/05/2016
Dư luận trong mấy ngày gần đây đang xôn xao xung quanh việc Tập đoàn Hòa Phát, vốn chuyên sản xuất thép thông báo, đã chính thức nhập… 500 con lợn giống về để nuôi, nhằm phát triển lĩnh vực mới của mình, đó là chăn nuôi.
Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu 500 con lợn giống từ Đan Mạch về Việt Nam.

Vậy giống lợn mà Hòa Phát nhập về là giống lợn gì?, PV Dân Việt đã trao đổi với ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Ông đánh giá như thế nào trước việc Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu 500 con lợn giống từ Đan Mạch về Việt Nam?

- Việc Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu 500 con lợn giống từ Đan Mạch về Việt Nam đánh dấu một hướng đi mới của tập đoàn này, đó là lấn sân sang mảng chăn nuôi. Tập đoàn này sẽ cung cấp lợn giống, lợn thịt cho thị trường trong tương lai, trước đó vào năm 2015 Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên ở Hưng Yên.

Theo thông báo của Hòa Phát, giống lợn mà đơn vị này nhập về là lợn Đan Mạch. Ông đánh giá như thế nào về giống lợn này?

- Đan Mạch là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nguồn gen lợn giống chất lượng cao, kỹ thuật chăn nuôi rất hiện đại, đặc biệt đòi hỏi cao về quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều công ty doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống từ các nước Mỹ (giống Duroc), Bỉ (Pietrain), Anh (Yorkshire), Đan Mạch (Landrace)…

Không chỉ nhập nguồn giống, họ còn nhập cả công nghệ, nhờ các chuyên gia quốc tế tư vấn về vận hành, quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín. Các nước kể trên có công nghệ chọn tạo giống rất hiện đại và được nâng cấp hàng năm, họ có chiến lược chọn tạo giống rất chuyên nghiệp bài bản, khoa học, mỗi năm tiến bộ di truyền lại đạt thêm một mức, các giống lợn này luôn vượt khỏi năng suất chất lượng giống lợn trong nước. Vì vậy hàng năm chúng ta đã phải bỏ rất nhiều tiền để nhập các giống chất lượng từ nước ngoài. Điều này cũng có tác động tốt cải thiện nâng cao chất lượng giống lợn trong nước.

Các giống lợn này khi nhập về Việt Nam có gặp khó khăn gì trong quá trình phát triển, nhất là điều kiện khí hậu nước ta khác hẳn so với Đan Mạch?

- Tất nhiên ở Việt Nam các yếu tố về thời tiết khí hậu có khác so với các nước mà chúng ta nhập lợn về, môi trường thay đổi cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của lợn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, các giống lợn này sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, cùng với đó là hệ thống chuồng trại, các trang thiết bị đi kèm sẽ được các công ty đầu tư bài bản hiện đại nên các giống lợn nhập sẽ phát triển tốt, không có vấn đề gì đáng ngại.

Những năm gần đây, có khá nhiều tập đoàn kinh tế lớn ngoài ngành như Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư vào chăn nuôi, ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

- Bây giờ đã có nhiều công ty, tập đoàn, các tổ chức tư nhân đầu tư vào chăn nuôi, một số tổ chức đã có truyền thống đầu tư chăn nuôi, cũng có một số tổ chức từ các lĩnh vực khác như ngân hàng, xây dựng, thép… chuyển sang đầu tư cho chăn nuôi. Đây là một tín hiệu mừng khi ngành chăn nuôi được đánh giá là khó khăn khi hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế, song các doanh nghiệp vẫn thấy rằng ngành chăn nuôi vẫn có tiềm năng lớn để phát triển, nên họ mới đầu tư và chúng tôi rất ủng hộ xu hướng này.

Ông có lo ngại cho những doanh nghiệp chưa từng kinh doanh chăn nuôi, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, giờ đây lại bắt đầu đầu tư ồ ạt cho chăn nuôi?

- Mỗi một công ty sẽ có cách tiếp cận khác nhau, nếu chưa có kinh nghiệm thì họ sẽ thuê hệ thống tư vấn, hệ thống chuyên gia hỗ trợ, có rất nhiều hình thức để đầu tư. Thực tế cho thấy, đã có nhiều tập đoàn sau 5-6 năm dấn thân vào nông nghiệp, họ đã có những thành công bước đầu.

Thời điểm này có rất nhiều công ty chuyển hướng đầu tư cho nông nghiệp, họ sẽ có những bước chuyển mình thận trọng, đầu tư bài bản và họ có hướng đi bền vững. Với cách làm chuyên nghiệp đó tôi tin họ sẽ thành công trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Từ 2018, Hòa Phát bắt đầu cung ứng lợn thịt

Rạng sáng ngày 26.5, lô heo giống đầu tiên của Hòa Phát trong mảng chăn nuôi đã về tới sân bay Nội Bài, sau một hành trình dài từ Đan Mạch về Việt Nam. Gần 500 con giống thuộc dòng cụ kỵ (GGP) với trọng lượng trung bình từ 40-60kg (10-18 tuần tuổi) đều khỏe mạnh, an toàn và được thông quan, làm thủ tục kiểm định thú y ngay tại Nội Bài.

Dự kiến, sau khoảng 10 tuần nữa, Hòa Phát sẽ tiếp tục nhập đợt heo giống thuần chủng thứ hai về để nhân đàn, sinh sản. Theo tính toán, Công ty sẽ bắt đầu cung cấp lợn thịt, lợn giống từ đầu năm 2018 và đặt mục tiêu 650.000 đầu lợn vào năm 2021.

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo