Bảo hiểm nông nghiệp vẫn khó triển khai
16:52 - 26/05/2016
(TNNN)- Những rủi ro khó lường của sản xuất nông nghiệp, nhất là rủi ro thiên tai, dịch bệnh... làm cho đời sống của người nông dân bấp bênh. Đó là lý do ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 315/2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, nhằm góp phần đảm bảo đời sống của người nông dân. Đồng thời, tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng khiến người nông dân có ý thức sản xuất hàng hóa theo quy trình, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa.
Thực tiễn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước là hết sức đúng đắn. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Năm 2013, chương trình bảo hiểm nông nghiệp được triển khai rầm rộ trên cây lúa, vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thuỷ sản (cá tra, tôm sú, tôm chân trắng) ở 20 tỉnh, thành phố.
 
 
Ông Bùi Thanh Hải (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính) cho biết, tính đến nay, mới có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, quá nhỏ so với 11 triệu hộ nông dân trên cả nước. Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỷ đồng, trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883 tỷ đồng. Nhưng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng, số tiền bồi thường bảo hiểm đã lên tới 712,9 tỷ đồng.
 
 
Cả người dân và các đơn vị tham gia bảo hiểm đều không hào hứng với chính sách này. Có tới 91,9% số hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp trên tổng số hơn 304.000 hộ tham gia BHNN thời gian qua là hộ nghèo, cận nghèo, tức là những hộ được nhà nước hỗ trợ mua toàn bộ hoặc mua 75% phí BHNN. Trong đó, số hộ tham gia bảo hiểm lúa là lớn nhất với trên 200.000 hộ. Tỷ lệ giữa số tiền bồi thường so với tổng doanh thu phí bảo hiểm lúa và vật nuôi chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi đó tỷ lệ này ở thủy sản là hơn 300%. Điều này khiến các đơn vị kinh doanh BHNN lỗ nặng.
 
 
Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Hải, mặc dù hệ thống chính sách để triển khai bảo hiểm nông nghiệp tương đối đầy đủ (Bộ Tài chính ra 4 quyết định, 2 thông tư; Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành 2 thông tư hướng dẫn; UBND các tỉnh ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình trồng lúa, chăn nuôi, nuôi thủy sản phù hợp với đặc thù địa phương) nhưng quá trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, mới chỉ dừng lại mở mức thí điểm, tỷ lệ tái tham gia bảo hiểm thấp.
 
 
Tại Hà Nội, một trong những địa phương thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên vật nuôi, đến thời điểm này, sau khi hết thời gian thí điểm, đồng nghĩa với việc hết hỗ trợ thì tỷ lệ hộ tham gia tái bảo hiểm hầu như rất ít, nếu như không muốn nói là chẳng còn ai. Ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, cho biết, thực hiện chương trình thí điểm, đã có 14.000 con bò (chủ yếu ở huyện Ba Vì) và 30.000 con lợn (chủ yếu ở Chương Mỹ) được bảo hiểm nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số đó rồi thôi.
 
 
Theo nhiều chuyên gia, rủi ro quá lớn từ bảo hiểm nông nghiệp và sản phẩm bảo hiểm không phù hợp là hai nguyên nhân chính khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người nông dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. TS Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết: “Ngoài rủi ro cao về dịch bệnh khi tham gia BNHH, thủ tục xác nhận thiệt hại và bồi thường phức tạp, gây khó khăn cho người tham gia bảo hiểm. Đặc biệt, trong bảo hiểm thủy sản, hoạt động nuôi thả và lấy mẫu xét nghiệm bệnh với sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong bối cảnh hạn chế về nguồn nhân lực từ công ty bảo hiểm và địa phương (cấp xã), đã gây không ít phiền toái cho người tham gia bảo hiểm”. Ngoài ra, quy trình bồi thường bảo hiểm cũng kéo dài, đặc biệt là trong thủy sản, vẫn là một điểm hạn chế lớn của chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
 
 
Quá trình triển khai cho thấy phạm vi, đối tượng và địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp là khá rộng trong khi thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều và tính chất mỗi địa phương là khác nhau. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp nên chưa hấp dẫn người dân tham gia. Về phía người dân, nhiều hộ gia đình vẫn chủ yếu tham gia mang tính chất thăm dò, tính chủ động chưa cao- ông Bùi Thanh Hải thừa nhận.
 
 
Theo ông Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, còn thiếu quá nhiều điều kiện để thực hiện như khung pháp lý rõ ràng chưa có, cũng chưa có cơ quan giám sát độc lập, chưa có đầu mối quản lý bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm lúa chủ yếu mới làm cho người nghèo mà số người nghèo quá đông, bảo hiểm cho thủy sản chưa thành công, doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam chưa mặn mà, còn thiếu rất nhiều sự tham gia của doanh nghiệp bảo hiểm dù Chính phủ đã có nhiều cam kết hỗ trợ…
 
 
BHNN ở Việt Nam là vô cùng cần thiết và quan trọng vì nước ta có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở tốp đầu thế giới về sản lượng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, thủy sản... Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Có những quốc gia sau 20 năm triển khai thí điểm bảo hiểm trên lĩnh vực thủy sản mới triển khai chính thức trên phạm vi cả nước.
 
 
Thực tế, các công ty bảo hiểm trên thế giới đa phần là công ty tư nhân, riêng bảo hiểm nông nghiệp có đặc thù riêng, là một trong những dịch vụ công khá quan trọng, Nhà nước cần đóng vai trò mạnh hơn để hỗ trợ cho cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển.
 
 
Kết quả khảo sát tại ba quốc gia là Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha cho thấy Nhà nước đều hỗ trợ bảo hiểm dưới hai hình thức chính: phí bảo hiểm (đều hỗ trợ ít nhất là 50% phí bảo hiểm) và hỗ trợ chi phí tác nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, triển khai BHNN theo mô hình PPP là hướng đi thích hợp để đẩy mạnh loại hình bảo hiểm này ở Việt Nam trong thời gian tới.
 
 
Về lâu dài, cần thiết phải có một bộ luật riêng về BHNN, trong đó có điều khoản quy định về danh mục các sản phẩm bắt buộc phải bảo hiểm là các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu (lúa gạo, lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng, vịt thịt, vịt đẻ trứng, bò thịt, thủy sản); các sản phẩm xuất khẩu chiến lược (cá tra, tôm sú, tôm thẻ, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè) và một số sản phẩm thay thế nhập khẩu (mía đường, ngô, chăn nuôi bò sữa…).
 
 
Bảo hiểm nông nghiệp là lựa chọn tất yếu cho một nền nông hiện đại. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tiếp tục thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo hướng: Tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa, vật nuôi tại các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 315/QĐ-TTg; mở rộng bảo hiểm trâu, bò cho các huyện tại tỉnh Hà Giang.
 
 
Riêng bảo hiểm thủy sản (tôm, cá) sẽ dừng hỗ trợ, mặc dù đây là lĩnh vực có nhiều người tự nguyện tham gia nhất. Phần lớn người dân có điều kiện kinh tế mới tham gia do phí bảo hiểm thủy sản rất cao (khoảng 23%) do mức độ rủi ro lớn. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến hết năm 2017.
 
 

Hoàng Thái
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo