Không nên bằng mọi giá tăng đàn khi giá lợn tăng đột biến
10:52 - 11/05/2016
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo: Việc giá lợn tăng đột biến chỉ là tín hiệu thị trường ngắn hạn. Người chăn nuôi không nên tăng đàn bằng mọi giá.

17-27-24_dscf1574
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT)

Theo Cục Chăn nuôi, do giá lợn liên tục tăng cao trong các tháng gần đây nên 4 tháng đầu năm 2016, lượng heo giống vào chuồng đã tăng từ 25-30% so với cùng kỳ 2015 và tổng đàn heo hiện tại của cả nước đã lên tới 28 triệu con, cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ thông thường trong nước đã từ 1-2 triệu con.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước tăng cao, việc gia tăng lượng lợn hơi XK tiểu ngạch sang các nước xung quanh, nhất là qua thị trường Trung Quốc cũng là yếu tố khiến giá lợn trong nước tăng cao.

Ông nhận định thế nào về giá thịt lợn trong thời gian tới?

Việc gia tăng XK, kéo theo giá lợn trong nước tăng cao trước hết phải nói là điều đáng mừng. Về nhận định cá nhân, tôi vẫn lạc quan cho rằng thị trường thịt lợn từ nay tới cuối năm 2016 sẽ vẫn rất tốt.

Tuy không dám khẳng định cụ thể, nhưng mức giá cao sẽ còn duy trì ổn định trong một số tháng nữa. Tuy nhiên, giá thịt lợn sốt trong thời gian qua chỉ mang yếu tố tức thời, không có tính bền vững. Vì vậy, người chăn nuôi không nên bất chấp rủi ro để vào giống, tăng đàn ồ ạt bằng mọi giá.

Ông có thể nói rõ nguy cơ của việc tăng đàn ồ ạt bằng mọi giá?

Đối với gia cầm, do thời gian sinh trưởng ngắn nên khi thị trường lên, rất dễ để “đánh du kích” tăng đàn ngay lập tức bởi thời gian ấp con giống rất nhanh.

Tuy nhiên đối với lợn, dù anh có muốn tăng đàn lợn thịt ngay đi chăng nữa cũng không thể. Bởi nuôi lợn là một vòng tròn luân chuyển khép kín, kéo dài. Mỗi con lợn nái chỉ đẻ được tối đa số con/lứa, phải kéo dài mang thai tới 3 tháng 10 ngày, và phải 6 tháng sau mới cai sữa. Muốn tăng được số lượng con giống lợn thịt trong phạm vi cả nước, trước hết phải tăng số lượng nái. Mà muốn tăng số lượng nái, phải tăng số lượng lợn bố mẹ, ông bà…

17-27-24_heo1
Cục Chăn nuôi nhận định, giá lợn tăng chỉ là tín hiệu sốt nhất thời

"Hiện không chỉ thị trường Trung Quốc mà đa số các nước đều bắt đầu thích tiêu thụ loại lợn to, cỡ 120 – 130 kg/con bởi thịt có tỉ lệ mỡ dắt, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, mặc dù thời gian nuôi từ 90-100 kg/con tới 120-130kg/con sẽ tiêu tốn thức ăn hơn, nhưng về dài hạn thì lại tiết kiệm được con giống, nên xu hướng chung vẫn nên để lợn cỡ to, vẫn sẽ đảm bảo có lãi cao".  -Ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Hiện nay bên cạnh nguồn giống bố mẹ, ông bà trong nước, nguồn giống lợn bố mẹ phải NK phụ thuộc rất lớn vào các thị trường giống lợn cao sản bố mẹ như Đan Mạch, Canada, Anh…

Tóm lại, muốn tăng đàn lợn, tối thiểu phải một năm sau người chăn nuôi mới có thể có nguồn giống lợn đạt tiêu chuẩn để nuôi. Bên cạnh đó, khi đã có lợn nái, thì thời gian khai thác con nái lại cần phải kéo dài từ 2-3 năm, suất đầu tư đàn nái rất cao. Trong khi đó, với tín hiệu thị trường sốt như hiện nay, chỉ cần năm sau, nếu thị trường thịt lợn đột ngột giảm, nông dân sẽ phải bán lợn nái như lợn thịt, thiệt đơn thiệt kép.

Đó là chưa kể, nguy cơ về chất lượng nguồn giống hiện sẽ rất rủi ro. Nhiều nơi có thể lấy cả lợn thịt làm lợn nái để quay vòng nhằm có giống nhanh nhất; nguồn gốc lợn đực giống, chất lượng tinh lợn đực nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới hậu quả khó lường sau này.

Vậy Cục có khuyến cáo nào cho người chăn nuôi trong thời gian tới?

Mặc dù tín hiệu thị trường hiện tại chỉ sốt nhất thời, tuy nhiên về tình hình chung mà nói, triển vọng cho chăn nuôi lợn của Việt Nam là rất sáng. Ngay thị trường Trung Quốc, tôi cho rằng chúng ta lúc nào cũng có thể XK được thịt lợn. Vấn đề hiện nay đó là chúng ta mới chỉ dừng lại ở XK tiểu ngạch qua Trung Quốc, rất phập phù. Về lâu dài, cần phải xúc tiến nhanh để XK thịt lợn chính ngạch sang thị trường này.

Đối với người chăn nuôi trong nước, tôi nghĩ hiện nay lẫn trong dài hạn, vẫn nên tiếp tục tăng số lượng và quy mô đàn lợn. Tuy nhiên như đã nói, không nên tăng ồ ạt bằng mọi giá mà phải tăng chắc chắn, bền vững, đảm bảo mấy vấn đề: Một là phải đảm bảo được chất lượng con giống; hai là phải kiểm soát được điều kiện chăn nuôi, bao gồm cả vốn, chuồng trại và phòng chống dịch bệnh… Trước mắt, chưa nên tăng ồ ạt đầu con, mà cần phải tập trung khai thác số lượng hiện có bằng thâm canh, tăng trọng lượng/con, rút ngắn thời gian sinh trưởng bằng giải pháp kỹ thuật, cải thiện thức ăn…

Chúng tôi cũng tiếp tục khuyến khích các DN tăng cường NK lợn cao sản bố mẹ, ông bà từ các nước có chất lượng giống tốt như Canada, Đan Mạch, Anh… để tạo nguồn lợn nái có khả số con sống/lứa cao, có chất lượng giống tốt hơn nhằm cải thiện từng bước đàn lợn trong nước.

Đối với các địa phương, hiện do tình hình giá lợn tăng cao nên nguy cơ tái bùng phát sử dụng chất cấm là rất lớn. Việc vận chuyển lợn đực giống, lợn thịt từ các tỉnh với nhau, từ phía Nam ra Bắc cũng đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn ông!

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo