(TNNN) - Vấn đề thương hiệu cho hàng nông sản Việt không phải là vấn đề mới tuy nhiên điều khó khăn nhất chính là quy mô sản xuất nông sản Việt Nam chủ yếu ở dạng nhỏ, lẻ, tự phát. Vì vậy, để xây dựng được những thương hiệu nông sản Việt có sức thuyết phục với thị trường trong nước và khả năng cạnh tranh trên thị trường nước ngoài thì cần phải có sự đầu tư bài bản và sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước.
|
Vấn đề thương hiệu cho hàng nông sản Việt không phải là vấn đề mới tuy nhiên điều khó khăn nhất chính là quy mô sản xuất. |
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, trên thực tế ngoài vấn đề an toàn thực phẩm và nhận biết nguồn gốc của nông sản, nông sản có thương hiệu còn cần làm đẹp về mặt hình thức, cả hình thức của sản phẩm bên trong và hình thức của bao bì bên ngoài mới đủ sức thu hút đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên một thực tế hiện nay một số hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu phải mang thương hiệu của nước khác. Chính vì điều đó mà sản phẩm nông sản Việt chưa có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mặc dù sản lượng xuất khẩu lớn nhưng thực tế giá thành và lợi nhuận thu về lại rất thấp. Đối với thị trường nội địa, hơn 80% các sản phẩm nông sản được tiêu thụ chưa hề có nhãn hiệu. Vấn đề kiểm định và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng như việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề “nóng”.
Nhà nước cần có một kế hoạch dài hạn về việc xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản, dĩ nhiên chiến lược này phải là một bộ phận hợp thành quan trọng trong chiến lược tổng thể của Nhà nước đối với việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Bộ Thương mại kết hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xây dựng một lộ trình với những bước đi thích hợp cho vấn đề này, và lộ trình này phải có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học và cả những nông dân trực tiếp sản xuất ra nông sản.
Hiện nay một số thương hiệu nông sản của ta như cà phê Trung Nguyên, gạo nàng thơm Chợ Đào, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn... rất có uy tín và được tiêu thụ mạnh trên thị trường khu vực và thế giới. Những điển hình tiên tiến này cần được nhân rộng lên một cấp độ mới. Muốn làm được như vậy cần phải có sự quảng bá, tuyên truyền giới thiệu mạnh mẽ các mặt hàng nông sản Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là xây dựng trang Web về thương hiệu nông sản Việt Nam.
Để giải quyết được bài toán nâng cao giá trị nông sản phải thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ… Cần phải có liên kết “4 nhà” để giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trong đó, Nhà nước có cơ chế, chính sách, nguồn vốn cụ thể để xây dựng các vùng chuyên canh. Các nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về kỹ thuật. Thành công của một số thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, mía đường Lam Sơn… là nhờ đã coi trọng đầu tư nâng cao chế biến.
Cần có những chương trình, những hoạt động rầm rộ hơn để thông tin cho người dân thấy được tác hại của các mặt hàng không rõ xuất xứ. Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nông sản có thương hiệu, những sản phẩm này phải được phân phối rộng rãi ở các hệ thống chợ, siêu thị và được bán với chính sách gía cả hợp lý. Một vấn đề nữa về bao bì sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý hơn đó là ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ thì mẫu mã bao bì đẹp, thu hút cũng tạo được sự yêu thích và tin tưởng của người tiêu dùng.
Các cơ quan tài chính ngân hàng nên có một cơ chế tài chính đặc thù ưu tiên cho việc quảng bá và xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, vì hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam chỉ có thể phát triển vững chắc khi nó được đặt trong mối tương quan với việc gia tăng năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và trên hết tìm một vị thế vững chắc cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.