Hiện nay các loại phụ gia thực phẩm nhập lậu, kể cả nhập khẩu chính ngạch từ nước ngoài về VN thực sự gây bất an cho người tiêu dùng, bởi việc sử dụng nó như thế nào để an toàn vẫn còn là câu hỏi lớn?
Rất khó kiểm soát
Công bằng mà nói, việc sử dụng phụ gia thực phẩm (PGTP) đem lại cho sản phẩm có màu sắc, mùi vị thơm ngon hơn, đặc biệt là kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, giữ chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong công nghệ chế biến, tăng giá trị thương phẩm trên thị trường.
Các loại PGTP dùng trong chế biến đồ uống và thức ăn
Tuy nhiên, theo BS Trần Văn Ký (Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam), nếu sử dụng quá hàm lượng theo quy định của nhà sản xuất (NSX) hướng dẫn trên bao bì và của ngành y tế sẽ vô cùng nguy hại.
Vẫn theo BS Ký, ngay cả PGTP cho phép, ở một số người, những phụ gia này có thể gây ra dị ứng. Một số PGTP khác có thể gây hại cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người cao huyết áp, người có vấn đề về thận...
Thế nên, việc quản lý PGTP trên danh mục được phép sử dụng có thể không khó, nhưng việc kiểm soát nó được sử dụng ở một giới hạn cho phép trong quá trình chế biến thực phẩm nhằm mang lại an toàn cho người tiêu dùng là việc hoàn toàn khó, nhất là trên thị trường hiện có hàng trăm PGTP với nhiều thương hiệu được nhập khẩu từ nhiều nước như Thái Lan, Úc, Singapore, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan...
Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng BQL chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) cho biết, trước đây chợ có gần 40 hộ kinh doanh hương liệu, PGTP, nhưng nay siết lại chỉ còn 16 hộ với 19 sạp, chiếm gần 4% trên tổng số sạp tại chợ.
BQL chợ thường xuyên cắt cử 2 nhân viên quản lý ngành hàng này để bảo đảm chỉ kinh doanh hương liệu, PGTP nằm trong danh mục của Bộ Y tế và có giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
“Quy định của Bộ Y tế nhiều lắm, có khoảng 400 loại hương liệu, PGTP đã và đang được phép lưu hành trên thị trường nhưng trong đó rất nhiều chất được sử dụng trong công nghiệp, có tạp chất, không còn tinh khiết nữa.
Chất bảo quản PGTP trong giò chả nhập khẩu từ Bỉ, cách sử dụng như thế nào tùy vào từng cơ sở
Hơn nữa, việc kiểm tra, xác định các loại PGTP nhập khẩu và đóng gói bao bì trong nước thật hay dỏm, độc hay không độc, gần như không thể xác định. Bởi muốn xác định chính xác cần phải kiểm tra tại phòng thí nghiệm có chuyên môn phức tạp và tốn kém.
Vì vậy, BQL chỉ kiểm tra bằng cách yêu cầu các hộ trưng bày hàng hóa phải có đầy đủ nhãn mác và hồ sơ nhập khẩu pháp lý” - ông Hiệp chia sẻ.
Quả thật, đúng như lời ông Trưởng BQL nói, chúng tôi thật sự “tối mắt” trước hàng trăm loại PGTP, gần như tất cả các loại thức ăn, đồ uống hiện nay đều có PGTP, chất bảo quản cung cấp không thiếu thứ gì.
Đó là nhóm phụ gia dùng trong chế biến nem giò chả, bún mì phở, rau củ quả, thạch rau câu, đậu hũ, bánh kẹo kem, nước giải khát, xúc xích thịt hun khói, nước mắm tương ớt… Rồi các chất bảo quản, chống nấm mốc, giữ màu, làm tẩy trắng thực phẩm như Acid Sorbic, Sodium Benzoate, Sodium Metalbisulphite, Eribate, Nata mu 03... cũng nhiều loại của nhiều Cty, thật vô thiên lủng!
Mong manh ranh giới độc - không độc!
Trong đó, riêng nhóm phụ gia “nước mắm tương ớt”, đang có các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy có nguồn gốc rõ ràng, nhưng mới nghe tên gọi đã “rùng mình” như hương nước mắm (dùng trong chế biến đồ ăn), đường Dextrose (25 kg/bao, thay thế đường mía) dạng bột mịn, được quảng cáo là “tạo ngọt” không chỉ dùng trong đồ uống, thực phẩm mà còn cả ngành thú y, thủy sản...
Ngoài ra, các loại phụ gia dùng để tẩy trắng, tẩm chống mốc thực phẩm khô cũng rất đa dạng. Chị T, chủ sạp số 2, chỉ tay cho chúng tôi xem loại hóa chất chống nấm mốc dùng trong bảo quản thịt cá, chế biến nem chả, thậm chí tẩy trắng thực phẩm được đóng bao 1 kg gọi là Natri Benzoat giá 70 ngàn/kg, Super Fresh SF 80 ngàn đồng/kg...
Chất phụ gia chống mốc, tẩy trắng nhập khẩu từ Thái Lan
Còn loại hóa chất khác dùng chống mốc thực phẩm khô dạng hạt hút ẩm thì có giá đắt hơn từ 100 ngàn đồng/kg trở lên.
Khi nghe tôi muốn tìm loại phụ gia dùng trong chế biến giò chả làm tăng “ép-phê” giòn, dai và bảo quản được lâu, chị V, sạp số 4, đưa cho tôi xem 1 bao 25 kg chú thích toàn tiếng Anh, nơi SX ghi “Made in Belgium” (Bỉ), nói: “Bây giờ không ai dám bán mấy thứ chất cấm như hàn the, phospho, thạch cao nữa đâu, đây là hàng nhập khẩu tốt lắm. Một số cơ sở chế biến giò chả ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai lên đây mua về, mỗi lần cả tạ đấy”.
– Vậy dùng như thế nào hả chị?
- Mua 1 bao về xài thoải mái, trên bao hướng dẫn 100 kg thịt heo trộn nửa kg, nhưng muốn chả dai giòn, thơm ngon, bảo quản lâu không hư thì có thể tăng thêm 2-3 kg chả sao cả. Nhà nước cho bán, vô tư!
Theo chỉ dẫn của chị V, tôi tìm về xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, với khoảng chục cơ sở SX chả lụa. Tại đây hầu hết đều sử dụng phụ gia nói trên, mỗi cơ sở dùng một cách riêng, nhưng có một điểm chung là hầu hết đều dùng số lượng nhiều, không dưới 2 kg phụ gia cho 100 kg thịt heo.
Theo ThS Trần Thị Thu Trà (Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), các chất phụ gia tạo giòn, dai trong chế biến giò chả hiện có xuất xứ từ nhiều nguồn, có trường hợp được phép lưu hành bởi nó có thể không độc, nhưng dù sao về bản chất nó vẫn là chất tổng hợp không dinh dưỡng chỉ dùng cải thiện cảm quan, cấu trúc, mùi vị, bảo quản sản phẩm nên sử dụng không đúng cách, không đúng hàm lượng qui định thì vẫn có tính độc hại về lâu dài.
Hương liệu nước mắm của Trung Quốc
Ngày 6/4, tin từ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết, Hội đang làm rõ thông tin một hộp bánh trung thu (gồm 4 cái) được chị Lê Thị Ngũ Hương, ngụ quận Phú Nhuận, mua vào dịp trung thu năm 2015, ghi ngày SX là 6/9/2015 của Cty G, hạn sử dụng 25/9/2015, nhưng sau 8 tháng, điều lạ là 4 chiếc bánh trong hộp vẫn không có biểu hiện mốc hỏng, mùi bánh vẫn thơm, sờ vào vẫn mềm mà không khô. Chất PGTP bảo quản nào mà Cty G đã sử dụng khiến bánh trung thu sau 8 tháng vẫn không hỏng? Hội đang liên hệ với DN này để tìm câu trả lời.
Theo quy định, thực phẩm phải ghi đầy đủ các chất phụ gia được sử dụng lên nhãn thực phẩm. Nhưng thực tế có một số sản phẩm chữ in rất nhỏ, hầu như không thể đọc.
Ngoài ra, không ít NSX đưa ra danh sách “ảo” của các thành phần PGTP. Một số gói thực phẩm ghi có “hương vị tự nhiên”, “tất cả là thành phần tự nhiên”, “không chứa chất bảo quản”. Nhưng điều này ai kiểm chứng, tức không có nghĩa là không có chất phụ gia độc hại trong thực phẩm (BS Trần Văn Ký).