Những bất cập trong thu mua sữa tươi nguyên liệu, tình trạng không rõ ràng trong kinh doanh sữa tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng, giá sữa trong nước cao hơn thị trường thế giới..., đang ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và ngành chăn nuôi bò sữa.
|
Phải nhanh chóng minh bạch thị trường sữa |
Chệch hướng
Định hướng phát triển cho ngành chế biến sữa Việt Nam, Bộ Chính trị đã khẳng định: “Phát triển công nghiệp chế biến sữa cần theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ nguyên liệu sữa bột nhập ngoại. Phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa phải gắn chặt với việc phát triển đàn bò sữa trong nước”.
Mục tiêu đến 2015 lượng sữa tươi sản xuất trong nước phải đạt 660 triệu lít, năm 2020 đạt 1 tỉ lít và đến 2025 đạt 1,4 tỉ lít. Tuy nhiên, trải qua 15 năm thực hiện, mục tiêu đặt ra theo quy hoạch ngành chế biến sữa đã không đạt bởi tính đến thời điểm hiện tại lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước sản xuất mới đạt 549,5 triệu lít trong đó chỉ có 367 triệu lít sữa tươi nguyên liệu được đưa vào chế biến sữa dạng lỏng.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đối với sản phẩm sữa dạng lỏng thì sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 38,7% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu là sữa hoàn nguyên. Và tính ra mỗi năm chúng ta phải bỏ ra 1,098 tỉ USD để nhập khẩu sữa bột và các sản phẩm sữa khác, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sữa tươi vốn có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào ngành sữa đều xác định đây là ngành có tiềm năng lớn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không ngần ngại bỏ ra hàng tỉ USD cho các khu chăn nuôi và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Friesland Campina... nhưng chính việc phát triển nhiều nhà máy chế biến sữa quy mô lớn trong khi chưa xây dựng được vùng nguyên liệu sữa tương ứng đã gây nên tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu sữa tươi nguyên liệu.
Và cũng vì thiếu nguyên liệu mà xảy ra tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột để hoàn nguyên và đánh tráo khái niệm, bán nhập nhèm dưới dạng sữa tươi gây lộn xộn trong thị trường sữa.
Điều đáng nói ở đây là khi đã nhập nhèm giữa sản phẩm sữa bột hoàn nguyên với sản phẩm sữa tươi thì doanh nghiệp nhập khẩu lại được hưởng lợi nhiều nên tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp bán sản phẩm sữa tươi thực sự.
Chi phí cho một lít sữa bột hoàn nguyên nhập khẩu chỉ khoảng 6.000 đồng/lít trong khi giá mua sữa tươi từ 11.000 - 13.000 đồng/lít. Bởi để sản xuất ra sản phẩm sữa tươi doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ khép kín từ khâu giống, chuồng trại chăn nuôi đến tổ chức thu mua, trang thiết bị bảo quản và chế biến.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa tươi còn phải cạnh tranh về giá bán với các sữa dạng lỏng được chế biến từ sữa bột pha lại, phải mất chi phí truyền thông để hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết sản phẩm được làm từ sữa tươi.
+ Hiện nay cả nước có 74 doanh nghiệp sản xuất chế biến sữa với 26 nhà máy chế biến. Sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành sữa đạt 954,5 triệu lít sữa tươi, 81,8 ngàn tấn sữa bột với trên 300 chủng loại sản phẩm.
+ Năm 2014, Bộ Y tế thành lập 42 đoàn kiểm tra ATTP đối với sản phẩm sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa và đã tiến hành kiểm tra 990 cơ sở, phát hiện 230 cơ sở vi phạm nhưng chỉ xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền 23 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt vẻn vẹn ở mức 89 triệu đồng. Hầu hết các vi phạm bị xử lý tập trung vào đối tượng sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng.
|
Do vậy, việc nhập khẩu một lượng lớn sữa bột phục vụ cho chế biến sữa dạng lỏng đã không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho vùng nguyên liệu sữa tươi trong nước, làm cản trở việc phát triển chăn nuôi bò sữa vốn có tiềm năng và lợi thế, cản trở tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp. Có thể thấy, thực trạng thị trường sữa hiện nay có dấu hiệu đi chệch định hướng ban đầu của quy hoạch ngành công nghiệp chế biến sữa.
Mập mờ khái niệm
Để các doanh nghiệp nhập khẩu sữa không thể nhập nhèm sản phẩm sữa bột hoàn nguyên với sữa tươi là do hiện nay các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật về quản lý sữa chế biến dạng lỏng còn thiếu, chưa rõ ràng đối với nguyên liệu đầu vào để chế biến sữa dạng lỏng nên dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Theo quy định Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì sữa thuộc mặt hàng phải quản lý theo Quy chuẩn Kĩ thuật quốc gia (QCKTQG) đồng thời theo Luật ATTP thì quản lý sữa tươi nguyên liệu thuộc trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, sữa chế biến thuộc trách nhiệm Bộ Công thương.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có QCKTQG đối với sữa tươi nguyên liệu. Hiện các sản phẩm sữa chế biến dạng lỏng đang được quản lý theo QCVN 5-1:2010 của Bộ Y tế ban hành năm 2010. Quy chuẩn này đã phân chia sản phẩm sữa dạng lỏng thành 7 loại: Sữa tươi nguyên chất thanh trùng; sữa tươi thanh trùng; sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng; sữa tiệt trùng; sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.
Theo đó, khái niệm “sữa tiệt trùng” thực chất là sản phẩm được chế biến bằng cách bổ sung nước với sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi và có thể bổ sung thêm các thành phần khác như đường, nước quả, cacao, cà phê hoặc các phụ gia thực phẩm khác. Nhưng trên thị trường, trong một thời gian dài sản phẩm “sữa tiệt trùng” vẫn được người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm “sữa tươi tiệt trùng”.
Sự mập mờ, với tên gọi gần giống nhau của hai sản phẩm sữa là cơ hội để các doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột tung ra các sản phẩm sửa lỏng “sữa tiệt trùng” có giá cạnh tranh, dần dần chiếm lĩnh thị phần.
Sữa là thực phẩm tiêu dùng thiết yếu và việc sản xuất chế biến tiêu thụ sữa liên quan trực tiếp đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, tác động đến nhiều ngành nghề kinh tế: Người nông dân, doanh nghiệp chế biến sữa vì vậy Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước liên quan cần có sự quan tâm đúng mức để thúc đẩy phát triển ngành sữa.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như đảm bảo đúng định hướng phát triển ngành sữa thì việc đầu tiên các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm là phải xây dựng một Quy chuẩn Kĩ thuật Quốc gia đối với sữa tươi nguyên liệu trong đó quy định rõ việc thể hiện nguồn gốc nguyên liệu đầu vào của từng sản phẩm.
Ghi rõ tỉ lệ % sữa tươi trong từng sản phẩm sữa là bao nhiêu? Chính phủ cũng cần có chính sách điều tiết việc nhập khẩu sữa bột theo hướng giảm tỉ lệ nhập khẩu để bảo đảm phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước đặc biệt cần rà soát lại quy hoạch sản xuất nguyên liệu sữa tươi và quy hoạch Nhà máy chế biến sữa để đảm bảo sự phù hợp đồng bộ giữa tổng đàn bò, công suất chế biến sữa và thị trường tiêu thụ tránh tình trạng tranh mua tranh bán, nhập khẩu sữa bột tràn lan do thiếu nguyên liệu đầu vào như thời gian qua.