Thống kê ban đầu vụ ĐX 2016, tỉnh Quảng Nam có khoảng 10.000ha lúa bị lem lép hạt, năng suất giảm khoảng 3 tạ/ha so với vụ trước. Vậy nguyên nhân do đâu?
|
Từng bó lúa toàn lá không có hạt |
Ông Đoàn Minh Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) dẫn chúng tôi ra cánh đồng thôn Cẩm Trung cho hay vụ ĐX năm nay toàn xã có 125ha trồng lúa thì có đến 20ha bị hỏng nặng, hầu hết rơi vào 2 giống lúa OM 4900 và OM 6976.
Đây là hiện tượng kỳ lạ từ trước đến nay mà nông dân xã chưa gặp phải. Các diện tích lúa OM gieo trồng thiệt hại lên tới 70% năng suất.
Theo ông Tâm, vụ này không chỉ giống lúa OM mà các giống khác trồng tại địa phương như Thiên ưu 8, Xi 23 cũng bị lép hạt, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn. Trước hiện tượng bất thường này, xã báo cáo lên cấp trên và lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện, Sở NN-PTNT tỉnh đã xuống tận nơi để tìm hiểu.
Cánh đồng Cẩm Trung có đám ruộng thiệt hại nhiều bà con đã gặt cho bò ăn, đám hư hại ít người dân bắt đầu thu hoạch. Đang gặt lúa, chị Nguyễn Thị Nga buồn bã cho biết, vụ HT năm ngoái thiên tai “cướp” đi nhiều diện tích lúa của bà con, do đó nhà nước hỗ trợ giống. Gia đình chị Nga được hỗ trợ 5kg lúa giống OM 4900. Đồng thời mua thêm 10kg để trồng cho đủ 3 sào.
Mưa lạnh khiến lúa lem lép hạt
Giai đoạn đầu cây lúa sinh trưởng phát triển tốt nhưng đến lúc lúa trổ thì hạt lép, cây như bị cháy, bông lúa không cúi xuống. Trên bông lúa chẳng có mấy được hạt chắc, có ruộng gần như mất sạch.
“Công chăm sóc, bỏ tiền đầu tư hơn 2 triệu đồng giờ mất trắng. Nghe nói đây là giống chất lượng, năng suất cao rứa mà giờ lại như ri. Hiện bà con không biết do mất mùa hay do giống, chỉ mong nhà nước hỗ trợ để bà con có vốn tiếp tục SX”, chị Nga nói.
“Trồng lúa bao nhiêu năm nay nhưng giờ tui mới bị mất mùa nặng như ri. Người thì nói do thời tiết, người nói do giống, tui chẳng biết đường mô mà lần. Mùa ni không chỉ thiệt hại ruộng của tui mà cả xã cũng bị”, bà Nguyễn Thị Nhụy. |
Đồng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Nhụy cầm mấy bông lúa trên tay, hạt lép, màu đen sì than thở: “Tui được hỗ trợ 10kg giống về gieo sạ 2 sào nhưng giờ mất sạch rồi. Thời gian đầu sạ xuống, cây lúa phát triển tốt lắm. Lúa đẻ nhánh khỏe, sâu bệnh ít bị nhiễm.
Rứa mà đến lúa cúi thì bông nào cũng dựng đứng lên, hạt lép, cây khô héo, giờ chẳng muốn gặt nữa. Nhưng nhà có nuôi mấy con bò, tui cắt về tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho chúng”.
Do thời tiết?
Đó mới là nhận định bước đầu của ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam. Hỏi về việc mất mùa tại xã Tiên Cẩm, ông Muộn bày tỏ, cán bộ Sở đã xuống kiểm tra và giải thích nguyên nhân cho bà con biết.
Về giống hỗ trợ bắt nguồn từ đợt mưa lũ bất thường xảy ra vào tháng 3/2015, đợt đó có nhiều diện tích bị thiệt hại lớn, sau đó trung ương hỗ trợ giống. Số giống này đáng lẽ đưa vào vụ HT 2015, tuy nhiên giống về muộn nên địa phương gửi lại ở các Cty đóng trên địa bàn. Sau đó, vụ ĐX 2016 cấp phát cho bà con SX.
Người dân xã Tiên Cẩm cắt lúa về cho bò ăn
Ngoài xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước thì các huyện khác, giống OM cũng được cấp phát cho bà con. Có thể đợt lúa trổ vào giai đoạn từ ngày 24 - 28/3 vừa qua gặp mưa lạnh nên bị lem lép hạt chăng?
Và cũng không riêng gì ở huyện Tiên Phước mà trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lúa trổ vào giai đoạn này đều bị như vậy. Bước đầu báo cáo từ các địa phương có khoảng hơn 5.000ha, nơi thiệt hại lớn nhất là 50%.
Ngoài ra, trà lúa trổ từ ngày 10/3 trở về trước cũng bị thiệt hại lớn, bởi trước giai đoạn này thời tiết mưa rét đang xảy ra, trong khi cây lúa đang ở thời kỳ phân bào giảm nhiễm nên bị ảnh hưởng.
Bông lúa khô bị lép hạt gần hết
“Ước tính vụ ĐX 2016, Quảng Nam có khoảng 10.000ha bị thiệt hại do thời tiết gây ra, tuy nhiên con số này sẽ tăng lên. Theo đánh giá ban đầu năng suất vụ ĐX 2016 giảm 3 tạ/ha so với vụ trước”, ông Muộn nói.