Phát triển đặc sản Việt: Nhà nước phải chủ trì
08:52 - 29/04/2016
Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền nhưng chưa được phát triển nên giá trị kinh tế mang lại còn khiêm tốn, rất cần nhà nước chủ trì phát triển đặc sản.
Việt Nam lâu nay vẫn tự hào có nhiều đặc sản, như: Bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Năm  Roi (Hậu Giang), nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà (Hải Dương), nem chua Thanh Hóa, dừa Bến Tre, gạo Cần Thơ, gạo Tám thơm (Nam Định), cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc... Trong đó, một số đặc sản đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, còn lại đa số vẫn đang tự bơi nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”, trong đó không ít đặc sản có biểu hiện mai một. Trong thời đại thương mại toàn cầu, cạnh tranh gay gắt, các chuyên gia và người trong cuộc khuyến nghị cần nhiều giải pháp để phát triển đặc sản Việt.

Có thể tạo ra các đặc sản mới cho địa phương

Dẫn câu chuyện thực tế về đặc sản địa phương, ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho hay tỉnh miền núi này có nhiều lợi thế tự nhiên và có nhiều sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích, như: quế, chè Suối Giàng, táo Mèo, gạo nếp Tú Lệ, tinh bột sắn, khoai tím, hồng không hạt, măng tre bát độ… Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn còn khó khăn trong tiêu thụ. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này đã được tỉnh Yên Bái và các địa phương trong tỉnh quan tâm, song công tác quảng bá sản phẩm còn hạn chế, do đó giá sản phẩm bán ra còn thấp so với thực tế.

Chia sẻ thực trạng này, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cho hay việc phát triển các đặc sản địa phương không phải bao giờ cũng thành công. Theo ông Ngọc, đặc sản địa phương mang tính lịch sử, có thể thay đổi theo thời gian. Việc phát triển đặc sản địa phương có thể là phát triển đặc sản hiện tại hoặc đặc sản đã từng tồn tại tại mỗi địa phương.

Với cách tiếp cận này, ông Ngọc cho rằng, “chúng ta có thể tạo ra các đặc sản mới cho địa phương mình”. Dẫn kinh nghiệm phát triển đặc sản vùng miền tại Nhật Bản, ông Ngọc cho biết: Ở đất nước mặt trời mọc này, họ có phong trào mỗi làng một sản phẩm đặc sản từ những năm 1979. Có 3 yếu tố cốt lõi của phong trào là: Hành động địa phương/sản phẩm địa phương – suy nghĩa toàn cầu/chất lượng toàn cầu; sáng tạo tự lực cánh sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguyên liệu có hạn nhưng trí khôn và tính sáng tạo thì vô hạn…

Việc phát triển hàng gỗ mỹ nghệ ở làng Atelier Toki, Nhật Bản có triết lý phát triển bền vững để xây dựng hình ảnh sản phẩm địa phương. Ở đó, người dân địa phương không nghĩ những cành cây bị gió làm gẫy là rác. Đó là những nguyên liệu rất quý để họ làm ra các sản phẩm thủ công có chất lượng. Và, nếu họ chặt 1 cây thì sẽ trồng 5 cây ngay cạnh đó và để có một khu rừng nhỏ để sống hòa hợp với thiên nhiên trong 10 năm sau đó. Đặc biệt, người dân nơi đây quan niệm: Nguyên liệu thì có hạn nhưng trí khôn và tính sáng tạo thì vô hạn…”- ông Lê Bá Ngọc, VIETCRAFT.

Với phương châm đó, Nhật Bản đã có nhiều thương hiệu đặc sản nổi tiếng như: nấm hương khô, rượu Shochu lúa mạch, chanh Kabosu… Nhờ đó, thu nhập của người sản xuất ra đặc sản này cao hơn rất nhiều lần thu nhập của các công nhân trong các nhà máy công nghiệp.

Để có được kết quả này, trong 3 yếu tố cốt lõi nêu trên, riêng về sản phẩm địa phương – chất lượng toàn cầu, thì người Nhật đã làm tốt việc sử dụng các nguồn lực địa phương (nguyên liệu, con người, kỹ thuật truyền thống, sáng kiến). Chất lượng sản phẩm luôn hướng đến hoàn hảo, luôn cải tiến sản phẩm làm ra kiểu sản phẩm hôm nay tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai. Đồng thời, kiểm soát chất lượng toàn diện từ khâu nguyên liệu cho đến người tiêu dùng, các sản phẩm đều có chứng thực về chất lượng. Họ cũng luôn đa dạng hóa sản phẩm từ một nguồn nguyên liệu đầu vào và tiết kiệm tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào (hạn chế sử dụng tài nguyên). Tất nhiên, người Nhật cũng luôn cải tiến và đề cao vai trò của bao bì sản phẩm.

Chú trọng phát triển thương hiệu, đảm bảo chất lượng

Khác với cách phát triển thương hiệu đặc sản ở Nhật Bản, tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, lấy ví dụ thực tế tại các tỉnh, thành Nam bộ cho thấy, ở đây có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, riêng có, nổi tiếng cả nước và có giá trị kinh tế cao (xoài, sầu riêng, măng cụt, khô cá tra phồng, khô cá lóc, mắm cá sặc, mắm ba khía…). Tuy nhiên, đến nay, nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… theo yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối  hiện đại.

Trước thực trạng này, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le Invest Corporation, chỉ ra rằng, thương hiệu đặc sản Việt Nam chưa tạo được uy tín sâu rộng do nhiều nguyên nhân: Hàng kém chất lượng làm giảm uy tín thương hiệu (ví dụ chè bẩn Tuyên Quang, trộn phân lân, xi măng, bùn vào chè). Hoặc sản phẩm nước ngoài đột lốt hàng Việt gây hoang mang cho người tiêu dùng (ví dụ: nấm hương Trung Quốc là nấm Lào Cai, nấm Hà Nội, hành tỏi Trung Quốc thành hành tỏi miền Trung…).

Đặc biệt, theo ông Vinh, nhiều sản phẩm đặc sản nước ta chưa được đầu tư xây dựng thương hiệu, bán sản phẩm thô để nước ngoài gắn thương hiệu của họ và xuất khẩu.

Do vậy, để cải thiện thực trạng này, ông Vinh đề nghị: Cần có một nỗ lực và kế hoạch hành động từ phía cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ đầu ra cho đặc sản vùng miền nước ta. Trong đó, trước hết là quan tâm xây dựng thương hiệu, vì thương hiệu là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng căn cứ ra quyết định mua hàng.  

Theo đó, mô hình hợp tác công – tư cần được chú trọng, với chiến lược là Nhà nước phải xây dựng cơ sở pháp lý, chính sách, quy hoạch và cung cấp đất xây chợ; hỗ trợ chiến lược quảng bá thương hiệu; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại; bảo đảm xuất xứ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đặc sản. Còn về phía doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng chợ, nghiên cứu thị trường, thu mua và cung cấp đặc sản, xây dựng thương hiệu, kinh doanh và vận hành chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, bán lẻ, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại…

Một giải pháp nữa được nhiều chuyên gia khuyến dùng để làm tăng vị thế đặc sản vùng là cần tạo liên kết vùng giữa các địa phương, thông qua sự hợp tác của các trung tâm xúc tiến thương mại nhằm gắn kết giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ./.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo