Những hệ lụy sau cuộc tháo chạy ở miền Tây
14:43 - 16/05/2016
Thanh niên trai tráng kéo nhau đi các thành phố, khu công nghiệp kiếm việc làm, bỏ lại những làng quê hiu quạnh, chỉ còn lại người già và trẻ em. Hệ lụy dễ thấy nhất là con cái học hành dở dang, cha mẹ đau ốm không ai chăm sóc, thiếu hụt lao động...
Dù chân tay đau nhức nhưng hằng ngày bà Cương vẫn phải tự lo nấu ăn, chăm nom ruộng vườn

Cuốn phăng con chữ

Mở cửa ra đón tôi với cái chân đi cà nhắc, bà Trần Thị Kim Cương (65 tuổi, ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang) than: “Ở nhà một mình buồn quá chú ơi, không biết đến bao giờ tụi nó mới về”.

Bà Cương vừa phải đi bệnh viện y học cổ truyền tỉnh châm cứu hơn một tuần vì bệnh thấp khớp, chân tay đau nhức không vận động được. Vậy mà mới bớt đau bà đã phải vội vã xin về để giữ nhà, do con cái đã đi làm ăn xa hết. Bà đi viện bằng xe ôm, nằm viện một mình, ăn uống thì đã có bếp ăn từ thiện của bệnh viện.

Bà bảo: “Mấy đứa con tui nó mới xin được việc ở Bình Dương mấy tháng nay, bệnh nhưng không dám kêu về vì sợ bị ảnh hưởng, lỡ chủ đuổi việc thì khổ. Gọi điện kêu tụi nó gửi về cho ít tiền uống thuốc là mừng rồi, tui còn tự lo cho mình được”.

Chồng chết cách đây đã lâu, bà Cương một mình làm ruộng, nuôi tôm, dựng vợ gả chồng cho hai đứa con. Rồi lần lượt mấy đứa cháu nội, ngoại chào đời, tất cả đều trông chờ vào hơn 1 ha đất sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm. Những năm trước thời tiết không thuận lợi nhưng cũng có cái để ăn, để bán. Nhưng năm nay thì trắng tay: lúa thất mùa vì nhiễm mặn, tôm chết vì nắng nóng.

Vì vậy con cái, dâu rể của bà buộc phải xin đi làm công nhân hết. Đứa cháu lớn của bà mới 15 tuổi bố mẹ cho nghỉ học đi phụ giúp việc nhà cho người quen, tháng được 2 triệu đồng. Còn mấy đứa nhỏ thì mang theo luôn, chẳng biết lên đó học hành thế nào. Bà ở nhà một mình vừa coi nhà vừa coi ruộng.

Mở cửa sổ nhìn ra đám ruộng sau nhà, bà Cương buồn rầu: “Ruộng nương bây giờ làm bấp bênh quá, trời không cho ăn là đói. Bỏ thì không lỡ mà làm không khéo là lâm nợ. Giờ cho mướn rẻ cũng chẳng ai thèm ngó. Trước khi đi, con trai tui nói tới mùa lúa thì nó về làm, nhưng giờ có việc rồi chẳng biết có về nữa không. Tui bệnh tật thế này chỉ có nước bỏ hoang chứ làm sao nổi”.

Cha mẹ bỏ đi kiếm kế mưu sinh, việc học hành của con cái bị ảnh hưởng không nhỏ. Ghé trường THPT Nguyễn Văn Xiện (huyện An Minh, Kiên Giang), hỏi thăm về tình hình học sinh bỏ học, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Năm nay tình hình học sinh bỏ học cao hơn hẳn mấy năm trước, kết thúc học kỳ I, toàn trường đã có gần 50/1.038 em (hơn 4,5%). Đối tượng bỏ học chủ yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bỏ đi làm ăn xa với cha mẹ hoặc không có người kèm cặp dẫn đến học yếu, không theo kịp chương trình".

Chúng tôi đến thăm nhà bà Thạch Thị Pel (ở khu Bưng Tròn, xã Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng) trong cái nắng trưa hè gay gắt, bà đang lúi húi dưới bếp để nấu cơm. Đã 78 tuổi rồi, đôi tai bà đã bị lãng, mắt thì kèm nhèm, chân tay thiếu linh hoạt vậy mà hiện nay bà phải cưu mang 5 người cháu.

Chúng tôi hỏi, bà nấu cơm ăn với gì? Bà nói chưa có cái gì để ăn. Mọi ngày, bứt được cọng rau ăn rau, có tiền thì mua con cá, không có gì thì bà cháu ăn cơm trắng với muối vậy.

Bà Pel kể, gia đình không có đất cát gì nên vợ chồng người con trai sớm tối đi làm mướn, ai kêu gì cũng làm để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng vụ mùa năm nay, cả cái vùng làm lúa trù phú này không làm được vụ 3 (xuân hè) do hạn mặn. Những cây đậu, cây màu sống bên những thửa ruộng cũng không có nước tưới. Vậy là, người con duy nhất còn ở với bà cuối cùng cũng phải đi Bình Dương kiếm tiền trang trải cuộc sống.

09-53-45_2-em-thch-thi-hong-nhi-o-cung-voi-ong-noi-em-rt-so-gi-dinh-khong-co-tien-bi-bt-nghi-hoc-nhu-nh-cu-minh
Em Thạch Thị Hồng Nhi ở cùng với ông nội, em rất sợ gia đình không có tiền, bị bắt nghỉ học như anh của mình

“Thời gian trước tôi còn ở cùng thằng Út, những công việc này con dâu bà làm hết. Tôi chỉ quanh quẩn xóm giềng thôi. Bây giờ mọi việc tôi phải đảm đương hết”, bà Pel nói.

Trong căn nhà lá xiêu vẹo, rộng chỉ khoảng 40 m2 của gia đình, bà chia ra từng chỗ nghỉ ngủ trên hai cái giường cho các cháu. Nhiều lúc đám trẻ nhớ mẹ, bà dỗ dành chưa xong, thì nỗi nhớ con, nhớ cháu trong bà cũng ào về, rồi bà cháu ôm nhau nức nở.

Nói đến đây, bà lấy vạt khăn rằn đang vắt ngang cổ, quệt qua giọt nước chảy ra từ khóe mắt, nghẹn ngào: Khổ lắm chú ơi, nhưng nhà nghèo cũng phải chịu, không để chúng đi kiếm tiền thì chết đói, mà tụi nhỏ cũng chẳng được học hành gì. Số tiền con tôi gửi về, mỗi tháng chắc cũng được 2 - 3 triệu, tôi dành dụm để cho các cháu ăn đi học. Khi thiếu tiền thì đi mượn xóm giềng mua gạo, rồi có tiền lại trả.

Còn gia đình anh chị Thạch Sóc Kha (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cũng vì thất bát mùa màng mà phải rời xa quê hương. Đắng lòng hơn, anh đã phải cho người con trai lớn đang học lớp 11 nghỉ học theo mình mưu sinh. Còn ông bà Kim Xai dù đã già rồi, nhưng vẫn phải cưu mang người con nhỏ Thạch Hồng Nhi của anh chị đang học lớp 7.

Theo thống kê của xã Lịch Hội Thượng, toàn xã hiện có tổng cộng có 71 em phải nghỉ học để theo cha mẹ đi làm xa sau đợt mất mùa vừa qua.

Thiếu hụt lao động

Ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, đồng ý với chúng tôi về thực trạng thời gian gần đây người dân rời xứ đi làm ăn xa nhiều hơn và cho biết: Phần lớn trong số họ tới mùa vụ sẽ lại về phụ giúp gia đình canh tác. Thực trạng trên đã diễn ra từ lâu, nhưng năm nay tình trạng này có phần nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Bé đang tỏ ra lo ngại về khả năng, tương lai địa phương có thể thiếu lực lương lao động nông thôn.

09-53-45_3-con-ci-bo-di-lm-n-x-nhieu-nh-o-nong-thon-vung-bi-hn-mn-trn-qu-gio-chi-con-li-nguoi-gi-neo-don
Con cái bỏ đi làm ăn xa, nhiều nhà ở nông thôn vùng bị hạn, mặn tràn qua giờ chỉ còn lại người già neo đơn

“Hiện nay sản xuất đã cơ giới hóa nên không cần nhiều lực lượng lao động chân tay. Nhưng làm lúa vẫn có những công đoạn cần tới sức người mà máy móc hay người già yếu không thể làm được. Vì vậy chúng tôi cũng đang lo lắng về thực trạng này sẽ gây ra thiết hụt lao động tại nông thôn, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương”, ông Bé nói.

Liệu việc rời bỏ miền quê nhiều như vậy, có thể gây ra việc bỏ không ruộng đất?, tôi hỏi. Ông Bé khẳng định, ruộng đất tại địa phương sẽ không thể bị bỏ không, vì thực tế đất vẫn sinh lợi cho bà con. Nói về những hệ lụy đang hiện hữu như: Người già, trẻ nhỏ không ai chăm sóc; học sinh có nguy cơ phải nghỉ học sớm.

Ông Bé cho biết: Chúng tôi cũng rất lưu tâm đến vấn đề này, huyện đã chỉ đạo bộ phận chuyên ngành thống kê lại số liệu cụ thể nhằm nắm bắt sát hơn và đang triển khai nhiều giải pháp để giữ chân người dân, tạo sự ổn định để phát triển.

Đ.T.CHÁNH - TRẦN HIẾU
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo