Xung quanh vấn đề này, PV Dân Việt đã phỏng vấn TS Nguyễn Đình Minh – Phó Viện trưởng Viện Thú y.
|
Một cơ sở đang bơm nước vào heo trước khi giết mổ. |
Tại TP.HCM cơ quan chức năng vừa phát hiện, bắt giữ lô hàng 624 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ. Nếu trót lọt, số thịt lợn này sẽ đến tay người tiêu dùng. Ông đánh giá sự việc này như thế nào?
- Rõ ràng sản phẩm thịt lợn đưa đến tay người tiêu dùng phải là sản phẩm chất lượng nhất, tươi ngon và đáp ứng đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là điều bắt buộc và thể hiện đúng tinh thần đạo đức của người kinh doanh.
Trong sự việc này, nếu để 624 con lợn đã tiêm thuốc an thần vào thẳng lò giết mổ và đưa đến tay người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đấy là điều không phải bàn cãi vì đây là sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Còn bây giờ để đề cập mức độ nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào thì cần phải phân tích kỹ lưỡng hàm lượng thuốc an thần tiêm vào lợn nhiều hay ít.
Chi cục Thú y TP.HCM sẽ tạm giữ lô hàng này 7 ngày để đào thải các chất an thần đã tiêm vào lợn, sau đó tiếp tục lấy mẫu để kiểm tra, nếu đảm bảo các quy định sẽ cho phép giết mổ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiêu hủy lô hàng trên để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và răn đe những hành vi gian dối. Quan điểm của ông như thế nào?
- 7 ngày cũng là thời gian khá dài để đào thải các chất an thần, tuy nhiên cần phải xem xét rằng đây là loại thuốc gì, bởi vì bây giờ có rất nhiều loại thuốc mới, có khi nhà khoa học chưa kịp cập nhật thì đã xuất hiện trên thị trường, vì họ nhập và tiêu thụ chui. Bên cạnh đó phải xem họ đã tiêm vào lợn với liều lượng bao nhiêu, tiêm theo con đường nào, tiêm vào bắp, vào da hay tiêm tĩnh mạch. Thuốc mê có rất nhiều loại và tùy mỗi loại có mức độ thải khác nhau về thời gian. Tuy nhiên nói tóm lại hành vi đó là không bình thường và sản phẩm này không đảm bảo và theo tôi không nên cho lưu hành sản phẩm đó.
|
Thuốc an thần được dùng để tiêm vào heo tại một cơ sở giết mổ ở Bình Dương. |
Về tiêu hủy, thường thì chúng ta sẽ tiêu hủy đối với gia súc gia cầm có dịch bệnh lây lan nguy hiểm, ví dụ các bệnh vi trùng, siêu vi trùng. Còn số lợn này là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, chúng ta có thể tái chế để sử dụng phục vụ mục đích khác ngoài mục đích làm thực phẩm cho người.
Xét về mặt khoa học, theo thời gian chất tiêm vào lợn sẽ bị đào thải, khi các chất này bị đào thải hết thì lợn trở lại bình thường. Thực tế đây là chất gây mê, gây ức chế thần kinh chứ không phải dịch bệnh lây lan, nếu chúng ta có điều kiện về không gian và thời gian nuôi số lợn này đến lúc các chất đào thải hết ra khỏi cơ thể thì chúng ta cũng nên tận dụng.
Như thế sẽ vừa tiết kiệm, trách tổn thất cho người buôn bán. Còn đối với hành vi sai phạm, chúng ta vẫn cứ xử lý theo đúng pháp luật, sai đến đâu phạt đến đó.
Xin cảm ơn ông!