Quản lý rau an toàn ở Hà Nội: Nhiều vướng mắc
21:35 - 31/05/2016
Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hà Nội hiện quản lý 12.000ha rau, trên 200.000 hộ gia đình tham gia sản xuất; phân bố tại 22 quận, huyện, thị xã. Sản lượng rau hàng năm đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng thành phố, 40% còn lại phải nhập từ các địa phương lân cận. Mặt khác, do chưa sản xuất theo chuỗi, chưa có hệ thống cửa hàng bán lẻ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Nông dân xã Tân Minh dùng bẫy bắt bướm đêm trên vùng rau an toàn để hạn chế thuốc BVTV.

Chấp nhận bù lỗ…

Để công tác quản lý, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) của Thủ đô đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, TP.Hà Nội đã phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP.Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016”, kèm theo “Quy định quản lý sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội”; “Quy hoạch mạng lưới sản xuất RAT trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020”.

Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cũng đã ban hành 30 quy trình kỹ thuật sản xuất RAT; 10 quy trình sản xuất rau hữu cơ; giao Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tư vấn lập 36 dự án xây dựng hạ tầng vùng RAT tập trung với diện tích 2.080,9ha. Hiện, đã có 15 dự án được đưa vào sử dụng. Sở cũng phối hợp chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho nhiều diện tích RAT. Tính đến cuối năm 2015, đã có 5.100ha được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 352ha rau VietGAP và 40ha rau hữu cơ.

Phó chủ tịch UBND xã Duyên Hà (Thanh Trì), ông Nguyễn Hồng Đức, cho biết, xã có 50ha RAT theo quy hoạch của thành phố, do 800 hộ gia đình quản lý. Người dân ở đây chủ yếu trồng theo mùa vụ, mùa nào rau ấy. Về đầu ra, 95% sản lượng được bán lẻ tại các chợ trong nội thành Hà Nội và một số bếp ăn tập thể. Thu nhập của bà con khá ổn định. 

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Tân Minh (Thường Tín), ông Phạm Văn Phúc, cho biết: 80% dân số Tân Minh sống bằng nghề nông, chuyên trồng rau gia vị và cấy lúa. Xã có 5 thôn thì 3 thôn chuyên canh rau, 2 thôn còn lại áp dụng mô hình trồng rau xen lúa. Hiện, toàn xã có 110ha rau/1.500 hộ quản lý; hộ nhiều  sử dụng 4 - 5 lao động, hộ ít 2 - 3 người. Do nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nên Tân Minh chủ yếu dùng nước giếng khoan để canh tác, 70% số giếng do bà con tự khoan. Năm 2015, thành phố hỗ trợ khoan 108 giếng (bình quân 2 triệu đồng/giếng); dự kiến năm 2016, hỗ trợ 240 giếng. Xã có 40% số hộ vừa trồng rau vừa buôn bán; 60% còn lại bán buôn tại chợ đầu mối của xã, bình quân thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; gặp dịp rau được giá, có gia đình thu tiền triệu/ngày là bình thường.

Đáng ghi nhận là, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) chấp nhận bù lỗ để duy trì hệ thống cửa hàng bán lẻ, đưa sản phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn cho người tiêu dùng.

Trưởng phòng Kinh doanh – Xuất nhập khẩu của Hadico, ông Hoàng Tiến Sỹ, cho biết, công ty có 3 cửa hàng. Địa điểm 1 tại trụ sở công ty (không phải thuê mặt bằng); cửa hàng thứ 2 (thuê 10 triệu đồng/tháng) tại CT7, Khu đô thị Dương Nội, đường Lê Văn Lương kéo dài; cơ sở 3 (thuê 6 triệu đồng/tháng) tại 12B Hoàng Đạo Thành - Thanh Xuân. Các sản phẩm của cửa hàng một phần do các đơn vị thành viên của Hadico tự sản xuất, chủ yếu là các loại rau, gạo, trứng gà; một phần nhập của các nhà cung cấp tại miền Bắc với yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. “Hiện, hàng ngày có nhiều nông dân đến chào hàng, song, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, họ không xin được giấy chứng nhận ATTP nên chúng tôi không nhập được hàng của bà con. Đây là điều thiệt thòi cho cả 2 bên, bởi giá bán tại cửa hàng luôn cao hơn so với thị trường 30 - 40%. Ví dụ, trứng gà giá chợ chỉ 3.000 đồng/quả thì cửa hàng Hadico là 3.500 đồng/quả. Nếu đưa được sản phẩm vào cửa hàng, thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện”, ông Sỹ nói.

“Người mua là khách hàng truyền thống, chủ yếu là những người có nhận thức tốt về vệ sinh ATTP, nhưng sức mua chưa cao. Vì vậy, các cửa hàng của chúng tôi hiện đang thua lỗ, thu không đủ bù chi, nhưng Hadico vẫn duy trì, nhằm mục đích đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Mong muốn của chúng tôi là được người dân ủng hộ để 2 bên cùng có lợi”, ông Sỹ chia sẻ                                    

Liên kết chuỗi, đòi hỏi tất yếu

Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, Chi cục BVTV Hà Nội đã tổ chức 987 lớp huấn luyện IPM cho 29.610 nông dân; 990 lớp ngắn hạn về ATTP trong sản xuất cho 49.500 người. Đặc biệt, đã có 385 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV như: che phủ bằng nylon, nhà lưới, trồng rau trái vụ tại 116 xã với diện tích trên 1.150ha. Ngoài ra, còn hướng dẫn làm bả protein; bả chua ngọt diệt ruồi đục quả, sâu, bướm đêm; luân canh rau với ngâm nước ruộng 10 ngày diệt bọ nhảy; làm bẫy Pheromone diệt sâu tơ, sâu xanh; các mô hình về rào chắn bọ nhảy;  dùng chế phẩm sinh học Emina xử lý tàn dư cây trồng, được xem là những biện pháp đầu tư thấp, hiệu quả cao, người dân dễ thực hiện.

Chi cục BVTV Hà Nội đã tổ chức 300 lớp tuyên truyền cho 24.000 người tiêu dùng tại các quận nội thành; xây dựng chuyên mục RAT với người tiêu dùng. Đặc biệt, đã thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ RAT với các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang… Cử 150 cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra sản xuất RAT; thường xuyên thanh, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV. Đã kiểm tra đột xuất 3.376 lượt cửa hàng, công ty, chi nhánh công ty, phát hiện 463 trường hợp vi phạm, phạt tiền 328 triệu đồng; tịch thu 851 lít (kg) thuốc chờ tiêu hủy.

Mặt khác, để truy xuất nguồn gốc, năm 2011, Chi cục đã thí điểm gắn tem, nhãn, nhận diện RAT ở Văn Đức; năm 2012, nhân rộng ra ở Duyên Hà, Thanh Đa, Tráng Việt… Đến đầu năm 2014, đã có 40 cơ sở dán tem nhận diện, mỗi cơ sở được cấp một mã số, sản phẩm dán tem được tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội, các tỉnh lân cận, được người tiêu dùng đánh giá cao. Từ kết quả thí điểm đó, Chi cục đã lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận RAT Hà Nội”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận ngày 9/2/2015. Hiện, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu.  

Từ đầu năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục BVTV xây dựng và vận hành thí điểm 11 chuỗi RAT có sự tham gia của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hồng, cho biết: “Thời gian gần đây, tập quán canh tác lạc hậu và và thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân Hà Nội đã thay đổi đáng kể. Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đã chiếm khoảng 60%; giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Năm 2014, lượng thuốc BVTV trên cây trồng của Hà Nội là 360 tấn (trong đó có rau), chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc (116.582 tấn). Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%; tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Năng suất rau tăng 18%, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm; giá trị sản xuất đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng vùng che phủ nylon, nhà lưới, rau trái vụ đạt thu nhập 600 triệu đồng/ha/năm. Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn, người dân có kinh nghiệm sản xuất, nhất là được tiếp thu kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp IPM liên tục 20 năm qua là nền tảng để thành phố giảm thiểu thuốc BVTV, xây dựng các vùng sản xuất an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, việc quản lý sản xuất RAT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất lớn chưa nhiều. Đơn cử như xã Thư Phú (Thường Tín) có 42ha rau, nhưng có tới 1.800 hộ sản xuất, trong khi ở nước ngoài với diện tích ấy chỉ một người quản lý. Mặt khác, người dân ngoài độ tuổi lao động tham gia sản xuất rau nhiều; trong khi sản xuất RAT đòi hỏi nông dân phải có kiến thức, kỹ năng thông qua các lớp tập huấn IPM. Nhân lực, kinh phí kiểm tra, kiểm nghiệm ATTP chưa đáp ứng được nhu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các quy định của người sản xuất. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị. Trong khi có rất ít doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ rau vì thời gian bảo quản ngắn, đầu tư kho chứa, giá thuê cửa hàng, người bán hàng, quảng bá cao; HTX nông nghiệp hầu như không có vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân.

  Một thực tế nữa là, chưa có chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng cho kinh doanh RAT như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng. Đã có phân chia trách nhiệm giữa 3 ngành (Nông nghiệp và PTNT, Công Thương; Y tế), nhưng chưa có quy định kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ rau lưu thông, buôn bán. Trong khi nông dân sản xuất quy mô nhỏ, rau bán rong tại các chợ dân sinh rất khó truy xuất nguồn gốc, vì vậy, việc quy đầu mối trách nhiệm của 3 bộ chưa khả thi.                                   

Thiết nghĩ, thời gian tới, để việc quản lý, cung ứng rau trên địa bàn Hà Nội thuận lợi hơn, thành phố cần đầu tư xây dựng các chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán RAT, thực hiện liên kết chuỗi. Mặt khác, nên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho 2 thành phố lớn (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT.

 

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo