Tại Diễn đàn Khuyến nông@ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp phát triển cây màu luân canh trên đất lúa theo hướng bền vững phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Vĩnh Long, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một lựa chọn tất yếu cho đất chín rồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cần có một cơ cấu cây trồng hợp lý thay vì độc canh cây lúa như hiện nay.
Hiệu quả hơn trồng lúa
Năm 2015, ông Nguyễn Thành Vinh ở xã Long Mỹ (Mang Thít - Vĩnh Long) thực hiện mô hình luân canh khoai mỡ trên chân đất lúa với diện tích 0,8ha. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long hỗ trợ 100% hom khoai giống (1.200kg), 30% phân hữu cơ (240kg) với tổng kinh phí 6.360.000 đồng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên ông Vinh thu lãi hơn 100 triệu đồng với 8 công (1 công = 1.000m2) khoai mỡ, gấp 8 lần trồng lúa cùng vụ.
Vụ xuân hè 2015, thay vì xuống giống lúa, được sự tư vấn của Trung tâm Khuyến nông, ông Huỳnh Văn Lý, xã Tân Hạnh (Long Hồ - Vĩnh Long) trồng 1,2ha đậu nành trên chân đất lúa. Kết quả đậu giống đạt chất lượng, thích nghi với điều kiện địa phương, chịu được khô hanh và ít tốn công chăm sóc; tỷ lệ trái 3 hạt đạt 60%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trường ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn - Vĩnh Long) lại chọn cây bắp nếp để tham gia dự án “Cánh đồng mẫu cây màu” do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long triển khai với diện tích 0,8ha. Tham gia mô hình, ông được Trung tâm hỗ trợ 100% giống bắp Milky 36, 30% phân hữu cơ, đồng thời được hướng dẫn quy trình canh tác bắp theo hướng an toàn thực phẩm. Thực hiện đúng hướng dẫn được học, lại được cán bộ khuyến nông tận tình chỉ dẫn nên cuối vụ, ông thu được 11,2 tấn bắp, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 34,9 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần trồng lúa.
Đơn cử như tại An Giang, mô hình trồng ngô lai trên chân ruộng lúa kém hiệu quả cho năng suất trung bình 9,2 tấn/ha. Với giá thu mua ngô tại thời điểm thu hoạch (tháng 8-9/2015) là 3.800 đồng/kg, người tham gia mô hình có thu 34,96 triệu đồng/ha, trong khi thu nhập từ lúa trên cùng một đơn vị diện tích là 24,51 triệu đồng.
Tại Cần Thơ, nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi những phần đất trồng lúa vụ xuân hè kém hiệu quả sang trồng cây màu như: ngô lai, đậu các loại, khoai lang. Với năng suất bắp 10,1 tấn/ha, bán với giá 3.779 đồng/kg, tổng thu của mô hình đạt 38,16 triệu đồng/ ha, trong khi tổng thu từ trồng lúa chỉ đạt 25,9 triệu đồng/ha.
Trên đây chỉ là vài mô hình trong số nhiều nông dân được hưởng lợi sau khi tham gia dự án đưa cây màu xuống chân ruộng lúa do Trung tâm Khuyến nông các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.
TS.Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đánh giá, hiệu quả thu hoạch mô hình trồng ngô lai trên đất lúa kém hiệu quả tại An Giang, Cần Thơ chứng tỏ các tỉnh vùng ĐBSCL có thể dựa vào cây ngô để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nhân rộng mô hình trong mối liên kết 4 nhà và áp dụng cơ giới hóa, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, để gia tăng hơn nữa giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tổ chức các lớp đào tạo ngoài mô hình với phương pháp học đi đôi với hành, tạo điều kiện cho nông dân dễ tiếp thu, thảo luận nhiệt tình, nắm bắt kỹ thuật và dễ ứng dụng.
“Trong thời gian qua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã làm đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị nông sản, tăng hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất, góp phần nâng cao đời sống của nông dân, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng quy trình kỹ thuật mới để tăng năng suất, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Kết quả của mô hình cũng cho thấy khả năng chuyển đổi, sử dụng linh hoạt những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cho phép người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phong phú hóa cơ cấu luân canh, đảm bảo gia tăng thu nhập, đồng thời giảm thiểu áp lực canh tác lúa, cho phép bền vững hóa hệ thống canh tác hàng hóa tại nhiều địa phương ở khu vực”, ông Khởi nhấn mạnh.
Liên kết chặc chẽ hơn giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ
Trên thực tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất ruộng đang được nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tích cực thực hiện, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua đã khiến nhiều diện tích trong khu vực không thể xuống giống lúa. Theo TS.Trần Văn Khởi, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đặt mục tiêu duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu hecta đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020; tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô để đạt sản lượng trên 8,5 triệu tấn nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sau: Năm 2014-2015: Chuyển đổi khoảng 112.000ha diện tích gieo trồng lúa (vụ đông xuân 58.000ha, vụ hè thu 45.000ha, vụ mùa 9.000ha). Trong đó, chuyển sang trồng ngô 30.000ha; đậu tương 8.000ha; vừng, lạc 11.000ha; rau, hoa 27.000ha; cây thức ăn chăn nuôi 6.000ha; cây khác 8.000ha; kết hợp nuôi trồng thủy sản 22.000ha. Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục chuyển đổi khoảng 204.000ha (vụ đông xuân 102.000ha, vụ hè thu 84.000ha, vụ mùa 19.000ha).
Tuy nhiên, theo ông Khởi, khó khăn nhất trong việc chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp sang các cây trồng khác là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa có hệ thống thủy lợi chủ động tưới cho cây trồng cạn (bắp, đậu tương) vào mùa khô hay thoát nước trong mùa mưa. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên doanh nghiệp khó tổ chức thu mua sản phẩm. Việc chuyển đổi hiện nay còn mang tính tự phát. Các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi với những giải pháp đồng bộ về vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng và kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nên làm mô hình thì thành công nhưng chưa nhân được ra diện rộng... Người dân một số vùng còn ngần ngại trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bởi tập quán canh tác lúa đã ăn sâu vào trong ý nghĩ của người dân. Ứng dụng cơ giới còn hạn chế, đẩy chi phí giá thành lên cao.
Để mô hình thành công và nhân rộng, ông Khởi lưu ý, Trung tâm Khuyến nông các địa phương cần duy trì các mô hình điểm và đào tạo kỹ thuật viên trở thành những hạt nhân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm là điều kiện then chốt để mô hình thành công và bền vững. Nên ưu tiên cho các mô hình khuyến nông về việc mua sắm giống, vật tư không qua đấu thầu. Vì kinh phí trên 100 triệu tổ chức chào hàng theo hình thức đấu thầu thường mất thời gian khoảng 1 tháng sẽ ảnh hưởng đến việc cấp phát vật tư không đúng theo giai đoạn cây trồng.
Đối với các vùng chuyển đổi ngô trên đất lúa khi thực hiện cần cụ thể quy hoạch vùng trồng, loại đất trồng, cơ cấu cây trồng và cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp, tránh úng khi mưa, đủ nước tưới trong mùa khô. Có chính sách đặc thù, đầu tư khuyến công cho mô hình trọn gói từ máy làm đất, gieo hạt, thu hoạch, tách hạt đến sấy, để nông dân thấy rõ lợi ích của đầu tư cơ giới hóa, hạ giá thành sản xuất. Đây là điểm mấu chốt, góp phần làm cho mô hình có tính ổn định lâu dài ngoài sản xuất, sau khi kết thúc mô hình ở các điểm.
Yếu tố quyết định đến tính bền vững của mô hình, dự án bên cạnh hiệu quả kinh tế cao có ý nghĩa so với canh tác lúa là khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong điều kiện hiện tại, giá tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp đưa ra không thực sự hấp dẫn người dân. Vì vậy, để dự án hoạt động có hiệu quả, các giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho người dân cần phải được xem xét giải quyết thấu đáo trong một tiến trình tổng thể như chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.