Đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng nhập nhằng trong việc quảng cáo các giống lúa kháng bạc lá...
|
Thửa ruộng cấy Bắc thơm 7 (thường) ở bên trái bị thiệt hại do nhiễm bạc lá |
Đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng nhập nhằng trong việc quảng cáo các giống lúa kháng bạc lá khi chưa được cơ quan chức năng chứng nhận.
Câu chuyện đạo đức kinh doanh
Lịch sử ngành khí tượng thủy văn đã đúc kết rằng, “cái đuôi” của hiện tượng El-Nino là trạng thái trung gian Elso, rồi tới La-Nina, có điều năm nay hình thái trung gian dự báo là sẽ rất ngắn.
Thế nên, Cục Trồng trọt nhận định, vụ mùa năm 2016 tới đây chắc chắn sẽ nắng nóng và xảy ra nhiều trận mưa lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Ở Thái Bình đã có năm ruộng ngập sâu tới 1,1 m, thiệt hại do bệnh bạc lá gây ra không hề nhỏ. Thế nên, khâu chọn giống phải hết sức cẩn trọng và đặc biệt ưu tiên các giống lúa chống chịu bệnh bạc lá.
Bên cạnh đó, do thời gian thu hoạch lúa vụ ĐX 2015-2016 muộn hơn hằng năm khoảng 10 - 15 ngày, công tác chuẩn bị giống vụ mùa của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có hiện tượng một số DN đưa bao bì cho tư thương mua thóc thịt làm thóc giống.
Sau khi khởi đăng bài “Ma trận” giống lúa kháng bạc lá trên Báo NNVN, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN đã trao đổi 3 vấn đề bức xúc của ngành SX, kinh doanh lúa giống.
Thứ nhất, các DN cung ứng giống phải có tâm và không được đánh lừa nông dân. Bất kể DN đó lớn hay nhỏ, đừng bao sử dụng những cái tên, ký hiệu mập mờ để kích thích sự tò mò, đánh lừa lòng tin của họ. Bởi nông dân ít thông tin, họ không thể hiểu được bản chất của những vấn đề kỹ thuật rắc rối.
Thứ hai, để xác định một đặc tính mới của một giống cũ đã có trong cơ cấu SX thì phải được khảo nghiệm, được cơ quan chức năng đánh giá và công bố bằng văn bản rằng, ai đưa gen kháng bạc lá (hoặc kháng đạo ôn, khô vằn, rầy...) vào giống đó? Gen kháng bạc lá tên gì và nằm ở đâu trong cấu trúc gen? Gen đó biểu hiện ra bên ngoài như thế nào?...
Để làm được điều đó, cơ quan chức năng phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu và phân tích. Đơn vị nào không có gen kháng bạc lá mà quảng cáo là có, tức là lừa dối nông dân rồi. Vấn đề còn lại chỉ là xử phạt thật nghiêm để răn đe.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm định giống cây trồng của Bộ NN-PTNT (trực tiếp là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia) cần công bố các doanh nghiệp quảng cáo giống lúa có khả năng kháng bạc lá, nhưng chưa được cơ quan chức năng xác minh, chứng thực. Từ đó, nông dân có thêm một kênh thông tin để lựa chọn sản phẩm đúng mục đích sử dụng.
Ông Trần Mạnh Báo đã từng tiếp cận thông báo về sản phẩm của một số Cty và thấy đằng sau tên các giống lúa có kèm theo chữ “KBL”. Những người làm lâu năm trong ngành giống như ông cũng chỉ dám đoán già đoán non rằng “KBL” chính là tên viết tắt của ba chữ “kháng bạc lá”.
Thế còn nông dân, họ làm sao hiểu được ý nghĩa của ba chữ “KBL” là gì? Bởi vậy, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng VN khuyên các đại lý, nếu thấy các DN công bố thông tin không rõ ràng thì không nên tiếp tay cho họ, vì làm như vậy là hại nông dân.
Không quản chặt, rất nguy hiểm
Một GS.TS từng công tác ở Viện Di truyền nông nghiệp rất say sưa nghiên cứu các giống lúa chia sẻ, hiện có rất ít giống lúa cải tiến chứa các gen kháng bạc lá phù hợp với các chủng vi khuẩn Xanthomonas oryzae (gây bệnh bạc lá) ở VN. Và, có một số doanh nghiệp tung ra các giống lúa kháng bạc lá không chính xác. Các cơ quan thanh tra về giống, đặc biệt là Bộ NN-PTNT phải có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn.
“DN có thể trục lợi vài ngàn đồng, thậm chí chục ngàn đồng/kg thóc giống nhờ hành vi quảng cáo gian dối. Nhưng với nông dân, thiệt hại có thể lên tới hàng tạ thóc chỉ vì mua phải một kg giống không đúng tiêu chuẩn chất lượng. Vì thế, cơ quan quản lý không thể đứng ngoài cuộc được, phải hành động ngay lúc này”, ông Báo nói. |
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nguy cơ nhiễm bạc lá ở vụ mùa rất cao, nhất là các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng. Nếu nhiễm bệnh bạc nặng sẽ gây thiệt hại khoảng 70% sản lượng, còn ở mức nhẹ là khoảng 20 -30%. Vì thế, các Cy không có giống lúa kháng bạc lá mà cố tình quảng cáo man trá sẽ gây ra tổn thất vô cùng lớn.
Cũng theo vị này, hiện Bộ NN-PTNT đang soạn dự thảo Pháp lệnh Giống cây trồng (sửa đổi) và ông rất muốn “nâng cấp” nó thành Luật Giống cây trồng. Trong luật đó phải quy định rất ngặt nghèo về mặt kinh doanh, quảng cáo các tính trạng, đặc điểm của giống.
“Như chúng tôi là các nhà khoa học, khi chọn tạo, lai tạo được một giống lúa mới thì phải công bố rất minh bạch những tính trạng, đặc điểm của giống. Ví dụ, về đặc điểm kháng bạc lá, phải chỉ rõ giống lúa ấy có chống chịu được ở mức nào? Và kỹ thuật canh tác ra sao để tránh bệnh bạc lá, chứ cái gì cũng quảng cáo tuyệt vời thì chết dân...”.
Nhà quản lý nói gì?
Trước thực trạng “tranh tối tranh sáng” của thị trường giống lúa kháng bạc lá mà NNVN nêu, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nhiều DN đang quảng cáo về ưu điểm kháng bạc lá của giống lúa trong khi thiếu cơ sở để chứng minh. Trong thời gian sớm nhất, Cục sẽ đề xuất cấp trên để ban hành một văn bản chỉ đạo.
Trong đó đưa ra quy định, tất cả các sản phẩm lúa giống trước khi quảng cáo là kháng (chống) được bệnh bạc lá đều phải gửi mẫu đến cơ quan chức năng để giải mã trình tự gen, đồng thời test (kiểm tra) trong phòng lây nhiễm nhân tạo. Từ đó chứng minh rằng giống đó có chứa các gen kháng bạc lá (Xa...).
Trên cơ sở đề xuất của Cục Trồng trọt, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Vụ KH-CN & Môi trường, Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) đã đồng ý cho phép sửa đổi Quyết định 95/2007/QĐ-BNN (ban hành quy đinh về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới).
Trên cơ sở đó đưa ra một quy định cá biệt để công nhận một số giống lúa mới mà các cá nhân, đơn vị dầy công nghiên cứu, chuyển một số gen có khả năng kháng sâu bệnh... vào một giống lúa nền nhằm nâng cao tính chống bệnh của giống lúa vốn đã rất quen thuộc với nông dân nhưng yếu điểm là nhiễm sâu bệnh hại.