'Ma trận' giống lúa kháng bạc lá: Nhập nhèm Bắc thơm 7
16:22 - 14/06/2016
Trước thềm vụ mùa 2016, các công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đua nhau “ra lò” các giống lúa có khả năng kháng/chống chịu bệnh bạc lá. Thế nhưng, thật - giả thế nào thì khó mà biết được.
Thửa ruộng Bắc thơm 7 (bên trái) tại huyện Mường Thanh (Điện Biên) thất thu vì bệnh bạc lá vụ mùa 2013 (Ảnh: MP)

Không phải ngẫu nhiên, giới làm nông nghiệp ví bạc lá là căn bệnh ung thư của cây lúa. Bởi đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra phương thuốc đặc hữu phòng trừ.

Đáng buồn là căn bệnh “nan y” đó lại quần thảo ác liệt tại các vùng canh tác lúa chất lượng cao của Việt Nam, nhất là các tỉnh ĐBSH vào vụ mùa. Những năm nhiều mưa bão, quần thể vi khuẩn Xanthomonas Oryzea phát triển mạnh, tấn công gây cháy lá. Chúng lan tỏa theo chiều gió bám vào các vết xước khiến những thửa ruộng bạc như rơm khô, bông dặt những hạt lép lửng, giảm năng suất nghiêm trọng. Nông dân nhìn cảnh tượng đau xót ấy chỉ biết trách trời, bởi chẳng thể làm gì để cứu lúa.

Nhan nhản giống kháng/chống bạc lá

Từ điểm yếu “cốt tử” ấy, các doanh nghiệp đang chạy đua kinh doanh giống lúa có tính kháng bạc lá. Thế nhưng, cuộc chơi ấy dường như vẫn chưa có quy định luật lệ rõ ràng, khiến cho “vàng thau lẫn lộn”. Câu chuyện bát nháo về thị trường giống lúa Bắc thơm 7 có khả năng kháng bạc lá là điển hình.

Theo GS.VS Trần Duy Quý, mỗi vụ nước ta gieo cấy khoảng 40.000ha lúa Bắc thơm 7. Mặc dù đứng ở “ngôi vương” về chất lượng gạo ở Việt Nam, nhưng “hoa hậu” Bắc thơm 7 bao giờ cũng đỏng đảnh. Những năm nhiều áp thấp nhiệt đới, nhiều mưa bão (đặc biệt là vào vụ mùa), những thửa ruộng Bắc thơm 7 có thể mất trắng vì căn bệnh bạc lá.

07-17-23_nh-1
Giống Bắc thơm 7 thường được công ty V.S cố tình quảng cáo mập mờ, khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng, đây là giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá

 

Giả dụ, chỉ cần bệnh bạc lá gây thiệt hại khoảng 20% diện tích (tức là thiệt hại ở mức nhẹ), tương đương 8.000ha; năng suất Bắc thơm 7 đạt bình quân 4 tấn/ha thì nông dân sẽ mất khoảng 32.000 tấn thóc. Với giá bán trên thị trường khoảng 8.000 đ/kg, số tiền thất thu sẽ lên tới 256 tỷ đồng. Một con số rất lớn.

Trên dải đất hình chữ S, các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 20 chủng vi khuẩn Xanthomonas Oryzea gây bệnh bạc lá, trong đó chủng phát hiện được ở Nam Định là độc tính nhất, sau đó đến Hà Nam, Hà Tây (cũ) và Thanh Hóa. Đồng thời, nhờ sự phát triển của lĩnh vực sinh học phân tử, các nhà khoa học thế giới đã xác định được khoảng 40 gen kháng bạc lá, trong đó có các gen kháng bạc lá mạnh có tên là: Xa4, Xa5, Xa7 và Xa21.

Năm 2007, Sở KH-CN Hải Dương đặt hàng các nhà khoa học Viện Nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp VN) lai chuyển gen kháng bạc lá Xa21 vào giống lúa Bắc thơm 7, giúp tăng cường tính kháng bệnh bạc lá mà không làm thay đổi các đặc tính nông sinh học khác cũng như chất lượng giống gốc. Và sau 4 năm đằng đẵng thực hiện dự án, kèm theo yếu tố quan trọng là… may mắn, họ đã thành công.

Hiện tại, chỉ có Cty CP Giống cây trồng Hải Dương và Cty CP Hạt giống vàng Thái Bình được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho phép mở rộng sản xuất, kinh doanh giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá.

Doanh nghiệp tự tung, tự hô

Do có ưu thế vượt trội về khả năng kháng bệnh bạc lá, mấy năm trở lại đây, giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá được bán đắt như tôm tươi với số lượng lên tới cả ngàn tấn mỗi năm. Và, khi bị giành mất “miếng bánh béo bở”, nhiều doanh nghiệp giống cây trồng đang kinh doanh giống Bắc thơm 7 (thường) chẳng chịu ngồi yên.

Tìm hiểu về thị trường lúa giống vụ mùa 2016, chúng tôi tìm đến một đại lý phân phối giống cây trồng lớn tại xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Sau một hồi trò chuyện, ông chủ cửa hàng chìa cho tôi một văn bản quy định giá bán và cơ chế bán hàng của công ty V.S (một công ty giống cây trồng có địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội) trong vụ mùa, hè thu 2016 cho các đơn vị phân phối.

Trong số 33 tên giống lúa mà công ty này đang kinh doanh có hai giống ghi là “Bắc thơm 7” và “Bắc thơm KBL”. Giống Bắc thơm 7 có giá 21.000 đồng/gói 1 kg, chiết khấu 2.000 đồng/kg. Giống Bắc thơm KBL có giá 26.000 đồng/gói 1 kg, chiết khấu 3.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tên giống “Bắc thơm KBL” (ghi trong đơn giá) được công ty này in thông tin trên bao bì là: Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, mực in màu đỏ, cùng một font chữ và chia thành 2 dòng. Chữ “Bắc thơm số 7” được in cỡ chữ to hơn ở dòng trên. Còn chữ “kháng bạc lá” được in sát phía dưới, kích cỡ nhỏ hơn không đáng kể.

Ông V. chủ đại lý này “nói nhỏ” với tôi rằng: “Giống Bắc thơm 7 KBL của Cty V.S vừa bị ông Chính – Giám đốc Công ty Hạt giống vàng ở Thái Bình, dọa sẽ kiện về vấn đề bản quyền. Nhân viên của công ty V.S vừa thông báo bằng miệng là thu hồi khẩn cấp tất cả sản phẩm cho yên chuyện”.

Tại một đại lý vật tư nông nghiệp khác ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình), chúng tôi tình cờ phát hiện những gói lúa giống mang tên “Bắc thơm 7 – NC” của Công ty CP Giống cây trồng Đ.N (có trụ sở tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Trên bao bì giới thiệu đậm nét về ưu điểm nổi bật của giống là: “Chống bạc lá, cơm ngon và gieo cấy được hai vụ” gây ấn tượng cho người đọc.

07-17-23_nh-2
Giống Bắc thơm 7 thường, được doanh nghiệp Đ.N “tự nổ” là có khả năng chống bạc lá

 

Thế nhưng, đơn vị sản xuất lại không ghi rõ ràng giống lúa của mình chống bạc lá ở điểm mấy (trong thang điểm 1 đến 9 do Viện Lúa quốc tế IRRI công bố) hoặc chứa gen nào trong số các gen có khả năng kháng bạc lá.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi gọi điện cho ông Đ - GĐ Cty CP Giống cây trồng Đ.N, để tìm hiểu thực hư về thông tin quảng cáo. Ông Đ bảo rằng: “Đây là giống Bắc thơm (số 7) thường, hoàn toàn không phải là Bắc thơm (số 7) KBL. Chúng tôi không hề công bố cái gì là kháng bạc lá cả. Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh ba chữ “chống bạc lá” là do quá trình chọn dòng, mình thấy dòng có ưu điểm thì mình khuyến cáo, chứ mình không nói là kháng bạc lá”.

- Vậy thì mình có công bố sản phẩm đó chống bạc lá ở điểm mấy không ạ?, tôi hỏi.

- Không. Cái đấy nó chỉ là định tính, nên mình không thể nói cấp độ mấy các thứ được, ông Đ nói.

- Vậy có đơn vị chuyên môn nào đã đánh giá giống lúa Bắc thơm 7 của công ty sản xuất có ưu điểm “chống bạc lá” hoặc “kháng bạc lá” chưa?

- Không đơn vị nào có thể chứng thực được. Chúng tôi không cần làm những việc như vậy và cũng không cần phải xác minh việc đó. Vì đây là giống Bắc thơm bình thường. Chúng tôi chỉ là giới thiệu là dòng này có khả năng chống bạc lá, thế thôi.

Anh Nhâm Xuân Đông, chủ một đại lý giống cây trồng, thuốc BVTV ở xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam – người có thâm niên tiếp thị giống lúa ở các tỉnh miền Bắc cho một số công ty giống cây trồng hàng chục năm liền tiết lộ: “Ở các đại lý nhỏ, họ không nhập giống của các công ty giống lớn mà toàn lấy giống đểu thôi. Nhiều công ty nhỏ chẳng biết gì về lĩnh vực sản xuất giống, chẳng có vùng sản xuất, phòng kiểm định chất lượng, cứ thấy giống nào đang "hót" thì đóng mác vào bán. Dân thì không biết, chỉ có người đi buôn mới biết. Thế nên việc người ta lấy thóc giống Bắc thơm 7 thường rồi đóng vào mác Bắc thơm 7 KBL là chuyện bình thường. Nếu không may xảy ra mất mùa, người ta đổ tội cho nhân tai chứ chẳng ai chịu đền bù”.

Cũng trong quá trình tìm hiểu thông tin, giới maketing lúa giống của các các doanh nghiệp giống cây trồng làm ăn chân chính cũng cung cấp cho chúng tôi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới được thành lập nhưng vẫn tung ra thị trường giống lúa Bắc thơm 7, trong đó “nói vống” về khả năng kháng bạc lá trên bao bì.

Điển hình như Cty G.N; Cty H.N (đều có trụ sở trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội)… Tất cả các doanh nghiệp này đều tự ý công bố về tính trạng kháng/chống bạc lá của sản phẩm mà chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, chứng thực.

 

MINH PHÚC
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo