Phát triển bền vững ngành cá tra trước hội nhập
11:34 - 28/06/2016
(TNNN) - Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT, trong những năm qua, ngành hàng cá tra đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân. Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, riêng thị trường châu Âu, Mỹ chiếm khoảng 50%.
Muốn phát triển bền vững ngành cá tra cần chú trọng tháo gỡ những nút thắt từ phía các doanh nghiệp

Trong những năm qua, ngành cá tra Việt Nam đã đạt được nhiều bước đi lớn, góp phần vào phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân tại các tỉnh trong cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.


Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 20% thị phần xuất khẩu. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sau khi Việt Nam đã ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như mở rộng thị trường của sản phẩm cá tra, tiến tới đưa sản phẩm xuất khẩu cá tra trở thành sản phẩm Quốc gia trong thời gian tới.


Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành cá tra, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức như: Vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc kháng sinh, phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, liên kết chuỗi sản xuất còn yếu, chính sách hỗ trợ xuất khẩu, chính sách vay vốn vẫn còn khó khăn. Đặc biệt, trong yêu cầu hội nhập, các đối tác thương mại thường đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe....


Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng chỉ ra những tồn tại khó khăn trong phát triển sản phẩm cá tra hiện nay như: Việc Mỹ áp dụng Đạo luật Nông nghiệp đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra còn yếu, liên kết chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ, kiểm soát giá yếu tố đầu vào chưa ổn định. Các doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh, chủ yếu cạnh tranh bằng giá mà chưa thực sự cạnh tranh bằng chất lượng, do đó đã làm giảm uy tín và thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Vì vậy, các chuyên gia đánh giá đây sẽ là những "nút thắt" mà các danh nghiệp xuất khẩu cần phải tháo gỡ ngay lập tức để phát triển ngành hàng này bền vững trong thời gian hội nhập tới.


Để khắc phục những tồn đọng trên và dọn đường cho ngành cá tra bước chân vào  quá trình hội nhập, trước mắt Tổng cục Thủy sản cần tiếp tục rà soát lại các văn bản, quy định, các cơ chế chính sách đề tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người nuôi phát triển sản xuất. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các hội, hiệp hội ngành hàng tăng cường liên kết để bảo vệ quyền lợi của các thành viên.


Thực hiện các quy trình giám sát chặt chẽ các lô hàng cá tra xuất khẩu, yêu cầu các DN thực hiện nghiêm các quy định từ phía Hoa Kỳ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường giám sát dư lượng kháng sinh…


Trong thời gian tới, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện đề án khung sản phẩm Quốc gia để đưa sản phẩm cá tra trở thành sản phẩm chiến lược Quốc gia. Tổng cục Thủy sản tiếp tục rà soát lại các văn bản, quy định, các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, người nuôi phát triển sản xuất.


Phải đột phá vào khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu của quá trình sản xuất cũng như bài toán chuỗi để giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm cá tra. Trong đó, tổng kết và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình công nghệ.


Mặt khác, Tổng cục Thủy sản cần nghiên cứu xây dựng các mô hình với quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tổ chức lại sản xuất trên cở sở tổng kết các mô hình liên kết chuỗi đã thực hiện, từ đó nhân rộng. Nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy liên kết chuỗi như: Chính sách ưu đãi tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng... Thành lập liên minh các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra chất lượng cao gắn với đề án Khung sản phẩm Quốc gia.


Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá tra trở thành thương hiệu mạnh trên thế giới…


Tiếp tục tổ chức lại sản xuất trên cơ sở tổng kết mô hình liên kết chuỗi sản phẩm cá tra mà 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã triển khai. Từ đó, đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy mô hình liên kết chuỗi cũng như các nguồn lực khác; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa các thị trường. Với những giải pháp phù hợp, được thực hiện đồng bộ, Việt Nam sẽ xây dựng sản phẩm cá tra trở thành sản phẩm chiến lược và có lợi thế của quốc gia.
 
An Nhiên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo