Nâng cao chất lượng nông sản để hội nhập quốc tế
15:59 - 21/06/2016
(TNNN)- Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, điển hình như nông sản sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường lớn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi thế thương mại này, trước hết, nông sản phải đảm bảo những tiêu chuẩn về chất lượng.  
Nông sản phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng mới có thể hội nhập kinh tế thế giới (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, xuất khẩu hồ tiêu đạt 133.000 tấn với 1,26 tỷ USD, giảm 14,4% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. Mặc dù giá hồ tiêu tăng, song không ít doanh nghiệp xuất khẩu lại thường xuyên rơi vào trạng thái thấp thỏm vì sợ hàng bị trả về do không đảm bảo chất lượng.
 
 
Các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… yêu cầu rất nghiêm ngặt về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Đây là những trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp Việt không dễ gì vượt qua được. “Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều nước cao hơn ở Việt Nam. Hiện nay các nước EU đang áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Có lẽ nông dân Việt Nam cũng không biết rằng họ đã làm sai quy cách”. Marieke Van Der Pijl - Phó Chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, Nông nghiệp & Nuôi trồng Thủy sản, Phòng Thương mại châu Âu cho biết.
 
 
Tại thị trường Đài Loan, thời gian qua, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam như chè, thanh long, nấm, tỏi, mộc nhĩ gặp phải nhiều rào cản về kiểm nghiệm kiểm dịch, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chứng thực lãnh sự.
 
 
Từ tháng 7/2015, phía Trung Quốc đã thông báo sẽ không chấp nhận Chứng thư xông hơi khử trùng do Công ty xông hơi khử trùng Việt Nam cấp cho các lô hàng gạo xuất khẩu sang TQ mà nước bạn sẽ chủ động thành lập cơ quan giám sát, chứng nhận việc xông hơi khử trùng. Động thái này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu gạo của Việt Nam qua đường chính ngạch sang Trung Quốc.
 
 
Ở thị trường Hàn Quốc, vừa qua Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc yêu cầu cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị xuất khẩu vào Hàn Quốc phải được Bộ này trực tiếp sang kiểm tra và công nhận đối với từng cơ sở.
 
 
Hàn Quốc cũng vừa có thêm quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật và chỉ chấp nhận 29 hoạt chất trong danh mục do nước này công bố có thể áp dụng theo tiêu chuẩn EU. Với các sản phẩm nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục nếu phát hiện vượt ngưỡng 1/10 tỉ thì sẽ bị trả lại. Áp dụng tiêu chuẩn này, theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) thì chỉ có 2 hoạt chất đang sử dụng cho sản phẩm cà phê Việt Nam được chấp nhận, còn sản phẩm ca cao hoàn toàn không có hoạt chất nào đáp ứng thị trường Hàn Quốc.
 
 
Các thị trường khác như Indonesia, Nhật Bản, cũng có những quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm ngặt nghèo, theo đó từ 17/2/2016 Việt Nam muốn xuất khẩu thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật vào Indonesia sẽ phải thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu của nước này.
 
 
Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, Việt Nam không còn cách nào khác ngoài nâng cao chất lượng nông sản vì đây là hiệp định có tiêu chuẩn cao từ trước đến nay (về chất lượng, xuất xứ hàng hóa...).
 
 
Đã có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU chấp nhận hàng nông sản của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long. Đây là những thông tin rất đáng mừng. Tuy nhiên sản lượng còn khá khiêm tốn và chủ yếu được bán tại các siêu thị ngoại. Muốn tiến sâu hơn nữa vào những thị trường này, vấn đề chất lượng ổn định vẫn là yêu cầu hàng đầu mà doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm, gìn giữ. Ví dụ như: trái cây tươi phải chịu sự kiểm duyệt tuyệt đối, tuân thủ quy định trồng trọt, yêu cầu về chiếu xạ kiểm dịch…
 
 
Thực tế đã chứng minh, EU, Mỹ rất ưa chuộng hàng thủy sản của Việt Nam và nhập khẩu rất nhiều song vẫn có không ít vụ việc hàng hóa bị trả về do không đáp ứng yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hay có dư lượng kháng sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu của ngành thủy sản mà còn làm cho hình ảnh Việt Nam bị xấu đi trong mắt các nhà nhập khẩu nước ngoài.
 
 
Để có được “tấm vé” sang những thị trường này, có một phần công sức của các cơ quan chức năng. Ví dụ như việc đưa vải, nhãn sang Australia, Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải trải qua quá trình đàm phán rất khó khăn và kéo dài tới 12 năm. Hoặc thời gian gần đây, các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị nước ngoài cũng giúp cho hàng hóa Việt Nam có tiếng nói hơn. Xuất khẩu được là tốt song với một nước giàu tiềm năng về nông sản như Việt Nam thì con số này còn quá ít.
 
 
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, thông thường với các thị trường chặt chẽ, khó tính, một quy trình để làm thủ tục, đưa một mặt hàng mới, đặc biệt là rau quả thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ mất 5- 8 năm, hoặc lâu hơn.
 
 
Có kinh nghiệm đưa hàng vào hệ thống phân phối ở nước ngoài, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xnhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long cho hay, mỗi mặt hàng khi bước chân vào hệ thống phân phối ở nước ngoài đều phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể. doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật những tiêu chí đó để đưa ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của họ. Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý cũng đã nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách, cơ chế… song điều quan trọng vẫn phải ở sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp.
 
 
Đứng trên cương vị đơn vị nhập khẩu hàng hóa, ông Jacques Fourvel, Cố vấn Chủ tịch Tập đoàn Casino (Pháp) cũng lưu ý, các doanh nghiệp cần nắm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, về môi trường của Liên minh châu Âu bởi pháp luật của các nước thuộc Liên minh châu Âu khá tương đồng và khắt khe. Nếu các doanh nghiệp Việt nắm rõ và tuân thủ các quy định khi đưa hàng hóa sang thị trường này thì cũng sẽ dễ dàng đưa được hàng hóa sang nhiều thị trường khác.
 
 
Trước thực trạng các nước đang xây dựng hàng rào kĩ thuật và không dễ để đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường khác nhau, giải pháp lâu dài là phải nâng cao chất lượng nông sản Việt. Năm 2016 được xác định là năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu chính là ngăn chặn, xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản...
 
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: “Ở Việt Nam, do đặc thù sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm cũng khó tránh. Vì thế chúng ta cần phát triển rộng hơn các vùng sản phẩm an toàn”.
 
 
Ông cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường áp dụng các mô hình như hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát giới hạn, các tiêu chuẩn ISO về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ hơn yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, vì mỗi nước lại có những quy định khác nhau về tồn dư chất bảo vệ thực phẩm.
 
 
Trong khi đó, do không dễ dàng thay đổi cơ cấu sản xuất trong một sớm một chiều nên để gia nhập vào những "sân chơi" lớn, chúng ta phải tự điều chỉnh và thích nghi. Điển hình như ngành lúa gạo, dựa trên kết quả xuất khẩu từ đầu năm 2015, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất 5 nhóm giống lúa chủ lực trong vụ Đông Xuân 2015 – 2016 để khuyến khích nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long canh tác, nhưng để hội nhập và có chỗ đứng bền vững, gạo Việt Nam nói riêng hay nông sản nói chung cần quy hoạch mang tính dài hạn, trong đó nhấn mạnh đến đặc trưng và thương hiệu "made in Vietnam".
 
 
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân gợi ý, ngay như gạo Việt Nam, chúng ta có thể bắt đầu như Campuchia (hiện gạo Campuchia xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ), tức trong số 30 – 40 giống lúa như hiện nay, chỉ cần phục tráng và chọn ra 3 giống tiêu biểu để canh tác, phục vụ xuất khẩu vì nhiều quá sẽ loãng.
 
 
Theo GS. Võ Tòng Xuân, diện tích trồng lúa manh mún không phải là vấn đề tiên quyết mà mấu chốt là gạo giá trị cao phải bắt nguồn từ giống tốt. Sau đó mới đến chọn vùng trồng, rồi đến huy động nông dân trồng một giống với kỹ thuật canh tác. Cũng phải chọn ra một đội ngũ doanh nghiệp chuyên thu mua và sản xuất lúa gạo.
 
 
Ở đây, có sự liên kết chặt chẽ giữa ba yếu tố: giống – tổ chức được nông dân – tổ chức được doanh nghiệp.
 
 
Đặc biệt, vai trò cầm trịch của các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng (xác định giống đạt chuẩn, hướng dẫn nông dân canh tác đúng chuẩn xuất khẩu, cùng doanh nghiệp xúc tiến, khai thác thị trường xuất khẩu...), không thể “thả” các bên liên quan "mạnh ai nấy làm".
 
 
Đối với những hàng rào kĩ thuật cụ thể của từng thị trường, ngành chức năng cần nghiên cứu đối chiếu với thông lệ quốc tế và tiến hành đàm phái với từng nước, đồng thời phải thông báo kịp thời tới các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để có thời gian chuẩn bị.
 
 

Trọng Quân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo