Tiếp tục đánh giá độ an toàn nước biển 4 tỉnh miền Trung
13:14 - 07/07/2016
Sau khi công bố nguyên nhân hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, các nhà khoa học đang thực hiện đánh giá khảo sát tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên-Huế, phân tích các dạng trầm tích và xác định hàm lượng phenol và xyanua còn lại. Dự tính, giữa tháng 7 sẽ có kết quả chính xác.

Các cơ quan chức năng tiếp tục giám sát liên tục môi trường biển, xây dựng và vận hành một hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước ven biển miền Trung

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ KH&CN tổ chức ngày 5/7.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, ngay khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau.
 

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác, khách quan.

Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm, phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm… đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hợp dạng keo chứa độc tố như phenol, xyanua có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu oxy, nhất là các loài cá tầng đáy.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực và cố gắng cao nhất. Kết quả và bằng chứng đó thể hiện nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học trong nước, đồng thời là minh chứng về trình độ, năng lực của nhà khoa học trong việc tiếp cận và xử lý những vấn đề khoa học hết sức phức tạp như diễn biến của sự cố này.

Thời gian tới, để bảo đảm biển an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân, cần tiếp tục giám sát liên tục môi trường biển, xây dựng và vận hành một hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước ven biển miền Trung và kịp thời thông báo cho người dân khi có những dấu hiệu bất thường về chất lượng nước biển.
 

Ngoài ra, cần tiếp tục lấy mẫu trầm tích biển, đánh giá mức độ ô nhiễm tại các khu vực phát hiện có ô nhiễm và xử lý kịp thời.       

* Thông tin về các hoạt động của Bộ KH&CN trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN.

Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đang được thực hiện. Đây là hai giải thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho các tác giả/nhóm tác giả của công trình/cụm công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế, xã hội; có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.


Dự kiến lễ trao giải thưởng đợt 5 sẽ được tổ chức vào tháng 9/2016.

*Về sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12” tổ chức từ ngày 7-8/7 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ KH&CN cho biết 6 giáo sư đạt giải Nobel và một giáo sư được Huy chương Fields sẽ tham dự hội thảo khoa học cơ bản và xã hội nhân sự kiện này. Hội thảo còn có sự tham gia của các giáo sư, nhà khoa học danh tiếng thế giới; các nhà quản lý khoa học; đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phát triển dựa trên KH&CN.
 

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội; đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung và đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam.

Thu Cúc
Nguồn: Chinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo