Nông dân thiệt hại nặng vì thông tin thất thiệt
10:08 - 18/07/2016
(TNNN)- Thời gian qua, những thông tin thất thiệt xuất hiện phát tán trong xã hội một cách thiếu căn cứ kiểm chứng đã khiến nông dân thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, nông sản bị "dính" nhiều tin đồn nhất.
Túi bọc xoài là một tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi từ lâu, không có bất kỳ hóa chất độc hại nào (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tháng 5/2016, thông tin nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp sử dụng túi bao trái xoài có in chữ "Taiwan" xuất xứ từ Đài Loan nhiễm chất độc hại, khiến giá xoài giảm mạnh, gây thiệt hại cho người trồng. Mặc dù chưa ai kiểm chứng nhưng một số phương tiện thông tin đưa tin này đã khiến trái cây rớt giá từ khoảng 30 nghìn đồng/kg xuống có lúc chỉ còn 15 nghìn đồng/kg vì người tiêu dùng lo sợ.
 
 
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - khẳng định, bao trái là một kỹ thuật tiến bộ nhằm giúp trái không bị tổn thương phần vỏ, giảm tỉ lệ bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế bị nám do nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, làm cho trái an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là một quy trình bắt buộc khi muốn nhập khẩu trái cây vào các nước.
 
 
Kỹ thuật bao trái trước thu hoạch đã được Nhật Bản áp dụng cách đây nhiều năm; Đài Loan, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng đã áp dụng trước Việt Nam hàng chục năm nay. Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: Túi bọc xoài là một tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi từ lâu tại Việt Nam, không có bất kỳ hóa chất độc hại nào như một số cơ quan báo chí thông tin.
 
 
Sáng 3/5/2016, VTV3 phát phóng sự Cây chổi quét rau trên chương trình Cà phê sáng phản ánh hành vi lừa người tiêu dùng của một số người trồng rau. Phóng sự quay cảnh một người nông dân dùng chổi quét lên ngọn các luống rau xanh, vừa quét vừa nói: "Rau mà non người ta không dám ăn. Nên bây giờ phải quét để giả sâu ăn. Quét xong khoảng 2-3 hôm sau mới thu hoạch cho giống sâu ăn thật". Nhóm phóng viên phỏng vấn thêm nhiều người tiêu dùng về tâm lý thích chọn rau có vết sâu bởi quan niệm rau sâu mới là rau sạch.
 
 
Khi chương trình lên sóng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nhận ra bối cảnh trong phóng sự chính là vùng rau Vĩnh Thành. Bà con rất bất bình và cho rằng nhóm phóng viên cố tình dàn dựng làm tổn hại hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của vùng rau Vĩnh Thành.
 
 
Khẳng định VTV đã đăng phát phóng sự "Cây chổi quét rau" sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền Thông) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với Đài Truyền hình Việt Nam do vi phạm Nghị định 159 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Đài Truyền hình Việt Nam bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng và buộc phải cải chính xin lỗi.
 
 
VTV sau đó đã đưa ra lời xin lỗi và thừa nhận có một phần clip do phóng viên tập sự dàn dựng. Lãnh đạo ban biên tập gửi lời xin lỗi đến UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Thành (Thanh Hóa) và các cá nhân trong phóng sự, đồng thời mong được thông cảm về “sự non kém trong trình độ tác nghiệp, đạo đức của phóng viên cũng như việc thiếu sâu sát trong khâu kiểm duyệt”.
 
 
Tháng 4/2016, trên mạng xã hội bỗng dưng lan truyền một số thông tin về việc sử dụng đậu tương hay những sản phẩm từ loại thực phẩm này như đậu phụ, sữa đậu nành… có khả năng mắc bệnh ung thư. Người dân ở các huyện Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) trồng đậu tương với diện tích khoảng 1.500ha đã phải nhổ bỏ những ruộng đậu tương đang tốt bời bời. Những nhà còn đang nghe ngóng thì cũng trong cảnh như ngồi trên lửa. Trong khi đó, GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng, tin đồn ăn đậu nành bị ung thư chỉ là tin đồn nhảm. Mặc dù, một vài nghiên cứu cho rằng mầm đậu nành có chứa estrogen sinh học nhưng đây không phải nguyên nhân gây ung thư.
 
 
Là địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu về đậu tương, ông Nguyễn Thành Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết: “Xã An Vĩ của huyện tôi bị ảnh hưởng nặng nề vì nơi đây có nghề làm đậu phụ truyền thống. Với cái thông tin dùng sản phẩm đậu nành gây ung thư thì ai còn dám ăn đậu phụ An Vĩ nữa...”
 
 
Tháng 5/2015 nông dân trồng mít tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (Đồng Nai) từng khốn đốn khi giá mít rớt giá thảm hại xuống 500 đồng/kg chỉ vì tin đồn mít bị “chích thuốc”. Vì tin đồn, nhiều người tiêu dùng đã tẩy chay, “nói không” với mít, hậu quả hàng trăm tấn mít bỏ thối, gây thiệt hại nặng nề cho người trồng mít địa phương.
 
 
Tháng 6/2014, giá khoai lang ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm mạnh từ 800.000 - 840.000 đồng/tạ xuống còn 350.000 - 370.000 đồng/tạ khiến nông dân như... ngồi trên lửa. Nguyên nhân chính được xác định do có tin đồn thất thiệt: Cửa khẩu biên giới phía bắc “bị đóng”. Mặc dù khi đó UBND tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định, cửa khẩu Hữu Nghị vẫn hoạt động bình thường, nhưng những lời đồn vô căn cứ nói trên vẫn khiến giá khoai lang tại thời điểm đó không thể "ngóc đầu" lên được.
 
 
Trong tất cả các loại nông sản, ngô (bắp) có lẽ là nông sản bị nhiều tin đồn nhất. Ngoài tin đồn ăn ngô bị ung thư, trái ngô còn bị đồn dùng pin kẽm, muối diêm, rồi bột thông cống để luộc ngô nhằm tạo màu và giữ cho ngô lâu hỏng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
 
Vào đầu tháng 2/2013, bỗng rộ lên tin đồn ăn ngô bị ung thư do ngô nguyên liệu ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang chứa kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật nhóm clo hữu cơ. Người dân không ăn ngô, nhà chăn nuôi cũng không dám mua ngô làm thức ăn gia súc, giá ngô nguyên liệu giảm thê thảm, nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ thuê đất trồng ngô lại càng thua lỗ nặng. Thông thường, mấy mùa trước mỗi công (1.000m2) bà con thu được từ 7- 8 triệu đồng, lãi 3-4 triệu đồng. Sau tin đồn ác ý, một công ngô chỉ bán được khoảng 3 triệu đồng. Giá rẻ cũng không bán được vì thương lái quay lưng với mặt hàng này. Mặc dù tại thời điểm đó, Bộ Y tế đã “giải oan” cho trái ngô nhưng bà con trồng ngô vẫn khốn đốn trước hiện tượng giá ngô đi xuống.
 
 
Ngoài những trường hợp trên, còn rất nhiều thông tin thất thiệt khác, như dưa hấu ế ẩm phải đổ cho trâu bò ăn vì tin đồn sử dụng hóa chất từ Trung Quốc; Sầu riêng với tin đồn có chất bảo quản khiến nông dân điêu đứng vì không bán được; ăn chuối, bưởi gây ung thư khiến nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
 
 
Có thể nói, chưa bao giờ công nghệ thông tin lại phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều tiện ích cho con người như hiện nay. Chỉ cần ngồi ở nhà chúng ta có thể làm việc, mua sắm, trò chuyện, tiếp xúc với mọi người rất nhanh chóng thuận lợi mà không cần phải gặp mặt trực tiếp, hay các sự kiện diễn ra trên khắp thế giới được cập nhật từng giây, từng phút.
 
 
Tuy nhiên, những hệ lụy xấu, tiêu cực do thông tin không chính xác gây ra cũng không nhỏ. Nó tác động tiêu cực, trực diện trở lại đối với chính con người và toàn xã hội, bởi nó đang là môi trường “lý tưởng” cho những tin đồn thất thiệt xuất hiện và tác oai tác quái.
 
 
Cụm từ “có khả năng gây… cái gì đó” đã trở thành nỗi ám ảnh từ xa đối với người tiêu dùng nhưng nó gây tác hại tức thì với nông dân và nhà sản xuất. Tuy nhiên, có vẻ như khái niệm “có khả năng gây…” rất được ưa dùng và ban phát vô tội vạ trên mạng xã hội nhân danh đạo đức, bất chấp thiệt hại quá lớn gây ra cho cộng đồng. Thực chất đó là những báo động giả gây hậu quả thật. Chỉ từ những thông tin vu vơ trên mạng xã hội, hay đơn thuần chỉ là những tin “đồn nhảm” mà hàng trăm hộ nông dân phải trắng tay, phá sản, phải rơi nước mắt trong nợ nần vì nông sản rớt giá, ế ẩm, thậm chí vứt đi vì không có người mua…
 
 
Những thông tin khác gây thiệt hại cho nông dân và gây hoang mang cho người tiêu dùng, thiết nghĩ đã đến lúc cần lưu ý tới trách nhiệm của một số cơ quan truyền thông trước những thông tin một chiều thiếu kiểm chứng và chính quyền các cấp cũng cần có trách nhiệm rõ ràng với bà con nông dân trước những thông tin thất thiệt này.
 
 
Về chế tài xử lý, Nhà nước ta có khá nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thông tin điện tử trên Internet. Ngoài các luật về công nghệ thông tin  giao dịch điện tử, Chính phủ còn ban hành nhiều nghị định, như Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông…
 
 
Cũng liên quan đến lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư số 09/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Tuy nhiên, việc kiểm soát và xử lý những kẻ tung tin xấu, tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, kém hiệu quả, thậm chí có nơi còn buông lỏng, xem nhẹ vấn đề này nên các hệ lụy tiêu cực cho xã hội ngày càng lớn.
 
 
Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp nghiêm khắc, kiên quyết hơn. Cần quy trách nhiệm đối với những kẻ có hành vi tung tin đồn thất thiệt, xử lý nghiêm tận gốc những những tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho cộng đồng, nhất là người nông dân. Một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể quy trách nhiệm hình sự, nhằm tăng tính nghiêm minh, răn đe của hệ thống luật pháp nhà nước trong vai trò điều chỉnh các hành vi sai trái của xã hội.
 
 
Hậu quả mà người nông dân phải chịu do tin đồn độc hại và truyền thông sai, truyền thông dàn dựng… chưa bao giờ được đền bù. Người nông dân không có khả năng khởi kiện những vụ phức tạp về pháp lý cần chứng minh thiệt hại trên diện rộng như vậy. Vì vậy, cần những hội đoàn, tổ chức xã hội, tổ chức pháp lý… thay mặt người nông dân khởi kiện đòi những quyền dân sự chính đáng mà trước tiên là bồi thường thiệt hại cho bà con.
 
Phạm Chánh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo