Xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương) được xem là nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với hơn 220 hộ, gần 1.000 khẩu. Trước đây người Khmer gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay đời sống của họ đã thay đổi, nhiều người đã vươn lên thoát nghèo.
|
Đồng bào Khmer ở An Bình hăng say lao động trên phần đất tái định canh định cư. Ảnh: C.S |
Năm 2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 7391/QĐ-CT về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu định canh định cư đồng bào dân tộc thiểu số An Bình, huyện Phú Giáo. Khu tái định canh có diện tích 200ha nhằm giúp đồng bào DTTS có nơi ở ổn định, phát triển sản xuất, thực hiện xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Đến nay có 112 hộ đồng bào Khmer được cấp đất sản xuất với tổng diện tích được cấp là 116,20ha. Các hộ còn được hỗ trợ giống cây điều, phân bón và một số giống cây trồng ngắn ngày để trồng xen canh. Nhiều hộ đồng bào Khmer tại đây còn được cấp bò giống để góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập.
Bà Châu Thị Giàu - một người dân trong khu tái định cư cho biết, nhà bà được cấp 1ha đất trong khu tái định canh định cư này. Bà đã tập trung trồng điều trên diện tích đất được cấp, mỗi năm mang lại lợi nhuận vài chục triệu đồng. Còn ông Ngưu Lai cho hay, trước đây do thiếu đất sản xuất nên nhà ông rất khó khăn, ông phải làm thuê làm mướn nuôi sống gia đình. Kể từ khi được bố trí tái định canh định cư ông không còn lo lắng việc thiếu đất sản xuất. Từ việc trồng điều, cao su mỗi năm gia đình ông thu gần 100 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Bình thông tin: Trước khi có dự án tái định cư, đời sống đồng bào DTTS ở xã rất khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo là 42,5%. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 8%. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ đồng bào DTTS ở xã An Bình là 20.000.000 đồng/năm. Đối với đồng bào Khmer, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn rất ít, nhiều hộ đã biết chủ động vươn lên ổn định cuộc sống...