Sạt lở sông Ba - Dân tự lo 'phao'
10:02 - 18/08/2015
Dự án di dời dân với số vốn hàng trăm tỷ đồng được đưa ra... nhưng vẫn nằm trên giấy. Mưa bão Tây Nguyên đã cao điểm, người dân đang dài cổ tự tìm cho mình một chiếc "phao" giữa dòng nước dữ...
 

Sạt lở nghiêm trọng

Tại xã Chư R'căm (huyện Krông Pa- Gia Lai), gia đình bà Vũ Thị Phương được cấp 1.800m2 để sinh sống ổn định.

Từ năm 2009, mỗi khi mùa mưa đến, sông Ba liên tục sạt lở, lấn sâu đến sát ngôi nhà đang sinh sống của bà. Từ 1.800 m2 được cấp, nước cuốn trôi hàng năm để đến nay chỉ còn khoảng 100m2, lũ lớn có thể cuốn trôi nốt phần còn lại.

"Cứ lũ về, nước lớn thì lại sạt lở, chúng tôi rất sợ nhưng không biết chạy đi đâu. Đợt lũ năm 2009, cán bộ xã cùng dân quân đã xuống đưa gia đình đi ở tạm nhà hàng xóm", bà Phương cho biết.

Tại thôn Lang, sạt lở sông Ba đã cuốn trôi 21 ngôi mộ, 80 hộ dân bị uy hiếp nhà cửa, hàng trăm ha đất sản xuất bị cuốn phăng.

Cũng dọc sông Ba, xa hơn 20km về phía thượng nguồn, 170 hộ dân với khoảng 900 nhân khẩu của 4 buôn, làng xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) có nguy cơ bắt buộc phải di dời vì nạn sạt lở. Nước sông Ba đã xâm lấn, sạt lở đến sát vách nhà các hộ dân.

Hàng loạt các công trình thủy điện trên dòng sông Ba đã làm thay đổi dòng chảy của con sông này. Mỗi năm khi mùa mưa về, sông Ba như con mãnh thú, cuốn phăng tất cả những gì nơi nó chảy qua - điều mà trước đây hiếm khi xảy ra. Người dân sống dọc hai bên bờ sông Ba là người phải gánh chịu hậu quả trước tiên, còn các dự án thì... cứ vẫn chỉ là "dự án".

"Người dân chỉ mong sao các cấp chính quyền cố gắng đưa dân vào chỗ tái định cư mới, càng sớm càng tốt để dân ổn định làm ăn chứ đất đai, rẫy nương trôi hết cả rồi”, ông Nay Thông (trú thôn Lang, xã Chư R'căm) lo lắng.

Dự án nằm trên... giấy

Chủ tịch UBND xã Ia R'sai - ông Ngô Tiến Hùng, cho biết: Từ năm 2013, sông Ba liên tục thay đổi dòng chảy, lấn hẳn về phía nhà cửa người dân đang ở. Lượng nước lớn thì hiển nhiên việc xói lở là tương đối lớn.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa - ông Đinh Xuân Duyên, cho biết: Do địa hình đồng bằng - cao nguyên, nhiều đất cát lại có độ dốc tương đối lớn, Krông Pa chính là vùng trọng điểm về sạt lở của sông Ba.

Tại thị xã Ayun Pa (cách huyện Krông Pa con đèo Tô Na), nạn sạt lở cũng uy hiếp hàng trăm người dân. Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa - ông Hồ Văn Diện, cho biết: Cuối tháng 11/2015, chính quyền sẽ hoàn tất di chuyển 75 hộ dân (phường Đoàn Kết 35 hộ; phường Hòa Bình 35 hộ và 5 hộ của phường Sông Bờ) lên nội thị phường Đoàn Kết để ổn định đời sống người dân theo đề án Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

15-30-55_nh-2

Trong khi đó, năm 2012, UBND huyện Krông Pa đã chính thức "khởi động" dự án di dời dân vùng sạt lở. Có điều đến nay - sau 3 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và triển khai. Khu tái định cư chưa có điện, nước sinh hoạt và trường học, do vậy, người dân chưa thể di dời.

Quyết định số 623/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt 17 tỷ đồng cho "Dự án di dời dân vùng sạt lở xã Ia R'sai" giai đoạn 2012-2014, trong đó, ngân sách Trung ương 70%, 30% là của địa phương. Tuy nhiên, năm 2014, hết thời hạn triển khai, dự án chỉ mới nhận được 8 tỷ đồng. Sự chậm trễ được xác định là không có vốn.

"Toàn huyện hiện có hơn 280 hộ dân ở 5 buôn, làng của 2 xã Chư R'căm và Ia R'sai đang đối mặt nguy hiểm vì sạt lở" - ông Đinh Xuân Duyên khẳng định. Ông Duyên cho biết, năm 2015, UBND huyện Krông Pa đã kiến nghị lên UBND tỉnh 3 dự án.

Trong đó, có hai dự án di dời dân ở xã Chư R'căm, Ia R'sai và một dự án làm bờ kè sông Ba với tổng số vốn hơn 320 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có dự án di dời dân ở xã Ia R'sai được phê duyệt nhưng phải chững lại vì... thiếu vốn. Hai dự án còn lại với số tiền khoảng 312 tỉ đồng đang phải chờ tỉnh, Trung ương phê duyệt.

Các dự án di dời dân đã được bày ra... nhưng chỉ là nằm trên giấy. Trong khi, sông Ba sạt lở liên tục từng ngày, đe dọa tính mạng của hàng trăm hộ dân. Một khi các biện pháp phòng chống sạt lở không được triển khai, thì nhà cửa, tính mạng của dân sẽ... phó mặc cho trời.

TRẦN ĐĂNG LÂM
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo