Khó sống vì ô nhiễm môi trường
11:07 - 10/08/2015
Gần 7 năm nay, một số cơ sở chế biến hải sản và trang trại nuôi heo trên địa bàn xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang gây ô nhiễm nghiêm trọng...
Người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường

Hàng chục hộ dân đồng bào Khmer ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa thời gian qua phải sống trong cảnh hôi thối, ô nhiễm cả nguồn nước sinh hoạt lẫn sản xuất, làm hàng chục ha lúa của bà con không thể canh tác được. 

Bởi con rạch nằm phía sau con đường dẫn về ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa dài gần 500 m, trước đây bà con có thể dùng làm nước sinh hoạt, nuôi gia cầm và sản xuất lúa, nay bị ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Nông dân không thể tận dụng nguồn nước để sản xuất lúa được nữa. Và chuyện chăn nuôi của bà con cũng bế tắc từ đây.

Do ô nhiễm môi trường, ngoài việc hứng chịu mùi hôi thối hàng ngày từ các cơ sở chế biến hải sản, từ một số trang trại nuôi heo, bà con còn phải đối mặt với ruồi, muỗi và dịch bệnh ngày càng nhiều. 

Ông Danh Cảnh, ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành bức xúc: “Nước hôi thối từ đường ống ngầm ở dưới rạch nên khó phát hiện họ xả thải ra. Khi không có người thì cơ sở xả trực tiếp, khi họ xả ra thì mùi hôi thối nồng nặc, nước ô nhiễm nên muỗi phát triển quá trời luôn”.

Đây là những bức xúc của bà con trong nhiều năm nay, bà Thị Lợi, ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa phản ánh: “Bây giờ ô nhiễm môi trường quá, mùi hôi thối làm cho nhân dân bệnh tật liên miên. Ở đây đa phần là hộ nghèo nên không có tiền đi bệnh viện, đề nghị Nhà nước, chính quyền địa phương xem xét. Nước hôi thối nên nuôi gà vịt không được, trồng lúa thì hỏng hết...”.

Hôm gặp chúng tôi, ông Danh De, ấp Hòa Hưng, như muốn xả nỗi bức xúc lâu nay: “Tôi qúa bức xúc với tình trạng nguồn nước hôi thối này. Môi trường ô nhiễm nên con cái chúng tôi bệnh đường hô hấp hoài, còn ruộng nương, gà vịt thì nuôi không được”.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây cũng đã được cử tri nhiều lần phản ánh đến HĐND xã và chính quyền huyện Châu Thành. Và mới đây cũng được cử tri phản ánh đến đại biểu HĐND tỉnh, nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết kịp thời và triệt để.

Ông Danh Hậu, Bí thư Chi bộ ấp Hòa Hưng, cho biết: “Từ khi các cơ sở chế biến thủy sản, nuôi heo hoạt động, xả thải bừa bãi làm cho nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, đồng thời cũng không thể sản xuất được. Cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng của tỉnh sớm giải quyết vụ việc này cho nhân dân đỡ khổ”.

Được biết, hoạt động của các cơ sở chế biến hải sản không nằm trong thẩm quyền giải quyết của địa phương. Bởi những cơ sở chế biến này đều do tỉnh cấp phép hoạt động nên chính quyền sở tại gần như bó tay.

Qua ghi nhận của chúng tôi, những cơ sở chế biến hải sản vẫn tiếp tục mọc lên tại đây, ngày càng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn. Nước thải lén lút được thải trực tiếp xuống kênh rạch, ruộng lúa, gây mất mùa. Không biết đến bao giờ các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang mới vào cuộc giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường ở đây để người dân đỡ khổ?

BÌNH MINH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo