Bất cập trong khảo nghiệm, chứng nhận hợp quy phân bón
07:21 - 30/07/2015
Khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) với hơn 1.800 sản phẩm phân bón đang đứng trước nguy cơ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh từ đầu tháng 2.2016 nếu công tác khảo nghiệm, chứng nhận hợp quy tiếp tục ỳ ạch như hiện nay.
Quy trình nung chảy quặng apatit tại Nhà máy Phân lân Văn Điển (Hà Nội). Ảnh: Mạc Li

Chồng chéo quản lý

Để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón đi vào nền nếp, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1.2.2014. Nghị định 202 cũng chuyển công tác quản lý các loại phân vô cơ về Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT chỉ tham gia quản lý các sản phẩm phân bón hữu cơ.

Tuy nhiên, việc chuyển tiếp công tác quản lý từ Bộ NNPTNT sang Bộ Công Thương còn chậm chạp, ngay cả việc hướng dẫn DN khảo nghiệm, chuẩn bị hồ sơ để được chứng nhận hợp quy cho phân bón cũng không rõ ràng.

Trong khi đó, đến ngày 1.2.2016, nếu DN nào có sản phẩm chưa được cấp chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, trong số khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón khác mà các Sở NNPTNT gửi về Cục Trồng trọt, chỉ mới có trên 200 loại được công bố hợp quy.

Tại buổi hội thảo lấy ý kiến DN về quản lý phân bón do Cục Trồng trọt tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm phân đơn vô cơ như lân, đạm, DAP đã có quy chuẩn quốc gia, DN chỉ cần tuân thủ theo đó để công bố hợp quy. Tuy nhiên, các loại phân bón khác như NPK chưa có quy chuẩn quốc gia, DN không biết công bố sản phẩm hợp quy theo quy chuẩn nào.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – đại diện Công ty CP Đầu tư Hợp Trí (huyện Nhà Bè, TP.HCM) phản ánh, đã hơn 6 tháng trôi qua nhưng hồ sơ của DN này vẫn còn treo “lơ lửng”, bà Thủy cũng không hề nhận được phản hồi gì từ cơ quan chức năng.

Theo đó, trong danh mục, phân bón lá là vô cơ, nhưng khi bà Thủy nộp hồ sơ để được chứng nhận hợp quy, bộ phận tiếp nhận cho rằng do phân bón lá chưa có quy chuẩn quốc gia, DN nên tự công bố chất lượng sản phẩm. 

“Chúng tôi muốn làm đúng quy định nhưng không biết phải gặp ai, gõ cửa cơ quan nào? Trước đây, khi chỉ một bộ quản lý DN đã mệt phờ rồi, bây giờ đến 2 bộ quản lý mà lại không rõ ràng, DN càng mệt hơn” - bà Thủy nói.

Khảo nghiệm...sản phẩm cũ

Không chỉ rắc rối về hồ sơ, nhiều sản phẩm dù được phép sản xuất, kinh doanh từ lâu nhưng khi Nghị định 202 có hiệu lực, để được chứng nhận hợp quy, các sản phẩm này phải khảo nghiệm lại từ đầu.

 Theo Nghị định 202, đến ngày 1.2.2016, nếu DN nào có sản phẩm chưa được cấp chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, trong số khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón khác mà các Sở NNPTNT gửi về Cục Trồng trọt, chỉ mới có trên 200 loại được công bố hợp quy.  

Ông Võ Quốc Khánh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Sinh cho biết, DN này có loại phân bón lá dạng lỏng NPK, được Hội đồng Khoa học Bộ NNPTNT công nhận, cho phép sản xuất và đưa ra thị trường trên 20 năm nay. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, hồ sơ chứng nhận hợp quy của Công ty Thiên Sinh không được cả Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương chấp nhận.

Theo đó, khi nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận cho rằng, theo quy định mới, phân bón có thành phần hữu cơ thuộc 3 dạng gồm phân hữu cơ khoáng (hữu cơ trên 15%, NPK trên 8%), khoáng hữu cơ (hữu cơ dưới 15%, NPK trên 18%), hữu cơ vi sinh vật (NPK dưới 8%, phải có vi sinh vật). Trong khi đó, sản phẩm đó của Thiên Sinh là dạng lỏng, không có hữu cơ và vi sinh vật, hàm lượng NPK lại dưới 18% nên không thể xếp vào 1 trong 3 loại như trên. Do đó, cả ngành công thương và bên nông nghiệp đều đã từ chối tiếp nhận.

Cùng cảnh ngộ, ông Hoàng Duy Hiếu - Giám đốc Khối bảo đảm chất lượng và nghiên cứu phát triển (Công ty Vedan Việt Nam) cho biết, sản phẩm Vedangro của Vedan có mặt trên thị trường từ năm 2005, nhưng khi đăng ký hợp quy, sản phẩm bị xem là loại phân bón mới, phải làm khảo nghiệm lại từ đầu. Cụ thể, ông Hiếu cho biết, theo quy định trong Nghị định 202, những sản phẩm đã có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ NNPTNT ban hành, thì không cần phải làm khảo nghiệm lại để công bố hợp quy.

Tuy nhiên, theo quy định trong Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT, nếu hàm lượng P trong sản phẩm nhỏ hơn 2% thì không được ghi trên nhãn sản phẩm. Trong khi đó, hàm lượng N-P-K của Vedangro lần lượt là 9-0,3-4,5, thành ra trên bao bì sản phẩm Vedangro, Vedan không được ghi thành phần là NPK mà phải sửa lại là NK.

Do đó, để được công bố hợp quy, Vedan buộc phải khảo nghiệm sản phẩm lại từ đầu vì bị coi là phân bón mới.

Ông Hiếu cho rằng, rất bất hợp lý khi buộc Vedan phải khảo nghiệm lại sản phẩm Vedangro bởi công thức, thành phần của sản phẩm không hề thay đổi.  Hơn nữa, trong thời gian làm khảo nghiệm lại để công bố hợp quy, DN sẽ buộc phải tạm ngừng sản xuất loại phân bón này, người chịu thiệt sẽ là những nông dân cần sử dụng.  

Ông Nguyễn Văn Linh –Tổng giám đốc Công ty Humix: Đòi hỏi quá khắt khe

Việc NĐ 202/2013/NĐ-CP đưa ngành phân bón thành ngành sản xuất có điều kiện là một tiến bộ lớn trong công tác quản lý phân bón ở nước ta. Qua đó, góp phần sàng lọc, loại bỏ nhiều DN làm ăn chộp giật, “hớt váng” vừa ảnh hưởng uy tín chung vừa gây thiệt hại cho bà con nông dân. Tuy nhiên, yêu cầu về vấn đề nhân sự của nghị định này có phần quá khắt khe khi yêu cầu đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên… Những yêu cầu về nhân sự nêu trên là quá ngặt nghèo, không cần thiết, rất ít DN đáp ứng được. Mình đang siết rất chặt ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng liệu siết chặt kiểu này có bao nhiêu DN trong nước đáp ứng được? Hay các ngành chức năng đang mở cửa cho DN nước ngoài tràn vào Việt Nam?”.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón VN: Cấp chứng nhận quá chậm

Từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, việc quản lý phân bón gần như được chuyển giao cho Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT chỉ tham gia quản lý một số loại phân hữu cơ. Trong khi đó, ngành công thương hiện chưa có cán bộ chuyên trách mà chỉ quản lý hàng hóa khi lưu thông trên thị trường. Do đó, việc tiếp nhận hồ sơ, triển khai chứng nhận hợp quy cho sản phẩm còn rất chậm. Trên thị trường có đến hơn 5.000 sản phẩm NPK các loại, song số lượng phòng phân tích được chỉ định hiện có hạn nên ngay từ khâu phân tích các hóa chất đã không đáp ứng được nhu cầu.

Khải Huyền (ghi) 

 
Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo