|
Ảnh minh họa |
Sâm Ngọc Linh có nhiều hoạt chất, yếu tố vi lượng quý hiếm như: số lượng saponin (có tác dụng chống lão hóa, chữa bệnh tiểu đường, bảo vệ tim mạch, chống stress, ngừa ung thư...) cao hơn nhiều lần so với các loại sâm khác trên thế giới. Trong thân và rễ củ của sâm, các nhà khoa học đã xác định được có 52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật và 26 saponin chỉ có trong sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, trong các bộ phận trên mặt đất của sâm như lá, thân… đã tìm thấy 19 saponin dammaran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới. Với số lượng và chất lượng các saponin “có một không hai” này, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã xếp hạng sâm Ngọc Linh là loài sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới cho đến nay.
Ngày trước, sâm Ngọc Linh có rất nhiều, hiện giờ gần như tuyệt chủng ở vùng núi rừng Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh tự nhiên ngày càng hiếm, lại bị làm giả ngay tại nơi được xem là thủ phủ. Tại xã Măng Ri cách trung tâm TP Kon Tum gần 100 km, toàn xã có 6 làng của người đồng bào dân tộc Xê Đăng, các hàng quán ở đây đều có sâm bán nhưng chỉ là sâm dây (Hồng Đẳng sâm).
Sâm Ngọc Linh dao động giá tùy thuộc độ tuổi. Loại cao nhất là sâm lâu năm giá từ 55-70 triệu đồng/kg nhưng rất hiếm. Loại thường 10 củ/kg giá trên 40 triệu đồng, loại 20 củ/kg khoảng 30 triệu đồng. Thấp nhất là loại từ 40-60 củ/kg có giá 15 triệu đồng. Trên thị trường, một ký "sâm Ngọc Linh" tự nhiên loại 3 - 5 củ được rao bán lên đến 100 triệu đồng.
Công tác bảo tồn giống sâm quý
Tại Kon Tum, để bảo tồn, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang tự trồng loại cây này. Các xã Măng Ri, Ngọc Lây và Tên Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nằm dưới chân núi Ngọc Linh được xem là thánh địa của loài sâm quý Ngọc Linh. Hiện tại, toàn huyện Tu Mơ Rông đã trồng được 178,8 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô 7,84 ha; doanh nghiệp tư nhân 169 ha, còn lại của một số hộ dân tự trồng.
UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh từ nay đến năm 2022 với tổng vốn đầu tư trên 567 tỉ đồng. Dự án đầu tư khoa học công nghệ để xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống dự kiến từ 4-5 triệu cây giống/năm; mở rộng diện tích trồng sâm đến năm 2022 sẽ đạt từ 800-1.000 ha. Bên cạnh đó, dự án còn hoàn thiện quy trình công nghệ, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Dự án còn đưa ra giải pháp để xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh và được bảo hộ trên thế giới; bảo vệ và chống hàng giả cho thương hiệu sâm.
Tại Quảng Nam, được sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật của Viện Dược liệu và Trạm Dược liệu Trà Linh, người dân ở các xã: Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam- huyện Nam Trà My đã tổ chức trồng sâm Ngọc Linh theo từng nhóm hộ và đem lại kết quả thiết thực. Theo kết quả khảo sát mới đây, ngoài 168 nghìn cây sâm Ngọc Linh trồng tập trung tại Trạm Dược liệu Trà Linh, hiện có gần 70 ha, với khoảng 654 nghìn cây sâm Ngọc Linh được người dân trồng theo nhóm hộ đang phát triển tốt. Từ ngày đưa cây sâm Ngọc Linh vào trồng trong nhân dân đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương có thêm việc làm, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn biết cách làm giàu từ chính cây sâm Ngọc Linh.
UBND tỉnh Quảng Nam đã trình Chính phủ đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam). Theo mục tiêu của Đề án, đến giai đoạn 2015 - 2020, phát triển 200 ha sâm với 2 triệu cây giống; từ năm 2025 sản xuất 500 - 1.000 tấn sâm thương phẩm/năm, đưa VN xếp thứ 2 trên thế giới về sản xuất sâm (thứ tự hiện tại là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Mỹ). Hàng năm sản xuất ra được 500 - 1.000 tấn sâm thương phẩm.
Công tác nhân giống
Hiện nay việc bảo tồn, nhân giống, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh đang được một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả. Tại Công ty CP thương mại - dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam (QUASAPHARCO), sau nhiều năm chăm sóc và mở rộng, diện tích gieo trồng sâm Ngọc Linh của QUASAPHARCO đã phát triển từ 2 ha đến gần 10 ha. Sản lượng cây giống đạt trên 50.000 cây mỗi năm.
Tại chùa Thanh Quang, Đà Lạt (Lâm Đồng) Cty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang của thượng tọa - giám đốc Thích Huệ Đăng đã nghiên cứu nhân giống cây sâm Ngọc Linh thành công bằng phương pháp vô tính hoàn toàn sạch bệnh. Đến nay đã có hàng trăm ngàn cây sâm giống từ nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm được chuyển đi khắp nơi để trồng.
Còn chưa tương xứng với tiềm năng
Sâm Ngọc Linh có nhiều công dụng nhưng trồng với số lượng ít. Ngoài ra, tình trạng mất trộm sâm trong người dân thường xuyên xảy ra, nhiều hộ tự nhổ bán làm cạn kiệt nguồn cây giống.
Qua hơn 10 năm triển khai đề án "Khôi phục và phát triển cây sâm Ngọc Linh" tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), số lượng cây sâm Ngọc Linh giảm hơn 100 nghìn cây. Trong khi, diện tích đất rừng hội đủ điều kiện để phát triển cây dược liệu này lên đến hàng nghìn ha. Nguyên nhân chính là do chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đủ mạnh để người dân vùng trồng sâm ổn định cuộc sống, tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý hiếm này.
So với yêu cầu đặt ra, công tác bảo tồn, phát triển cây sâm quý này còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Vùng sâm nguyên liệu quá ít, số lượng sâm giống không đủ cung cấp cho nhu cầu phát triển; việc di thực chưa được tổng kết, đánh giá để tiếp tục triển khai; các nghiên cứu khoa học chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho việc bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh; vấn đề chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu chưa quan tâm đúng mức. Các sản phẩm được chế biến từ cây sâm Ngọc Linh, như: Rượu Diệp Linh Sâm (rượu ngâm từ lá), rượu sâm Ngọc Linh (rượu ngâm từ củ) hay như viên ngậm sâm Ngọc Linh, trà túi lọc sâm Ngọc Linh và nước bổ dưỡng sâm Ngọc Linh... còn quá khiêm tốn, đơn điệu, chủ yếu sản xuất thủ công…