Cây đặc sản miền Trung: Âu lo 'vương quốc' tỏi
11:08 - 09/07/2015
Nhắc đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) là người ta nhắc ngay đến cây tỏi. Từ lâu, tỏi đã trở thành hình ảnh của vùng đất đảo đầy nắng gió này.
Nông dân Lý Sơn tưới tỏi

Nhờ có mùi vị đặc biệt mà tỏi Lý Sơn được nâng lên thành món đặc sản có một không hai ở Việt Nam. Tuy nhiên, cây tỏi ở đây đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn…
 

Con đường đến thương hiệu

Không một người dân nào ở đất đảo hiện nay có thể nói cụ thể cây tỏi đã có mặt tại Lý Sơn từ khi nào. Họ chỉ nói áng chừng là hàng trăm năm. Từ khi vùng đất này được khai sinh, các bậc tiền nhân đã biết trồng tỏi để vừa làm gia vị cho những bữa ăn và nhất là dùng làm thuốc chữa bệnh.
 

Với người dân đất đảo, tỏi được xem là vị thuốc thần kỳ chữa được rất nhiều loại bệnh.

Các đấng mày râu ở đất đảo, cuộc sống gắn với biển cả, thời gian lênh đênh trên sóng nước nhiều hơn ở nhà, củ tỏi được mang theo trong những chuyến biển vừa được ăn để trừ những căn bệnh thông thường, vừa là món ăn làm ấm lòng những thợ lặn.
 

Theo các lão nông, ở Lý Sơn vẫn còn lưu truyền những câu chuyện nói về nguồn gốc xuất xứ của cây tỏi. Chuyện rằng, những người đầu tiên trồng tỏi ở đây không phải là nông dân mà là những thương nhân.

Ngày ấy, kế mưu sinh duy nhất của người dân đất đảo là đánh bắt hải sản gần bờ. Sản vật đánh bắt hàng ngày được các thương nhân thu mua, sơ chế rồi dùng ghe thuyền vận chuyển vào bờ bán.
 

Có nhiều thương nhân chở hải sản ra tiêu thụ tận kinh đô Huế. Trong những ngày lưu lại đất kinh thành, họ được ăn 1 loại tỏi rất ngon. Rồi nảy ra ý định mang về một ít trồng trên đất đảo để làm ngon hơn những bữa cơm hàng ngày. Thế là cây tỏi có mặt trên đất Lý Sơn.

Cây tỏi “gốc Huế” được sống trên đất thịt, hít thở không khí đồng nội khi về sống trên đảo, vùng đất được hình thành từ quá trình phun trào của 5 miệng núi lửa hoạt động cách nay mấy chục triệu năm đã biến đổi cả dáng lẫn vị.
 

Tỏi trồng ở Lý Sơn không to như tỏi Huế hay tỏi trên đất Bắc, chỉ cay dìu dịu và không có mùi hăng nồng. Những hương vị này đã làm nên nét đặc trưng của tỏi Lý Sơn.

Ngày ấy, các thương nhân ở Lý Sơn mang tỏi trồng ở quê ra Huế biếu cho các bạn hàng mua bán, dân Huế ăn tỏi Lý Sơn cứ khen lấy khen để.

Vậy là từ ý nghĩ ban đầu là trồng tỏi chỉ để tự cung tự cấp, người dân Lý Sơn chuyển sang trồng tỏi để mang vào đất liền bán. Diện tích tỏi tăng dần lên vài chục ha, đến bây giờ đã tăng đến trên 300 ha/năm.
 

Đó là những chuyện ngày xưa, còn ngày nay, trên đất đảo ai cũng biết câu chuyện chàng cử nhân ĐH Bách khoa Đà Nẵng (quê ở xã An Hải) Nguyễn Văn Định đã từ bỏ nghề dầu khí đi bán tỏi như thế nào.
 

“Năm 2009, tỏi Lý Sơn chính thức được công nhận là thương hiệu quốc gia. Sản phẩm của bà con làm ra rộng đường tiêu thụ hơn, nhưng chuyện trồng tỏi ở Lý Sơn vẫn còn nhiều trắc trở”,ông Lê trăn trở.

Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn kể, là người dân đất đảo, chàng kỹ sư trẻ ấy rất biết ông cha mình phải cơ cực đến thế nào trong chuyện trồng tỏi, thế nhưng khi bán thì bị tư thương ép giá.
 

Thế là anh từ chối công việc ở 1 công ty dầu khí để… đi bán tỏi dạo. Đầu tiên, thị trường tiêu thụ của anh là Đà Nẵng. Chuyện làm ăn của anh ngày càng phất, theo đó, tỏi Lý Sơn có mặt khắp cả nước, kể cả ở nước ngoài.
 

Bí cả 2 đầu

Trăn trở đầu tiên về chuyện trồng tỏi ở Lý Sơn của ông Lê là nông dân trồng tỏi ở đây đang gặp khó về việc thay đất canh tác.

Theo ông Lê, tùy chân đất và điều kiện canh tác, vài ba năm nông dân phải thay lớp đất thịt bên dưới 1 lần, còn lớp đất cát bên trên năm nào cũng phải thay.
 

“Nông dân thay đất bằng cách cào lớp cát dồn lại, sau đó bồi một lớp đất đỏ bazan mới xuống bên dưới dày khoảng 1 - 2 cm, đầm chặt.

Đất bazan được lấy từ trên núi hoặc đào dưới hầm ngay bên ruộng tỏi, sau đó bón phân lót và phủ lên một lớp đất cát san hô dày từ 2 - 3 cm, tận dụng lớp cát cũ ở phía trên để phủ xuống dưới, lớp cát mới phủ lên trên. Phải thay đất thay cát cây tỏi mới cho năng suất cao nên việc làm này gần như là bắt buộc”, ông Lê nói.
 

Đất bazan trên đảo ngày càng cạn kiệt, cát san hô giờ cũng phải ra rất xa bờ hút mới có. Do đó, đến kỳ thay đất, thay cát là nông dân ở đây lo sốt vó vì phải chấp nhận chi phí cao.

Theo ông Lê, hiện nay, mỗi lần thay lớp đất thịt bên dưới nông dân phải chi phí đến 5 triệu đồng/sào, thay lớp cát bên trên 1 triệu đồng/sào.

14-19-20_2

TS Nguyễn Đăng Nghĩa (phải), chuyên gia về đất, phân bón và môi trường tìm hiểu
quy trình thay đất canh tác ở Lý Sơn

 

“Do chi phí đầu vào quá cao nên hiện nay dù tỏi bán được 50 - 60 ngàn đồng/kg nhưng nông dân vẫn chẳng còn lời lãi bao nhiêu. Thêm vào đó, Lý Sơn đất chật người đông, mỗi nhân khẩu chỉ được cấp 150 m2 đất, phải thuê thêm đất của người khác để làm nên chi phí đầu vào càng tăng cao.

Đó là chưa kể chi phia sắm giàn tưới phun mưa để tiết kiệm nước trong bối cảnh nắng hạn”, ông Lê bộc bạch.
 

“Tỏi là mặt hàng không cấm lưu thông nên các tàu vận tải có thể chở thoải mái. Do đó chúng tôi đã vận động các tàu vận tải của Lý Sơn cam kết không chở tỏi từ trong bờ ra để bảo vệ thương hiệu tỏi quê mình”,ông Nguyễn Văn Lê.

Trăn trở thứ hai của ông Lê là hiện nay, trên thị trường tiêu thụ, tỏi Lý Sơn luôn đứng ở giá cao nhất nhờ thương hiệu đặc sản. Do đó, những năm qua thị trường tỏi trở nên bát nháo vì nạn tỏi Lý Sơn giả.

Có nhiều vùng trồng tỏi, sau khi thu hoạch ra đảo mua ít tỏi Lý Sơn mang về trộn với tỏi địa phương sau đó bán theo giá tỏi Lý Sơn.
 

Thậm chí, tại Lý Sơn, có một số thương lái mua tỏi trong đất liền ra trộn với tỏi Lý Sơn, sau đó đưa vào bờ bán với danh nghĩa đặc sản đất đảo.

Ví như giá tỏi được trồng ở Khánh Hòa luôn thấp hơn 1 nửa so với giá tỏi Lý Sơn, “tuồn” tỏi ở đó về bán thành tỏi đất đảo thì lời to. Mua phải tỏi Lý Sơn rởm, du khách và người tiêu dùng phàn nàn, niềm tin vào đặc sản Lý Sơn giảm dần.

Thực trạng này đang "giết" dần thương hiệu đặc sản đất đảo.
 

Ông Nguyễn Văn Lê bức xúc kể: “Cách đây không lâu, bộ đội biên phòng bắt được 1 tàu cá vận chuyển 200 kg tỏi từ trong bờ ra Lý Sơn, từ đó các tàu cá cạch không dám chở tỏi ra đảo nữa”.

Năng suất tỏi ở Lý Sơn hiện đã được cải thiện đáng kể, nhất là sau khi Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ SX tỏi ở Lý Sơn theo hướng bền vững”.
 

Ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB cho biết, từ năm 2009 đến 2012, Viện đã tiến hành phục tráng giống tỏi cho Lý Sơn, kết quả đã tạo được 9 dòng hỗn đạt cấp siêu nguyên chủng, năng suất vượt so với SX đại trà 15 - 20%.

Nông dân Lý Sơn cũng đã được hướng dẫn mật độ trồng tỏi mới để nâng cao năng suất, áp dụng quản lý dịch hại cây trồng trên tỏi và cách tưới phun mưa bằng béc phun để tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, theo người trồng tỏi ở Lý Sơn, năng suất dù đã được nâng lên nhưng thu nhập của họ chẳng được cải thiện mấy vì chi phí đầu vào quá cao, khâu tiêu thụ thì bị tỏi giả gây loạn...

Trần Hạ Môn/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo