An Giang: Quy hoạch vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao
15:33 - 29/06/2015
(TNNN) – Nhiều năm gần đây, nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu đã góp phần nâng cao mức thu nhập cho người dân sống ở khu vực nông thôn. Trong đó, nghề trồng nấm rơm có bước phát triển mạnh nhất, bởi lẽ trên cùng một diện tích đất canh tác thì lợi nhuận thu được từ trồng nấm rơm thường cao hơn gấp 4 lần so với trồng lúa.
Một mô hình trồng nấm trong nhà

 
Từ thực tế việc trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với lao động nông thôn ít đất. Đồng thời, với đặc thù của An Giang là một vùng có diện tích trồng lúa rộng lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có, bởi vậy chỉ cần có sức lao động và mặt bằng thì có thể gia tăng thu nhập từ nghề nuôi trồng nấm rơm.

 
Được biết, UBND tỉnh An Giang mới vừa phê duyệt kế hoạch và triển khai chương trình phát triển nghề trồng nấm ăn ứng dụng công nghệ cao, trong đó thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

 
Theo kế hoạch, từ năm 2013- 2020, An Giang phát triển sản xuất nấm rơm trong nhà, trang trại theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất trung bình từ 5% lên 10- 15% nấm rơm thành phẩm/khối lượng rơm nguyên liệu.

 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hình thành và phát triển các dịch vụ cung cấp phôi giống, phụ liệu trồng nấm để hỗ trợ nghề trồng nấm rơm. Tại mỗi huyện, hình thành cơ sở cung cấp phôi giống kết hợp thu mua sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động thường xuyên và khoảng 50.000 lao động thời vụ, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010.

 
Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu: Năng suất nấm đạt từ 15- 20% nấm thành phẩm/khối lượng rơm nguyên liệu trên cơ sở hoàn thiện nhà trồng theo hướng hiện đại; tạo việc làm cho 30.000 lao động thường xuyên và 80.000 lao động thời vụ, tăng hai lần so với năm 2010, trong đó, tay nghề lao động được nâng cao ngang tầm với công nghệ sản xuất.

 
Ngoài ra, An Giang thực hiện ứng dụng công nghệ cao từ năm 2013 đến năm 2020 để tăng năng suất các loại nấm có giá trị kinh tế khác như nấm bào ngư, nấm mèo, nấm linh chi từ 15- 20% do cải thiện chất lượng giống và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Từ sau năm 2015, tỉnh bắt đầu phát triển các loại nấm có giá trị khác như nấm đùi gà, kim châm, ngọc châm; đến năm 2020 sẽ đa dạng hóa và hoàn thiện quy trình sản xuất các loại nấm có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng.

 

An Giang cũng đã thực hiện quy hoạch về địa điểm, quy mô thực hiện ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu giai đoạn 2013-2015; giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ 2013- 2015, tỉnh thực hiện tập huấn, trình diễn mô hình trồng nấm công nghệ cao ở ba huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, An Phú.

 
Ưu điểm dễ thấy của nghề trồng nấm là sản xuất quanh năm, chỉ cần đảm bảo được nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển. Sản xuất nấm vừa tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, vừa tận dụng được sức lao động nông nhàn giúp nông dân tăng thêm thu nhập.


 
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do thời tiết diễn biến thất thường, sản phẩm nấm rơm làm ra không đảm bảo chất lượng dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Từ những khó khăn đó, ngành Khoa học- Công nghệ tỉnh đã triển khai tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm trong nhà cho nông dân, giúp bà con chủ động hơn trong việc sản xuất nấm mà không sợ ảnh hưởng của thời tiết. Đồng thời, giúp nâng cao chất lượng nấm và mang lại lợi nhuận cho nông dân.


 
Một điển hình cho mô hình trồng nấm rơm trong nhà là anh Nguyễn Thanh Tùng- ngụ tại ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn. Bắt đầu thực hiện từ năm 2012, sau khi được Trạm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 30% kinh phí để thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm trong nhà, thấy hiệu quả nên anh tiếp tục mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình anh có tổng diện tích của cả hai nhà trồng nấm gần 150m2 đất.


 
Theo anh Tùng, việc trồng nấm rơm trong nhà không khó hơn so với việc trồng nấm ngoài trời song chất lượng, sản lượng tốt hơn so với trồng ngoài trời rất nhiều. Thêm vào đó, trồng nấm trong nhà còn tiết kiệm được nguồn nguyên liệu khoảng từ 30- 40% so với việc trồng nấm truyền thống như trước kia do không cần tốn rơm phủ. Quan trọng là người trồng nấm cần chủ động được thời tiết về ẩm độ, nhiệt độ vì có mái che và cần thắp đèn vào buổi tối để điều chỉnh nhiệt độ giúp cây nấm phát triển tốt hơn. Nhà trồng nấm chủ yếu được bà con nông dân tận dụng những cây sẵn có như tre, bạch đàn để dựng lên nên không tốn nhiều chi phí.


 
Ngoài việc sản xuất theo mô hình trồng nấm trong nhà, anh Tùng còn chọn hướng canh tác theo những thời điểm nấm có giá trong năm để tăng lợi nhuận. Trong vụ vừa qua, anh Tùng trồng 200 mét mô nấm trong nhà với diện tích hơn 50m2, anh chia sẻ kinh nghiệm: Trồng nấm trong nhà năng suất cao nhất là vụ đông xuân vì rơm chất lượng, thời tiết và độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển. Các tháng giêng, tháng 7, 10 và vào dịp Tết giá nấm từ 80.000 - 100.000 đ/kg nên cần phải chọn vào thời điểm này để sản xuất với số lượng nhiều hơn, các tháng còn lại thì sản xuất nhỏ lẻ.


 
Tuy trồng nấm trong nhà có mức chi phí cao hơn so với trồng nấm ngoài trời nhưng năng suất nấm luôn đứng ở mức cao và ổn định. Người dân vẫn có thể dự trữ rơm để làm cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Trời lạnh thì các hộ trồng nấm làm mô rộng và cao 38 cm, còn khi nóng thì 30 cm. Theo ước tính, chi phí mua rơm, vận chuyển, meo, phân bón, công lao động… khoảng từ 400.000- 500.000 đ/công rơm, trừ chi phí cho lợi nhuận từ 1,5 - 2 triệu đồng/công.


 
Từ những hiệu quả mang lại của mô hình trồng nấm rơm trong nhà và cũng do nhu cầu thị trường ngày một tăng cao, ngành Nông nghiệp huyện Thoại Sơn đang vận động nông dân để mở rộng mô hình tại các xã, thị trấn trong huyện. Cách làm này hiện đang có nhiều lợi thế về năng suất và ưu điểm vượt trội hơn cả.

 

Mặc dù quy trình trồng nấm rơm không khó, nhưng vì nấm là giống rất ưa sạch nên để đạt hiệu quả cao đòi hỏi người trồng nấm phải có kỹ thuật. Đây là khâu quan trọng hàng đầu quyết định năng suất và chất lượng nấm rơm. Để trồng nấm thành công phải tuân thủ đầy đủ các khâu trong xử lý nguyên liệu. Từ việc ủ rơm đến khâu chọn meo giống đều có ảnh hưởng lớn đến năng suất của nấm. Nếu không thực hiện nghiêm việc xử lý kỹ rơm, rạ trước khi ủ sẽ dễ bị các loại nấm ký sinh cạnh tranh dinh dưỡng, gây bệnh, làm cho nấm rơm không phát triển được và chết.
 

Đồng thời, việc chọn được meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt. Nếu chất lượng meo nấm không đảm bảo sẽ dễ bị nhiễm nấm dại. Bên cạnh đó, các yêu cầu kỹ thuật trong các khâu sản xuất nấm như điều chỉnh nhiệt độ thích hợp trong các giai đoạn sinh trưởng của nấm cũng là yếu tố quan trọng của mô hình trồng nấm rơm trong nhà.
 

Hà Nhiên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo