Viết tiếp bài “Khai thác cát lòng sông Lô: Lợi ích của người dân bị bỏ ngỏ?”: Huyện Phù Ninh “nới tay” cho doanh nghiệp
07:02 - 23/06/2015
Báo Kinh tế nông thôn số 23 ra ngày 5/6/2015 có bài: “Khai thác cát lòng sông Lô: Lợi ích của người dân bị bỏ ngỏ?”, phản ánh tình trạng khai thác cát của Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng (Công ty Thái Sơn) gây khó khăn cho việc sản xuất của người dân. Tuy nhiên, huyện Phù Ninh lại có văn bản “nới tay” cho việc này, ngay cả chỉ đạo của tỉnh cũng bị chính quyền huyện này phớt lờ (?!).

“Ngậm tăm” khi dân hỏi

Ngay sau khi những vấn đề bức xúc của người dân được phơi bày ra ánh sáng, ngày 8/6/2015, UBND huyện Phù Ninh đã khẩn cấp tổ chức cuộc họp bàn về những vấn đề báo chí nêu và giải quyết những “tranh chấp” giữa người dân khu 3, xã Tử Đà và Công ­ty Thái Sơn. Tuy nhiên, khi cuộc họp kết thúc, những vấn đề mà người dân yêu cầu làm rõ vẫn chưa được giải quyết...

Tại cuộc họp, ông Đỗ Văn Kính (người dân bị mất đất) thẳng thắn nêu những câu hỏi mà 28 hộ dân khu 3 quan tâm như: Tỉnh ủy Phú Thọ chỉ đạo “chỉ giao diện tích lòng sông, không được giao đất bãi đang canh tác” cho Công ty Thái Sơn nhưng việc thực hiện có đúng như vậy không? Công ty Thái Sơn có khai thác đúng mốc giới không? Đồng thời, ông Kính cũng đề nghị làm rõ 2 ô đất bị sạt lở, công khai mốc giới cấp phép và khẳng định, gia đình ông canh tác ổn định ở khu vực bãi bồi này từ năm 1990 chứ không có chuyện “bãi non” do mặt nước lên xuống thất thường. Trước những câu hỏi này, ông Vũ Thế Dân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Ninh chỉ biết “ngậm tăm”, né tránh, không trả lời.

Theo những tài liệu mà chúng tôi thu thập được, việc cắm mốc giới mỏ đã chồng lấn lên đất canh tác của dân cũng như việc khai thác cát sỏi ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác của nhân dân hai khu 3 và 4, xã Tử Đà là có cơ sở.

Trước thực trạng trên, ngày 11/8/2014, chính quyền xã Tử Đà có Báo cáo số 25/BC-UBND gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Phù Ninh về việc cắm mốc giới giao đất ngoài thực địa có tới 16 vị trí chồng lấn diện tích đất canh tác của nhân dân và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.

Trên cơ sở đó, ngày 21/8/2014, UBND tỉnh Phú Thọ có Công văn số 3488/UBND-KT4 gửi Sở TN&MT chỉ đạo rõ: “Việc này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cụ thể nội dung và giải pháp xử lý; báo cáo với UBND tỉnh…”. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Lý, Chủ tịch UBND xã Tử Đà, đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Đặc biệt, điều khiến người dân khó hiểu và bức xúc là mặc dù chưa thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chưa làm rõ việc cắm mốc giới có chồng lấn hay không nhưng ông Vũ Thế Dân lại luôn khẳng định: các hộ dân “đang canh tác trong phạm vi mốc giới Công ty Thái Sơn được cấp phép” để rồi yêu cầu nhân dân dừng canh tác, chỉ đạo UBND xã Tử Đà phải xem xét bồi thường, hỗ trợ giống như thực hiện giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất (?!).

Hoạt động khai thác cát ảnh hưởng đến sản xuất của người dân ở vùng bãi bồi.

Chỉ đạo một đằng, làm một nẻo

Văn bản số 898 ngày 16/7/2013 của Tỉnh ủy Phú Thọ ghi rõ, khi triển khai các dự án khai thác cát sỏi (trong đó có dự án của Công ty Thái Sơn tại xã Tử Đà), chỉ giao diện tích lòng sông, không được giao đất bãi đang canh tác”; trong Giấy phép khai thác khoáng sản UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty Thái Sơn cũng chỉ cho phép khai thác trong phạm vi 27,7ha lòng sông (đất có mặt nước), “diện tích quản lý bảo vệ không được khai thác 8,8ha đất bãi bồi ven sông”.

Thế nhưng, ông Dân đã “hô biến” một phần bãi bồi này thành “bãi nổi”, “bãi non” nhằm né tránh phải thừa nhận phần đất ven sông là đất bãi bồi và như một “lá chắn” cho Công ty Thái Sơn hoạt động(?!).

Ngay tại cuộc họp, trước một số ý kiến cho rằng, diện tích 1,5ha đang tranh chấp là bãi nổi, ông Lý khẳng định: “Diện tích 1,5ha là bãi bồi chứ không phải là bãi nổi. Nhân dân đã khai phá và canh tác từ những năm 1990 để trồng ngô và hoa màu. Năm 2005, sau khi dồn điền đổi thửa xong, nhân dân có xin đất để canh tác, nhưng đất này không phải là đất giao theo Nghị định 64 nên UBND xã kiểm kê và thu 50.000 đồng/sào/năm…”.

Các hộ dân liên quan cũng đều khẳng định, họ đã canh tác ổn định từ năm 1990, do đó không có chuyện “bãi non” như đại diện UBND huyện Phù Ninh nói.

Mặt khác, trong các văn bản liên quan của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ cũng không hề có khái niệm “bãi nổi”, “bãi non” nhưng UBND huyện Phù Ninh vẫn cố tình dùng khái niệm “ngược đời” này để áp dụng giải quyết vụ việc.

Chính vì né tránh, không làm rõ được vấn đề chính là ranh giới mỏ đến đâu, việc giao đất ngoài thực địa có xảy ra chồng lấn hay không... nên khi kết luận hội nghị, ông Dân đã “đá quả bóng” trách nhiệm này lên tỉnh.

Báo Kinh tế nông thôn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ sớm làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
 

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo