Bài 6: Hơn 400 tỉ đồng của dân đã trôi sông
11:16 - 03/06/2015
Hơn 40ha đất trôi sông tương đương với hơn 400 tỷ đồng của người dân chìm dưới sông Đồng Nai chỉ vì cát tặc. Chưa kể, nhà nước bị thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế, chân cầu cao tốc cũng sắp bị ảnh hưởng. Hậu quả của nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai không thể đo đếm được.

Đứt ruột nhìn đất trôi sông

Trước sự hoành hành của cát tặc tại phường Long Phước, quận 9 (TP.Hồ Chí Minh), hàng chục hecta đất của người dân bị sạt lở trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Để hút cát, những đối tượng này dùng hàng trăm máy khoan, hút với công suất lớn thọc sâu vào đáy sông từ 6 - 20m hoặc vào bờ. Do đáy sông đã tan nát, trũng sâu nên bờ sông Đồng Nai đoạn qua phường Long Phước bị sạt lở nghiêm trọng. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND phường, đến thời điểm hiện tại, diện tích khu vực bị sạt lở đã lên đến hơn 40ha.
 

Trong đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các hộ dân bị mất đất đã nêu: “Chúng tôi nhiều lần báo cáo lên UBND phường, công an phường, cảnh sát đường thủy nhưng vẫn không giải quyết được”.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất những mảnh đất đã bị trôi sông.

Cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất đã bị sạt xuống sông, anh H. ngậm ngùi kể: Lúc chúng tôi mua, đất tại khu vực này có giá gần 1 triệu đồng/m2. Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đàng hoàng. Vậy mà giờ đây, đất đã “không cánh mà bay".
 

Không chỉ anh H., hàng chục người dân khác mua đất tại khu vực này cũng vô cùng bức xúc vì đất đã trôi theo Hà bá. “Những tưởng mua được miếng đất để đầu tư, ai ngờ giờ đây lại rơi vào cảnh tay trắng”, anh H. bức xúc.
 

Cũng như anh H., tất cả các hộ dân có đất ở khu vực này đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ. Người ít thì vài trăm mét vuông, người nhiều lên đến hàng ngàn mét vuông. Hiện tại, hơn 40ha đất đã bị sạt xuống sông. Nếu tính theo giá đền bù của nhà nước tại khu vực này, trị giá số đất bị mất lên đến hơn 400 tỷ đồng.
 

“Hiện nay, 40ha đất trị giá hàng trăm tỷ đồng của chúng tôi bỗng dưng biến mất, đó là số tiền không hề nhỏ. Chưa kể, trước tình trạng cát tặc lấn đất, không ít hộ dân đã phải ngậm ngùi rời khỏi nơi mình sinh sống. Ngoài ra, nguồn tài nguyên của đất nước cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng”, anh H. nói.
 

Trước sự lộng hành của cát tặc, nhiều chủ đất đã mua đá và gỗ về kè, nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình hình.  Anh T., một chủ đất tại đây, cho biết: “Đất trên mặt thì còn đó nhưng đất phía dưới thì bọn chúng hút hết rồi còn đâu. Đứng trên đất của mình nhưng không biết rơi xuống sông lúc nào”.
 

Còn ông A., nhà cách bờ sông chừng 120m, buồn bã kể: “Có miếng đất dưỡng già, mấy năm trước, người ta đến trả hơn tỷ bạc mà tui không bán. Giờ gọi người bán thì chẳng ai mua, có người trả giá còn khoảng 200 triệu đồng vì sợ đất bị trôi hết xuống sông”.
 

Chẳng lẽ bó tay?

Đã nhiều lần các chủ đất cùng những hộ dân sinh sống ở khu vực này gửi đơn kêu cứu đến chính quyền, thế nhưng, đâu lại vào đấy.
 

Trong loạt bài được phản ánh trên báo Kinh tế nông thôn, nhiều lần chính quyền phường Long Phước thừa nhận sự bất lực trước "cát tặc". Trong khi đó, phía cảnh sát đường thủy TP. Hồ Chí Minh cũng nhiều lần giăng lưới và bắt được các đối tượng hút cát, bàn giao cho chính quyền phường. Thế nhưng, ngay sau đó, phường lại thả ra. “Xử lý như thế chẳng khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”. Chính vì vậy, đất đai của chúng tôi cứ mất dần, mất mòn”, một hộ dân bức xúc.

Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực bị sạt lở. Phía xa là chân cầu cao tốc, nếu không ngăn chặn kịp thời, sớm muộn gì cũng bị ảnh hưởng.
 

Rồi đây, nếu các cơ quan chức năng không sớm can thiệp, không chỉ 40ha mà là 50ha hay 100ha đất sớm muộn gì cũng trôi hết xuống sông. Không chỉ là tiền của nhân dân, nhà nước, mà lớn hơn, là dòng sông Đồng Nai đang từng ngày bị xẻ thịt. Chẳng lẽ chúng ta lại khoanh tay đứng nhìn một lượng người đang cố ý làm trái pháp luật, sử dụng sự hung hãn, manh động, coi thường phát luật để tư lợi và làm tổn thất tài sản của Nhà nước.
 

Trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, nói: “Không lý gì lại thua tội phạm”. Thực tế, nạn cát tặc lộng hành tại khu vực sông Đồng Nai đã diễn ra trong thời gian dài và càng ngày càng manh động. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền thành phố cần vào cuộc để cuộc chiến chống cát tặc sớm chấm dứt, trả lại yên bình cho sông Đồng Nai và cho cả cư dân ở đây.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, cần phải xử lý thật nặng đối với những đối tượng khai thác cát trái phép. Luật sư Hậu cho biết: “Theo quy định tại Điều 37, Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì cá nhân, tổ chức khai thác mà không có Giấy phép khai thác cát sẽ bị phạt tiền với mức tương ứng với khối lượng cát khai thác trái phép, tối thiểu là 3 triệu đồng, tối đa 70 triệu đồng.

Trường hợp có giấy phép khai thác cát nhưng đã hết hạn hoặc khai thác cát trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác cát; khai thác vượt quá 50% trở lên đến 100% so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản thì bị phạt tiền từ 140 đến 160 triệu đồng.

Đồng thời, theo quy định tại điều này thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị tịch thu toàn bộ tang vật là cát và phương tiện vi phạm hành chính và buộc thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Bên cạnh đó, Điều 172 Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng quy định người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.


Nhóm PV điều tra/ Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo