Chính sách phát triển tàu cá xa bờ tại các địa phương đang đi đúng hướng
08:51 - 29/05/2015
(TNNN) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là chính sách toàn diện phát triển thủy sản trong đó ưu tiên phát triển đội tàu đánh cá xa bờ vỏ sắt, hướng đến một ngành khai thác thủy sản chuyên nghiệp, bền vững. Sau một thời gian triển khai thực hiện, các địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định.

Ảnh minh họa



Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 với năm nhóm chính sách hỗ trợ gồm chính sách đầu tư; chính sách tín dụng; chính sách bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác.



Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết đối với từng chính sách; các văn bản hướng dẫn thực hiện như phân bổ, hướng dẫn về số lượng tàu cá đóng mới theo nghề và theo vùng biển; thiết kế và công bố 21 mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép để ngư dân lựa chọn; công bố 143 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện; công bố các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm tàu cá và thuyền viên; tổ chức các đoàn công tác liên ngành đến làm việc với địa phương và kịp thời tổng hợp, báo cáo và giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của địa phương gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện.





Đến nay, đã có 13 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá với 389 tàu cá đóng mới, 56 tàu nâng cấp; trong đó số tàu đóng mới theo công suất từ 400CV đến dưới 800CV là 177 chiếc; từ 800CV đến dưới 1.000CV là 191 chiếc và từ 1.000CV trở lên là 21 chiếc; phân theo nghề câu 87 chiếc, rê 59 chiếc, vây 131 chiếc, chụp 64 chiếc, dịch vụ hậu cần 48 chiếc; phân theo vật liệu vỏ thép 163 chiếc, composite 30 chiếc, gỗ 196 chiếc; 233 chủ tàu vay vốn lưu động.




Hiện đã có 10 hợp đồng tín dụng được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và các chủ tàu cá với tổng số tiền trên 127 tỷ đồng, trong đó Bình Định bốn chiếc; Thừa Thiên-Huế hai chiếc; Quảng Ngãi hai chiếc, Khánh Hòa một chiếc và Bà Rịa-Vũng Tàu một chiếc.Các địa phương còn lại đang tiếp tục đẩy mạnh việc phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện tham gia các chính sách được quy định tại Nghị định.




Trong đợt 1/2015, tỉnh Phú Yên phê duyệt danh sách 19 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và vay vốn lưu động theo Nghị định 67.



Trong số này có 15 chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá lưới vây và tàu dịch vụ hậu cần, 4 chủ tàu vay vốn lưu động để phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 khách hàng được vay vốn lưu động theo Nghị định 67 với dư nợ hơn 2,2 tỉ đồng.




Vừa qua, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên cũng vừa ký kết 2 hợp đồng tín dụng cho vay đóng tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67. Đây là những hợp đồng tín dụng đầu tiên, tạo đà cho việc triển khai đồng bộ chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh.



Thời gian qua, Quảng Ninh đã không ngừng quan tâm đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất tập trung. Tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi về tín dụng, bảo hiểm, thuế cho các cơ sở đóng tàu, chủ tàu...




Riêng đối với Nghị định 67, Quảng Ninh đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý, chỉ đạo thực hiện Nghị định như: Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Nghị định; phân bổ chỉ tiêu đóng mới tàu cá xa bờ của từng địa phương; quy định tiêu chí xét chọn đối tượng được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá; hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất; thành lập hội đồng thẩm tra, thẩm định cấp tỉnh; rà soát các cơ sở đóng tàu đủ điều kiện. Quảng Ninh là địa bàn có ngư trường rộng lớn và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, tỉnh rất quan tâm đến việc đưa Nghị định 67 vào cuộc sống nhằm khuyến khích ngư dân bám biển, tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản gắn với giữ vững chủ quyền biển đảo. Theo kế hoạch, tỉnh  được phê duyệt đóng mới, nâng cấp 45 tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó: đóng mới 32 tàu, nâng cấp 13 tàu. Riêng đối với tàu đóng mới thì có 23 tàu vỏ thép, 9 tàu vỏ gỗ.



Vừa qua, tại TP Hạ Long, Công TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long (thuộc Tổng Công ty CNTT-SBIC) đã khởi công đóng mới tàu lưới chụp vỏ thép đầu tiên cho ngư dân Đỗ Văn Thi, TP Uông Bí. Tàu cá LC-01-BNN được thiết kế thoả mãn “Quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển 6718:2000”, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị nghề cá hiện đại, theo tiêu chuẩn cấp I quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tổng kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng. Dự kiến tàu sẽ hoàn thành và bàn giao cho chủ tàu đưa vào khai thác trong tháng 8/2015.



Thời gian quan, Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Tổng công ty Sông Thu- Đà Nẵng) đã tổ chức lễ ký kết và khởi công đóng mới 2 tàu cá vỏ thép nghề lưới rê mang số hiệu V040-QNa-1 và V040-QNa-3 cho 2 chủ tàu Phan Thu và Trần Công Chi ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. Được biết, đây là hai con tàu đầu tiên của Quảng Nam được đóng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Sở NN và PTNT thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quyết định công nhận ông Lê Văn Nhắn (trú tổ 1, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được hưởng chính sách tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.





Đến nay, tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách đợt 1 cho 37 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá, gồm 24 tàu cá vỏ thép, 2 tàu vỏ composit, 10 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ gỗ bọc composit. Đáng chú ý, hiện có 14/24 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu vỏ thép đã ký hợp đồng đóng tàu với các cơ sở đóng tàu theo mẫu của Bộ NN và PTNT; đã có 4 ngư dân đầu tiên trong danh sách trên của tỉnh  ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để đóng tàu cá vỏ thép….

 


Như vậy, Nghị định 67/2014/NĐ-CP được các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định bước đầu, bám sát được mục tiêu của chính sách và đúng đối tượng; các địa phương đã tiến hành triển khai chặt chẽ, chưa phát hiện được tình trạng lợi dụng các chính sách được ban hành.

Điệp Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo