Khoảng 300 ha đất nông nghiệp của người dân ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) không thể sản xuất được do bị nhiễm mặn.
|
Đất nhiễm mặn khiến cây trồng nào cũng lụi tàn |
Nguyên nhân là do một số cá nhân tự ý xả nước mặn vào nuôi thủy sản tại các vùng đất trũng ven đê, khiến nước mặn xâm nhập vào các cánh đồng trồng lúa của dân.
Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm...
Cánh đồng hoang
Có mặt tại cánh đồng xã Tân Hải, huyện Tân Thành, chúng tôi chứng kiến nhiều thửa ruộng vốn trước đây trồng lúa của dân bị ngập trắng như những ao nước mặn. Còn những khu vực ruộng không bị ngập cũng đã bị mặn hóa khiến người dân phải bỏ hoang nhiều năm qua vì không loại cây nào sống được.
Ngồi lặng thinh bên bàn trà, mắt dõi về phía cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc, xung quanh bờ phèn đóng vàng cháy, ông Vũ Đình Chuận, một người dân ở tổ 4, thôn Nam Hải, xã Tân Hải thở dài ngao ngán: “Cả 5-6 năm nay rồi, sáng nào cũng vậy, cứ mở cửa ra là thấy cảnh ruộng đồng bỏ hoang mà héo cả ruột.
Đất ruộng của bà con chúng tôi đang trồng lúa ngon lành nhưng bị người ta bất chấp xả nước mặn vào trong đê để nuôi thủy sản, khiến cả cánh đồng trồng lúa xung quanh bị xâm nhập mặn, giờ đây như một vùng đất chết, ai mà chẳng xót!”.
Cũng giống như nhiều hộ dân khác, năm 1986 gia đình ông Chuận chuyển từ Bắc vào đây sinh sống và gầy dựng được 9 ha đất trồng lúa. Mặc dù đất ở đây không tốt bằng nơi khác, nhưng trước khi bị nước mặn xâm nhập, trồng lúa vẫn cho năng suất đạt từ 3-4 tấn/ha/vụ.
Cống số 5 đang xả nước mặn vào cánh đồng phục vụ nuôi thủy sản
Với 9 ha lúa, gia đình ông Chuận sống khỏe. Nhưng từ khi ruộng đồng bị nhiễm mặn khiến gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác không thể trồng được lúa, coi như mất trắng. Gia đình ông phải trồng bạch đàn và tràm để “chữa cháy”. Tuy nhiên, do độ nhiễm mặn ngày càng cao khiến các loại cây này cũng không thể sống được.
Để chứng minh thực tế, ông Chuận dẫn chúng tôi ra cánh đồng đang bỏ hoang trước nhà, chỉ tay về phía những mảnh ruộng khô nứt vẫn còn gốc rạ, gốc tràm, cừ nham nhở, bức xúc nói: “Ngày xưa chúng tôi đã mất bao công sức khai hoang phục hóa mới có được cánh đồng này. Ấy thế mà giờ đây không trồng cây gì được”.
Theo ông Chuận, gia đình ông có 9 người con, đến nay cũng đã lập gia đình, đất ruộng ông chia đều cho các con cùng trồng lúa. Anh Vũ Đình Tác (con trai ông Chuận) buồn rầu tâm sự: “Ngày xưa cánh đồng này trồng lúa rất tốt, cho người dân thu hoạch ổn định, còn giờ cả cánh đồng bị nhiễm mặn. Đến nay tất cả anh em trong gia đình tôi đành phải bỏ ruộng đi tứ tán khắp nơi tìm việc làm thêm, hoặc đi biển chài lưới thuê cho các ghe đánh bắt cá hòng kiếm thu nhập lo cuộc sống hàng ngày!”.
Cánh đồng hàng trăm ha bị nhiễm mặn phải bỏ hoang
Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Nguyễn Thị Tươi, xã Tân Hải có 1,7 ha ruộng bị nhiễm mặn không trồng được lúa phải chuyển qua trồng bạch đàn, nhưng cây vừa lớn khỏi đầu người đã chết dần, chết mòn và chỉ còn biết đốn về làm củi.
Nay nguồn thu của gia đình chị phải ngóng cả vào đồng lương ít ỏi của 3 người con đi làm công nhân khu công nghiệp. Gần đó, đám bạch đàn của hộ bà Nguyễn Thị Na hay gia đình ông Lại Năng Lượng (trưởng thôn) cũng bị cháy trụi lá vì không chịu nổi nước mặn, họ đành để bỏ hoang nhiều năm qua...
Bất chấp pháp luật
Từ sau giải phóng, tuyến đê Chu Hải ngăn mặn chạy qua địa bàn xã Tân Hải đã được xây dựng, có chiều dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp với phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa), điểm cuối tiếp giáp với xã Tân Hòa (huyện Tân Thành). Con đê đã được lắp đặt 3 cống số 5, số 6 và số 7, ngoài việc bảo vệ triều cường điều tiết tiêu úng, đê còn có nhiệm vụ quan trọng khác là ngăn mặn, xả phèn cho hàng trăm ha đất nông nghiệp.
Theo tìm hiểu của PV, năm 1985 do mưa lớn kèm theo triều cường dâng cao đã làm một số đoạn đê bị vỡ, nước mặn tràn vào làm đất nông nghiệp của địa phương bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, sau đó ngành chức năng và địa phương đã gia cố đê, thau chua rửa mặn để nhân dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp.
Đối với cống số 5 của tuyến đê, trước đây được Trạm quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện Tân Thành hợp đồng với ông Nguyễn Hoàng Long trông coi vận hành điều tiết nước cho đồng ruộng. Nhiều người dân phản ánh, ông Long đã thường xuyên mở cống lấy nước mặn vào các vùng trũng ven đê để nuôi trồng thủy sản. Do việc mở cống vô tội vạ trong thời gian dài khiến cánh đồng quanh khu vực cống bị nhiễm mặn và hiện nay tình trạng này ngày càng lan rộng đến gần 300 ha.
Mặc dù nhiều lần người dân kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm. Quá bức xúc, một số người dân đã chủ động nhắc nhở và ngăn chặn hành vi xả nước mặn vào cánh đồng lúa, nhưng hậu quả anh Vũ Văn Thắng (một dân phòng của xã) đã bị ông Long hành hung chém vào đầu và tay khiến anh bị thương tật 22%. Hành vi này của ông Long đã bị TAND huyện Tân Thành tuyên phạt 2 năm tù giam về tội “cố ý gây thương tích”.
Đồng thời, hợp đồng trông coi, vận hành cống với ông Long cũng bị chính quyền chấm dứt để giao việc quản lý cống cho ông Nguyễn Tam Khôi, nhân viên Trạm quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện Tân Thành. Tuy nhiên, người dân cho rằng, ông Khôi chỉ được nhận nhiệm vụ trên danh nghĩa, còn thực chất việc vận hành cống có thể vẫn do gia đình ông Nguyễn Hoàng Long “làm chủ”!?.
Người dân phải đốn cừ, tràm chết về làm củi
Chính vì vậy, cánh đồng xã Tân Hải nhiều năm qua bị bỏ hoang không thể canh tác, gây thiệt hại lớn cho người dân ở đây.
Theo báo cáo của xã Tân Hải, đến nay có 13 hộ dân đã phải tận dụng những diện tích ruộng lúa phía gần đê bao để chuyển sang làm muối trên đất lúa với diện tích khoảng 20 ha. Tuy nhiên, việc các hộ dân buộc phải chuyển đổi phương kế sản xuất bất đắc dĩ này nhưng cuộc sống cũng khá bấp bênh. Hơn nữa, các hộ làm muối còn luôn sống trong thấp thỏm lo sợ bởi đến nay nhiều đoạn đê xung yếu đã xuống cấp trầm trọng. Có thể “cánh đồng muối” - sinh kế bất đắc dĩ của người dân sẽ mất trắng bất cứ lúc nào khi mùa mưa lũ tới.
Sẽ giải quyết dứt điểm
Ông Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch HND xã Tân Hải cũng xác nhận, trước đây khu vực này tỉnh đã quy hoạch để làm khu công nghiệp Long Hương, nhưng sau nhiều năm quy hoạch “treo” lại càng gây khó khăn cho người dân vì họ chẳng dám đầu tư sản xuất.
Còn về việc xả nước mặn vào để nuôi tôm, cá thì ai cũng thấy điều đó. Tuy nhiên, điều đáng nói là khu vực này không quy hoạch để nuôi trồng thủy sản, hơn nữa diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ chiếm một diện tích nhỏ ở gần đê (cống số 5) nhưng đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân trong xã vì hàng trăm ha đất nông nghiệp bị nhiễm mặn bỏ hoang.
Trao đổi với PV, ông Lê Tuấn Quốc, GĐ Sở NN-PTNT cho biết: “Đến nay tôi cũng chưa nhận được bất kỳ ý kiến thắc mắc nào từ phía người dân và chính quyền cơ sở phản ánh về việc này. Tuy nhiên, nếu bà con ở địa phương có bức xúc gì về vấn đề sản xuất thì cứ gửi đơn kiến nghị trực tiếp lên chính quyền huyện hoặc Sở NN-PTNT, tôi sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không thể để người dân chịu thiệt thòi mãi như vậy được”.
Đề cập đến những giải pháp trước mắt, ông Quốc cũng thẳn thắn cho hay, trước mắt sẽ cho xây dựng một trạm canh 24/24 tại khu vực cống điều tiết nước. Sắp tới Sở sẽ tiến hành làm việc với huyện Tân Thành, tiến hành khảo sát lại toàn bộ tuyến đê ở cánh đồng xã Tân Hải để xác định khu vực nào sẽ làm muối, hay khu vực nào nuôi thủy sản, khu vực nào có thể cải tạo lại để trồng trọt…, đồng thời, sẽ giúp người dân chuyển đổi hình thức sản xuất phù hợp.