Loay hoay tái canh cà phê
10:58 - 10/06/2015
Sau nhiều năm triển khai, đến nay công tác tái canh cây cà phê ở Kon Tum vẫn hết sức ì ạch. 
Anh Tứ đang loay hoay bên vườn cà phê đã già cỗi của mình

Trong khi đó, trên 2.500 ha cà phê cần tái canh của tỉnh đã ở tuổi "cụ".

Đăk Hà là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Kon Tum. Trong 5 năm tới, huyện này có 645 ha cà phê cần tái canh chủ yếu là của các Cty trực thuộc TCty Cà phê VN. Tuy nhiên đến nay các DN trên vẫn đang loay hoay với vấn đề này.
 

Cty TNHH MTV Cà phê 704 có 150 ha cà phê trên 30 năm tuổi, vẫn lúng túng khi triển khai. Ông Nguyễn Văn Bể, GĐ Cty thừa nhận: "Cty không biết triển khai ra sao vì 1 ha cà phê tái canh tốn 209 triệu đồng (giá này được xây dựng từ năm 2014). Tuy nhiên định mức cho vay, lãi suất vay, thời gian hoàn vốn từ các ngân hàng thì Cty vẫn còn mờ mịt lắm".
 

“Trong thời gian thực hiện tái canh chưa có nguồn thu, đề nghị Nhà nước xem xét miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích đang tái canh. Ngoài ra, cần phải xem lại cách tính đơn giá đầu tư mỗi ha là 209 triệu đồng", ông Bể đề nghị.

Anh Vũ Văn Tú, công nhân nhận khoán 0,9 ha cà phê của Cty 704 cũng lo lắng không kém khi vườn cà phê của gia đình đã già cỗi. Nếu tái canh, anh sẽ mất nguồn thu trong trong thời gian 5 năm.

“Hiện tôi vẫn đang nghe ngóng tình hình, Nhà nước cho vay bao nhiêu, thời gian và lãi suất vay thế nào”, anh Tú cho biết.
 

Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, ông Nguyễn Thành Trung cho biết: "Hiện vốn, kỹ thuật, giống trong quá trình triển khai vẫn chưa thống nhất nên mọi người còn băn khoăn. Nếu tái canh thì dân mất thu nhập".

Năm 2013, TGĐ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Kon Tum triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ cho vay tái canh cà phê. Tuy nhiên đến nay DN và nông dân vẫn chưa tiếp cận được chương trình này, chưa một đồng vốn nào của chương trình trên được giải ngân.
 

Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho biết: "Tỉnh chủ trương thống nhất ủng hộ việc tái canh cây cà phê. Hiện nay lúng túng là vấn đề vốn vay. Hộ nhận khoán muốn vay thì không biết vay ở đâu vì liên quan đến Cty. Cty thì bảo cái này của TCty. Còn TCty thì chưa có ý kiến".
 

Trong tháng 4/2015, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn gửi TCty Cà phê VN đề nghị xem xét, quan tâm tạo điều kiện để thực hiện việc tái canh cà phê. Tuy nhiên đến nay TCty vẫn chưa có phản hồi.

Được biết, UBND tỉnh Kon Tum đã giao Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chương trình tái canh cà phê. Tuy nhiên trong quá trình triển khai xuống hộ dân lại không đạt kết quả mong muốn.
 

Cụ thể, năm 2011- 2013, Sở đã tiếp nhận và phân bổ 580 kg hạt giống cà phê vối lai đa dòng và 10.000 cây giống do Hiệp hội Cà phê - ca cao VN hỗ trợ để cấp cho các hộ dân tái canh cây cà phê...

Nhưng nguồn giống gieo ươm đạt tỷ lệ sống chỉ hơn 15%, riêng huyện Kon Rẫy gieo ươm chết 100%. Bên cạnh đó, nguồn giống khi tiếp nhận hỗ trợ muộn với thời vụ trồng.
 

“Tái canh sẽ mất thời gian và thu nhập, trong khi tình hình kinh tế hiện rất khó khăn nên các DN cà phê chưa mạnh dạn làm, người dân cũng chưa có mấy mặn mà”, ông Trần Ngọc Ân, GĐ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Kon Tum, đơn vị chủ lực trong chương trình cho vay tái canh cây cà phê khẳng định.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định:“Vấn đề tái canh hay không thì xem xét về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nếu vườn cây còn hiệu quả, người dân chưa vội tái canh thì không bắt người ta tái canh vì đó là quyền của họ.
 

Việc tái canh phải làm theo lộ trình, từng bước, không làm ồ ạt, không phát động như phong trào vì còn liên quan đến vấn đề giống, phân bón, vốn… Phải làm đến đâu chắc đến đó bởi tiền của dân, tỉnh không thể muốn chỉ đạo kiểu nào thì chỉ đạo. Nhất thiết không nên tái canh bằng mọi giá”.
 

Ông Lê Đình Thưởng, Chủ tịch Công đoàn Cty 704 chia sẻ: "Sau tái canh, nếu khoán thu cà phê của hộ nhận khoán không khả thi, họ không đồng ý. Hiện khoán hơn 3 tấn/ha, nếu tái canh thu khoán qua cà phê, buộc DN phải tăng sản lượng thu lên 15 - 17 tấn/ha mới mong sớm hoàn vốn trả cho ngân hàng thì chắc chắn là sẽ làm khó cho dân".

Được biết từ năm 2014 - 2020, mỗi năm tỉnh Kon Tum sẽ tái canh từ 300 - 400 ha cà phê. Trong đó 2 năm 2014 - 2015 sẽ có hơn 750 ha được tái canh… Lộ trình là vậy nhưng thực tế việc tái canh cà phê trên vẫn triển khai chậm.
 

Đến nay, toàn tỉnh mới tái canh được gần 460 ha, trong đó diện tích tái canh theo quy trình của Bộ NN-PTNT áp dụng từ 2014 thì mới đạt 25/750 ha theo lộ trình, còn lại là dân... tự tái canh trên diện tích của mình.
 

Theo ông Trần Ngọc Ân thì: "Ngân hàng sẵn sàng cho vay nếu DN, người dân xây dựng phương án tái cơ cấu, được ngân hàng thẩm định và chấp thuận. Theo đó, ngân hàng sẽ cho vay tối đa 85% suất đầu tư. Sau khi vườn cây có thu hoạch sẽ thu hồi vốn dần (bắt đầu từ năm thứ 4).
 

Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn lãi suất hiện nay từ 2 - 2,5% (hiện 7% theo Nghị định 41). Thời hạn vay vốn phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không quá 7 năm (84 tháng)".
 

Trần Đăng Lâm/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo