|
Bãi cát trắng này từng là nơi nuôi, đánh bắt cá và canh tác lúa nước của dân lòng hồ Thủy điện Hòa Bình tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: K.T |
Bên đầu cầu Tạ Khoa thuộc xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên (Sơn La), chúng tôi gặp anh Lò Văn Tiến đang cởi trần, nheo mắt ngước nhìn dãy núi phía tây ngay trước nhà. Anh bảo: “Trên ấy nhà tôi mới gieo 40kg ngô giống và trồng hơn 3ha sắn. Dân ở đây chẳng ai có lúa ruộng, tất cả trông chờ vào cây trên nương thôi. Vài ngày nữa mà không có mưa thì coi như là năm nay lại đói, lại nợ tiền ngô giống, phân bón, nợ cả tiền công thuê người làm nữa…”.
Đến với nhiều địa phương khác ở Tây Bắc trong những ngày này, mới thấy cái đói, mất mùa đang đe dọa người dân là khó tránh khỏi bởi nắng hạn nứt nẻ ngay cả những chân ruộng vùng thấp chứ chẳng riêng gì vùng cao. Anh Hà Văn Ngân - cán bộ Hội Nông dân huyện Phù Yên (Sơn La) chia sẻ: “Đến ngay như thị trấn, thị xã, đóng cửa ngồi trong nhà còn thấy chết ngốt, nói gì cái cây non hay hạt giống mới gieo trên nương, trên đồi. Chả phải là nương nhà mình cũng thấy xót cả ruột”.
Tại bản Vạn, xã Tân Phòng, huyện Phù Yên, chúng tôi bắt gặp những gương mặt phờ phạc vì nắng nóng đang ngồi tư lự bên những lều quán ở cửa bến phà hay dưới những tán cây. Ông Lò Văn Tăng cho biết: Dân lòng hồ thì sống bằng 2 nguồn thu chính là canh tác trên đất một vụ của bãi bồi và nuôi cá lồng. Bãi bồi thì năm nay nắng hạn, không thể trồng được cái gì. Còn cá lồng thì năm nay nước xuống liên tục, còn rất thấp nên cứ phải chia nhau canh mực nước. Cả chục ngày nay chúng tôi mất ngủ vì phải canh lồng cá, nếu thấy hạ thấp hơn thì phải di chuyển lồng. Nay nước xuống thấp quá rồi, lại sinh ra đục. Nếu không có mưa sớm và nhiều thì lại phải bán cá non, giá rẻ lắm.