Rừng Bình Thuận bị phá trắng: Có dấu hiệu bao che?
07:02 - 23/06/2015
Liên quan đến vụ phá rừng Nà Dệt, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, mới đây, Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận đã có kết quả xác minh, kiểm tra số lượng cây bị khai thác. Tuy nhiên, theo một số người dân tại khu vực, số lượng gỗ bị lấy đi lớn hơn nhiều so với báo cáo.
Rừng ở Bình Thuận ngày càng "kiệt sức"

Xác minh, kiểm tra cho... có?

Theo nội dung kết luận: Qua kiểm tra thực địa, khoanh bao 4 khu vực tập trung nhiều cây rừng bị khai thác theo chỉ dẫn của một số người tố cáo, gồm khu Nà Dệt (khoảng 6ha), khu đồi Vĩ Sắt (khoảng 6,5ha), khu Giếng Cọp (khoảng 2ha), khu Tà Nớ (khoảng 23,5ha), sau khi đo đếm và áp dụng các biện pháp lâm sinh tính toán kết quả thiệt hại thấy tổng số cây được kiểm tra có đường kính D1,3 > 12cm là 1.018 cây, rải rác trên diện tích khoảng 38ha gồm 4 khu vực. Trong đó, khu Nà Dệt (tiểu khu 284), số gốc bị khai thác là 613; khu Đồi Vĩ Sắt (tiểu khu 284) 193 gốc; khu Giếng Cọp (tiểu khu 279) 48 gốc; khu Tà Nớ (khu Tà Nớ) 164 gốc, tất cả các cây bị khai thác đều sử dụng phương tiện cưa máy.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Bình Thuận, thời điểm khai thác rừng trái phép từ cuối năm 2012 đến khoảng tháng 5/2014, đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (do đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam trực tiếp quản lý) làm thiệt hại 151,795m3 rừng (trong đó khu Nà Dệt 102,777m3; khu đồi Vĩ Sắt 25,497m3; khu Giếng Cọp 4,838m3; khu Tà Nớ 18,683 m3).

Ngoài số cây gỗ trên trong khu vực này còn có cây gỗ nhỏ đường kính từ 6 - 12cm nhưng tổ xác minh chưa kiểm tra, thống kê do đang là mùa mưa, cây cỏ và cây bụi mọc khá cao nên khó khăn trong việc kiểm tra, đo đếm.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Nông nghiệp và PTNT không có chủ trương hay cấp giấy phép nào cho khai thác, cưa hạ cây rừng tự nhiên, không có chủ trương cho phép san ủi, xử lý thực bì trên diện tích đất còn cây rừng tự nhiên để thực hiện trồng rừng, sản xuất kinh doanh; số cây bị cưa hạ, kiểm tra thống kê không có dấu hiệu, số hiệu kiểm tra xử lý trước đó. Vì vậy, toàn bộ số gốc cây rừng tự nhiên bị khai thác kiểm tra, thống kê trên là khai thác trái phép.

Từ kết quả kiểm tra này, dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, mà cụ thể là Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam ở đâu khi số lượng cây rừng bị khai khác rất nhiều, kéo dài qua nhiều năm mà không hề biết?

Đâu là sự thật?

Bức xúc về kết quả thẩm tra, xác minh về diện tích rừng và số lượng cây bị lâm tặc chặt phá, hàng chục người dân đã có đơn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xác minh, đồng thời chính tay người dân lên tận rừng kiểm tra số lượng cây đã bị khai thác.

Ông P., một người dân ở xã Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam bức xúc: “Tất cả số liệu kiểm tra, xác minh về số lượng cây rừng, diện tích rừng bị khai thác là hoàn toàn không đúng. Loại gỗ bị lâm tặc khai thác tại khu Nà Dệt, Vĩ Sắt đa số có đường kính 15cm chứ không phải đường kính D1.3 >= 12cm như nội dung báo cáo. Về diện tích bị khai thác, tại khu Giếng Cọp thực tế trên 10ha (trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ 2ha), số cây bị phá gấp 10 lần con số 164 gốc; tại khu Tà Nớ, diện tích thực địa là 60ha, số gốc bị chặt phá cao hơn gấp nhiều lần số liệu báo cáo.

Chính quyền còn mập mờ trong khâu kiểm tra phá rừng.

Chính vì mập mờ từ khâu xử lý, kiểm tra diện tích rừng cũng như số liệu cây bị chặt hạ, nhiều người dân đặt câu hỏi, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Bình Thuận lấy con số 151,795m3 gỗ chặt phá từ đâu? Bởi, số liệu nêu trên chỉ bằng 1/10 số lượng gỗ bị lâm tặc chặt phá.

Cũng theo người dân, rừng tự nhiên tại khu vực xã Hàm Cần và Hàm Thạnh bị tàn phá với hình thức khai thác trắng trợn chứ không khai thác kiểu rải rác. Nhưng cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Có hay không sự bao che, dung túng cho sai phạm?

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo