Khó nhân rộng mô hình sản xuất rau hữu cơ
14:48 - 28/07/2015
(TNNN)- Rau hữu cơ (organic) là rau được sản xuất dựa theo nguyên tắc: Tạo môi trường cân bằng sinh thái cho đất, bổ sung thường xuyên vi sinh có lợi cho đất và cây trồng, ủ phân bằng vi sinh và nấm đối kháng tiêu diệt mầm bệnh, được đánh giá là sản phẩm sạch và an toàn tuyệt đối cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. 
Ảnh minh họa

Sản xuất rau hữu cơ cần nhiều sức lao động, phức tạp và kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường như: phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gien, không chất bảo quản). Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây rau chỉ được bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ mục. Nếu có sâu bệnh, người trồng rau chỉ dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng đem giã và trộn với rượu rồi phun cho cây. Do vậy, rau hữu cơ không chỉ giúp cải thiện sức khỏe con người mà sẽ góp phần cải tạo môi trường trong lành.
 
Các sản phẩm của quá trình canh tác hữu cơ do không sử dụng thuốc hóa học nên hình thức không bắt mắt, khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong khi rau hữu cơ hiện có giá bán cao hơn rau theo tiêu chuẩn GAP khoảng 2 lần. Với thực tế như vậy nên đầu ra vẫn còn gian nan.
 
Ngoài ra, rau GAP hiện đã có các chứng nhận như VietGAP, còn rau hữu cơ vẫn chỉ có chứng nhận “Sản xuất theo hướng hữu cơ” chứ chưa phải là “Sản xuất hữu cơ”. Đến nay ở Việt Nam chưa có cơ quan nào hướng dẫn và chứng nhận hữu cơ cho nông dân. Với rau củ quả, để có được chứng nhận từ các tổ chức uy tín trên thế giới phải tốn khá nhiều chi phí và mất ít nhất khoảng hai năm.
 
Về phía các doanh nghiệp, đón đầu xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch, an toàn, nhiều công ty đã đầu tư trồng rau hữu cơ. Tuy nhiên, cái khó của kinh doanh rau organic là quy trình và kỹ thuật trồng rất nghiêm ngặt như: hệ thống trang trại nhà kính, cánh đồng mở quy mô công nghiệp với chi phí khoảng 60 triệu đồng/một sào nhà lưới và phải nằm trong những vùng quy hoạch sản xuất biệt lập; đất trồng phải giàu dinh dưỡng và chất khoáng phù hợp trồng rau chất lượng cao; nguồn nước tưới là nước ngầm độ sâu từ trên 40m, phải được kiểm nghiệm về độ sạch và an toàn…
 
Ngoài ra, để đưa sản phẩm ra thị trường, làm cho khách hàng tin và chấp nhận còn khó hơn. Việc bảo quản, trưng bày rau sạch đòi hỏi quy chuẩn khác biệt so với cửa hàng rau bình thường nên việc đầu tư và quản lý cũng cao hơn và đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn.
 
Về phía bà con nông dân, tại Hà Nội, Sóc Sơn là huyện đầu tiên thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ tại Hà Nội. Mô hình bắt đầu từ năm 2008, với sự phối hợp hỗ trợ của Hội Nông dân Việt Nam và tổ chức ADDA Đan Mạch tại Việt Nam. Hiện toàn huyện Sóc Sơn có 13 nhóm, 2 liên nhóm, 2 HTX sản xuất rau hữu cơ với diện tích hơn 20ha tại 3 xã Thanh Xuân, Đông Xuân và Xuân Giang. Sản phẩm rau hữu cơ đa dạng với hơn 40 loại rau củ, quả các loại như rau cải, rau lang, mùng tơi, bí xanh, bí đỏ, dưa leo… Các nhóm sản xuất ký kết hợp đồng cung ứng rau hàng ngày cho các công ty và nhóm khách hàng tiêu thụ tại Hà Nội mỗi tháng từ 75 - 80 tấn. Dù luôn có giá cao hơn rau an toàn khoảng 10 - 20% nhưng sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn luôn hết hàng; sản lượng rau mới chỉ đủ để cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng cao cấp, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội và tại một số điểm chuyên bán rau hữu cơ chứ chưa đủ để bán rộng rãi…
 
Mặc dù có nhiều ưu việt so với các sản phẩm khác và thị trường tiêu thụ rất khả quan nhưng chính vì những tiêu chuẩn rất khắt khe nên không phải ai cũng làm được, bởi yêu cầu sự đầu tư cao và người trồng phải có kiến thức chuyên ngành dẫn đến việc trồng rau hữu cơ khó nhân rộng. Tuy là khó vậy, thế nhưng khi đã thành công thì mô hình rau hữu cơ lại có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Đây thực sự là mô hình phát triển bền vững, nâng cao giá trị đất và tạo việc làm cho người lao động cũng như thu nhập cho nhà đầu tư.

Phú Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo