Lộn xộn quy hoạch nông thôn: Đẹp xấu mặc bay
15:21 - 16/07/2015
Giờ ở làng kẻ có đất mặt đường thì xẻ bán, đất trong làng thì chia cho cháu con theo một tính toán rất ngắn hạn, nhà này che ánh sáng, cửa sổ, thông gió, lối đi của nhà kia. Chuyện đó cũng là bình thường một khi lệ làng không đủ sức nặng, hương ước dần mất thiêng.
Một ngôi nhà đẹp ở làng Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định)

Chính vì sự dễ dãi trong quản lý khiến cho bộ mặt nông thôn càng có tiền càng trở lên nhôm nhoam, lộn xộn.
 

Những làng quê biến mất

Năm 1993, ông Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới bây giờ, dẫn một đoàn chuyên gia Nhật Bản trong dự án “Quỹ nhà dân gian” đi thực địa vùng nông thôn Bắc Ninh, Hà Tây cũ. Người Nhật chốc chốc lại nắc nỏm: “Việt Nam còn giữ được nhiều di sản quý giá quá!”. Di sản đó là những căn nhà mái ngói truyền thống.
 

Họ thích thú lối kiến trúc mở của nhà Việt Nam bởi phù hợp và cân bằng với khí hậu nhiệt đới, nó khác hẳn lối kiến trúc đóng của những xứ sở lạnh. Đó là nhà ngoảnh mặt hướng nam đón gió mát, quay lưng hướng bắc tránh giá rét. Đó là những hàng hiên ngày ngồi hưởng gió, tối ngóng trăng thanh. Đó là những hàng rào bằng râm bụt, găng hay ô rô xanh mướt. Đó là những góc sân gạch đỏ có cây mít che bóng mát, có cây rơm làm nguồn nguyên liệu chất đốt. Đó là những cái ao để điều hòa không khí, thả cá kiếm ăn chơi…
 

Nhà Việt Nam truyền thống luôn luôn chủ động đón mời cả thiên nhiên vào, thông thoáng tối đa, chế ngự những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết chứ không phải là một cái hộp ngột ngạt để ở. Chỉ sau 5-6 năm quay lại các vùng này, mọi thứ đã biến mất. Có những ngôi làng đẹp đẽ như tranh từng nhiều đoàn làm phim tìm đến quay ngoại cảnh trở thành méo mó, dị hợm.
 

Lỗi do đâu? Đầu tiên phải kể đến chính sách đất đai sai lầm. Đáng khi các thế hệ nông dân phát triển phải có các khu đất giãn dân mới thì sẽ không gây áp lực lên khuôn viên ngôi nhà truyền thống.

Thứ hai là do nhận thức của người dân, họ rất thiếu thông tin nên kiến trúc ở đô thị được bê một cách cứng nhắc về nông thôn mà không quan tâm đến văn hóa, khí hậu, cảnh quan xung quanh. Mục đích khi xây nhà của họ là để phô diễn cái tôi của mình. Mươi năm trước có mốt nhà như cái bánh gato nghĩa là cái gì gắn được, đắp được lên là làm, càng nhiều chi tiết, hoa văn càng tốt. Sau mốt bánh gato lại có phong trào kiến trúc Pháp, rồi mái vòm Ả Rập, mái Thái… tràn lan.
 

Cuối cùng là chuyện quản lý. Nông thôn ở các nước muốn xây nhà bắt buộc phải có bản vẽ, phải được sự đồng ý của chính quyền cơ sở dựa trên mật độ xây dựng, tầng cao, lối kiến trúc còn Việt Nam thì vô tư. Chính vì sự dễ dãi này khiến cho bộ mặt nông thôn càng có tiền càng trở lên nhôm nhoam, lộn xộn.
 

Giờ ở làng kẻ có đất mặt đường thì xẻ bán, đất trong làng thì chia cho cháu con theo một tính toán rất ngắn hạn, nhà này che ánh sáng, cửa sổ, thông gió, lối đi của nhà kia. Chuyện đó cũng là bình thường một khi lệ làng không đủ sức nặng, hương ước dần mất thiêng.

Hiện trên 10.000 xã trong cả nước đã xong quy hoạch nông thôn mới nhưng đa phần là rập khuôn, không bản sắc, không có tính ngành nghề đặc thù, không có sự liên kết xã với huyện, với tỉnh. Đa số chỉ quy hoạch chi tiết ở trung tâm xã với các công trình như điện, đường, trường, trạm, trụ sở ủy ban, sân vận động… mà bỏ quên các làng xóm, khu dân cư.
 

Cách đây mấy năm Bộ Xây dựng từng giao cho Viện Kiến trúc quốc gia thiết kế tập nhà mẫu cho các vùng miền nông thôn trên cơ sở đánh giá hiện trạng các loại nhà ở với nhiều mức đầu tư, nhiều nhu cầu sử dụng nhưng tới giờ vẫn chưa xong. Đẹp hay không phải làm theo mẫu, điều đó ai cũng hiểu nhưng chưa có mẫu thì chỉ có con đường bắt chước nhau mà thôi.
 

Thiên đường có thật

Chẳng phải bởi xây dựng NTM mà Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) trở thành một thiên đường có thật mà hàng trăm năm trước, sự nhìn xa trông rộng của cha ông đi mở cõi đã kiến tạo ra nó.
 

Có lẽ đây là một trong những ngôi làng đẹp nhất đồng bằng Bắc bộ với quy hoạch tuyệt vời. Hải Đường có hình chữ nhật, dài 7,8km, rộng 1,5 km, có dòng sông Đối chạy giữa như sống lưng một con cá khổng lồ còn các xương sườn là những đường hoành cách nhau đúng 500m. Từ những đường hoành đó lại chia nhánh sang đường nhỏ hơn gọi là đường dong, cách nhau đúng 60m.

09-47-35_dsc_9820

Cảnh sắc làng Hải Đường

Những ngôi nhà ở Hải Đường hầu như chung một loại hình kiến trúc. Nhà được làm ở giữa đất chứ không lệch, xây theo hướng nam với bốn gian một u hay hai u dạng hình chữ L. Chỗ u đấy chính là một gian buồng được cơi rộng ra, tiện cho con cái lập vợ gả chồng ở trước khi ra riêng. Hầu hết tường có độ cao 3,5-4m, mái lợp bằng ngói. Nhà nào cũng có sân phơi thóc, có ao thả cá rộng khoảng 500-700m2, có vườn cau bao quanh.
 

Lý giải chuyện ao, người già bảo do vùng bãi mới nổi lên từ biển nên đất trũng, phải đào ao vượt đất để làm nhà. Ao nào cũng có ống thoát nước và lấy nước bằng những cây cau già khoét rỗng. Ao trở thành một cái máy điều hòa không khí tuyệt diệu và kho thực phẩm tươi không bao giờ cạn.
 

Lý giải chuyện mỗi nhà có dăm bảy chục gốc cau người già bảo dù đói nhưng vẫn trồng cho cảnh quan thêm tươi đẹp. Mùa hoa, những bông cau trải dưới sân nhà như một lớp cốm non, hương đưa ngát xóm. Giờ nhiều nhà thay thế cau bằng các trụ cây thanh long cũng rất xanh và độc đáo.Hàng rào của các ngôi nhà ở Hải Đường có thể bằng bằng cây hay bằng vật liệu vững chắc nhưng không bao giờ dạng kín cổng, cao tường cắm thủy tinh hay kẽm gai lên trên mà nó rất thấp, rất thoáng xinh xắn, hài hòa.
 

Sống gần gũi, cởi mở với thiên nhiên, người Hải Đường rất yêu hoa. Hoa mướp vàng bờ ao, hoa giấy đỏ rực góc rào, hoa thanh long trắng trong ven tường, hoa cau ngà ngà treo lưng chừng trời, hoa mười giờ, hoa dại rực rỡ ven bờ lúa…

Ngồi trong nhà ông Trần Văn Dự, Bí thư xóm 9, những ngày nóng 38-40 độ vẫn dễ chịu dù chỉ có mỗi cái quạt trần phe phẩy. Nếu chán ngồi nhà có thể mắc một chiếc võng dưới gốc cây mà đưa. Chán đưa võng lôi ra một cái chõng gọi vài người hàng xóm đến uống ấm nước nụ vối mới hái ở góc vườn. Thong thả, nhấp một ngụm vối, khà một chén trà, chuyện thế sự cứ thế mà rôm rả.
 

09-47-35_dsc_9827

Tường rào ở Hải Đường

Xóm 9 có 160 nóc nhà trong đó 110 nhà ngói, 2 nhà hai tầng, còn lại là mái bằng nhưng dù kiểu nhà nào thì công to, việc lớn trong làng ai cũng đến giúp, một gia đình hoạn nạn ai cũng xớt chia.

Nhà ông Nguyễn Văn Phôn thuộc loại năm gian, hai u lợp ngói, tường gạch được xây năm 1987 mà giờ vẫn còn rất đẹp và chắc chắn. Nó thay thế cho ngôi nhà gỗ bốn hàng cột, bảy tiền, bảy hậu mái rạ, tường đất của miền Bắc những năm 60 thế kỷ trước, đã xuống cấp.
 

Ba chục năm gắn bó với nghề thợ mộc, bàn tay ông Phôn giúp thôn xóm dựng lên biết bao ngôi nhà truyền thống rồi dựng chính ngôi nhà cho riêng mình. Ngôi nhà vững chắc, thoáng mát với chín cửa chính, tám cửa sổ. Vườn cây, ao cá trước mặt, mươi chậu cảnh nơi góc sân, cuộc sống giản dị mà chan chứa niềm vui. Ngôi nhà lắng nghe những đứa con ông khóc khi chào đời, cười khi đón quà từ tay mẹ và rôm rả lúc chúng cưới vợ, gả chồng.

09-47-35_dsc_9835

Niềm vui với cây cối

Hễ đi đâu lên phố dù đám con cháu đãi đủ thứ cao lương mỹ vị ở những nhà hàng có điều hòa, có người bưng khăn mặt lạnh ông cũng nhanh nhanh, chóng chóng thoát khỏi nơi “chẳng khác gì ở tù” để về với dăm gian nhà ngói.
 

Quê ông giờ không phải gia đình nào cũng có đất rộng để làm một căn nhà mái ngói hướng nam. Một số đã làm nhà mái bằng, nhà hai tầng nhưng cũng vuông vắn chứ không chấp nhận kiểu nhà phố, nhà lô.

Dương Đình Tường/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo