Sau khi có được đầy đủ thông tin, hình ảnh về tình trạng dự trữ, buôn bán, vận chuyển gỗ trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), chúng tôi đến gõ cửa các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
|
Gỗ được giấu kín trong nhà dân, cán bộ kiểm lâm cho rằng, gỗ đó chủ yếu để làm nhà, không vận chuyển, mua bán |
Né tránh trách nhiệm
Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, ông Đặng Văn Cận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, cho biết: “Tình trạng phá rừng trên địa bàn vẫn xảy ra liên tục, năm vừa qua có 24 vụ lớn nhỏ, cơ quan chức năng thu được hơn 20m3 gỗ các loại, chủ yếu là gỗ nghiến, thông đỏ, cây mạ vác (tiếng địa phương). Tiền phạt thu về nộp ngân sách nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng”.
Ông Cận chia sẻ thêm: “Năm 2013 khởi tố 2 vụ, đưa ra xét xử một vụ, vụ còn lại có tính chất phức tạp nên đã chuyển lên cơ quan điều tra. Trong đó, vụ vận chuyển gỗ lớn nhất thu giữ được hơn 6m3 gỗ nên Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định tịch thu”.
Tháng 7/2012 có bắt 1 vụ tại xã Vĩnh Phong gồm 4 cây gỗ nghiến (chặt được 3 cây, còn 1 cây chưa chặt xong), đã lập hồ sơ đưa ra tòa xét xử nhưng được hưởng án treo. Các đối tượng bị xử lý đa số là người dân ở địa phương”.
Được biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện Bảo Lâm, các đối tượng phá rừng và buôn bán gỗ hoạt động rất tinh vi, vận chuyển bằng ô tô dễ bị lộ nên chúng thường vận chuyển bằng xe máy và có “chim lợn” tiền trạm trước khi xuất phát.
“Nhiều lần phát hiện xe chở gỗ tại các xã, đường lại khó đi, tôi đã đề nghị Chủ tịch UBND xã cử người ra hỗ trợ nhưng không được chấp thuận. Cấp xã thực hiện nhiệm vụ chưa đạt, có lần tại xã Vĩnh Phong, chúng tôi nhận được tin báo có xe vận chuyển 20 khúc gỗ thông trắng, gọi cho Chủ tịch UBND huyện, Công an huyện cử người ra hỗ trợ nhưng không ai ra”, ông Cận nói.
Khi được hỏi về tình trạng tích lũy gỗ trong nhà của người dân, ông Cận khẳng định là có, ông giải thích gỗ đó người dân khai thác từ lâu, không phải gỗ buôn bán mà chủ yếu họ dùng để làm nhà. Nếu có bán thì họ chỉ bán cho anh em họ hàng hoặc người trong xã.
Không xử lý vì…tế nhị
“Về nguồn tin quần chúng báo có một số thông tin chính xác, có thông tin không chính xác. Khi có cuộc gọi báo, tôi cử người đi kiểm tra luôn và hầu như họ nói dối, thực ra là họ muốn làm khổ mình. Chúng tôi có gọi lại thì không thể liên lạc được, họ lấy sim rác gọi cho chúng tôi”, ông Cận than thở.
Khi chúng tôi hỏi về thông tin vào tối ngày 31/5/2015, có một cuộc gọi thông báo có xe ô tô đang bốc gỗ tại đầu thị trấn nhưng không thấy lực lượng kiểm lâm đến kiểm tra, xử lý, ông Cận cho biết: “Tôi có nhận được cuộc gọi báo là có xe ô tô đang bốc gỗ và cho anh em đi kiểm tra nhưng không thấy gì”.
Điều đáng nói là, khi thông báo có xe đang bốc gỗ, đề nghị ông Cận cử người ra xử lý, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì không có bóng dáng kiểm lâm nào ra kiểm tra nhưng ông Cận lại khẳng định là có.
Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy có kiểm tra thì phát hiện được gì, nếu có gỗ thì xử lý như thế nào?” thì ông Cận hạ giọng: “Anh em báo lại là có xe gỗ của Phó công an huyện Bảo Lâm tên Đ. và ông M. làm việc ở UBND huyện xin mang về làm nhà. Đó là điều tế nhị, chúng tôi không xử lý được”.
“Ở miền núi, cán bộ công chức lấy gỗ làm nhà không cần giấy tờ. Có nhiều lần cấp trên, các anh cán bộ huyện, công an lấy gỗ bảo ông cho qua nhưng nhất thiết tôi không nghe, nếu nghe thì chỉ nghe cấp trên của tôi thôi, nhưng vận chuyển vào tối ngày 31/5, tôi nghe là có điều “tế nhị””, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm khẳng định lại.
Chúng tôi hỏi tiếp: Vậy tại sao khi có người thông báo lại không ra xử lý và sau 30 phút khi xe bốc gỗ xong lại rất hiên ngang đi bình thường qua Hạt Kiểm lâm? Ông Cận than rằng: “Vào thứ 7, chủ nhật chỉ có 1 - 2 người trực, lực lượng không đủ, cả hạt mới chỉ có 16 người. Nhưng xe của đơn vị không cho một đồng sửa chữa và không cho một giọt xăng nào nên việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Chúng tôi chưa thấy ai là cán bộ làm đơn lấy gỗ làm nhà, chỉ có một số hộ nghèo không có tiền mua gạch, xi măng về làm nhà họ mới làm đơn. Việc dẫn đến phá rừng, vận chuyển, buôn bán là do phối hợp giữa kiểm lâm và xã chưa tốt”.