Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu. Tuy vậy, nhiều hộ dân vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn để sinh hoạt.
|
Nhiều hộ dân ở xã Lịch Hội Thượng chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng |
Những năm qua tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm đầu tư đưa nước sạch về nông thôn, tuy nhiên ở nhiều địa phương vấn đề này vẫn còn rất nan giải.
Ngay tại xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) - xã điểm NTM của tỉnh Sóc Trăng, người dân vẫn đang phải dùng nước chưa hợp vệ sinh.
Ghé qua khu Bằng Lăng thuộc ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, chúng tôi mới cảm được cái khổ của bà con, khi ngày ngày họ phải mang can đi mua nước dùng trong sinh hoạt.
Bà Lâm Thị Phê tâm sự: "Người dân chúng tôi ở đây khổ lắm. Nguồn nước bị nhiễm mặn nặng nên khó khăn trong sinh hoạt.
Để có nước ăn uống phải đi mua, nên mỗi khi có dịp đi ra ngoài là chúng tôi đều mang theo thùng để mua nước, rất bất tiện, lại tốn thời gian nữa".
Tiếp lời mẹ, chị Phượng chỉ tay ra cái giếng tự đào sau nhà và cho hay, nước mua về chỉ để nấu ăn, còn tất cả các sinh hoạt khác đều sử dụng nước giếng.
Chị Phượng dẫn chúng tôi đến chỗ giếng nước chỉ cho xem nguồn nước vàng khè mà chị và nhiều hộ dân ở đây đã dùng bao lâu nay.
Vừa múc nước từ trong bể ra, chị Phượng vừa lắc đầu ngán ngẩm: “Nước vàng khè, lại có mùi tanh, vậy mà chúng tôi phải sử dụng hằng ngày đó”.
Chỉ vào những vật dụng bị nhuộm màu vàng, chị Phượng cho hay, hầu hết các vật dụng tại nhà từ tường cho đến nền xi măng gần chỗ giặt rửa, đều phủ một màu vàng ố do phèn, dù được chị chà rửa thường xuyên.
Tham gia vào câu chuyện cùng chúng tôi, ông Lý Cương, hàng xóm với bà Phê, chia sẻ: "Tội cho mấy đứa cháu nhỏ, nhà đã nghèo, sắm được cái áo trắng đi học, nhưng được vài ba bữa, qua mấy lần giặt thì ngả sang màu cháo lòng”.
Để khắc phục tạm thời tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn ngày càng trầm trọng, nhiều hộ gia đình đầu tư đào giếng mới, thế nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Mỗi lần thuê người đào giếng mất bạc triệu, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.
Việc thiếu nước sạch sử dụng ở địa phương cần được các cấp giải quyết. Bởi đó không chỉ là một tiêu chí trong bộ tiêu chí xã NTM, mà còn là vấn đề an sinh xã hội cho người dân. |
Rời khỏi khu Bằng Lăng, chúng tôi tìm đến những hộ dân ở xóm Điền, cũng thuộc ấp Nam Chánh. Nơi đây người dân cũng đang đối mặt với những khó khăn như đã nêu trên, thậm chí mức độ còn trầm trọng hơn.
Kéo thùng nước từ giếng lên, ông Nguyễn Xuân Nghị bảo chúng tôi nếm thử rồi nói: “Đó, nước mặn chát như muối thì làm ăn gì được. Nước nhiễm mặn nên mọi người sử dụng cũng dè chừng.
Ở đây, giặt giũ, tắm rửa, tưới tiêu vườn tược, người ta mới dùng nước giếng, còn nấu ăn hay nước uống thì mua về dùng”.
Theo ông Nghị, vì ở xa, khó vận chuyển nên bà con nơi đây phải mua nước với giá rất cao, 200.000 đồng/1m3 dùng để nấu ăn, tráng mình sau khi tắm. Còn riêng nước uống thì mua các loại nước đóng bình với giá 10.000 đồng/bình.
Ông Dương Thanh Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Lịch Hội Thượng, thừa nhận, ấp Nam Chánh có nhiều hộ dân đang sử dụng nước nhiễm phèn, mặn từ các giếng đào, thực trạng này ở xã đã kéo dài hàng chục năm nay.
“Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh và UBND huyện đã và đang tiến hành mở mạng kéo đường ống từ trạm cấp nước ở Mỏ Ó cho hai khu Bằng Lăng và Chòm Gòn. Chính quyền đang tận dụng mọi điều kiện để mang nước sạch đến cho người dân”, ông Tâm nói.
Được biết, toàn xã Lịch Hội Thượng hiện có hơn 1.600 hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có hơn 700 hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia, chiếm hơn 40%. Tuy vậy, ở Lịch Hội Thượng vẫn còn rất nhiều hộ đang sử dụng nguồn nước chưa hợp vệ sinh.