Thử chữ bột củ mì: Sao lại khống chế mức 30%?
10:23 - 14/08/2015
Trong khi cây mía đưa vào nhà máy thử chữ đường để tính tiền không giới hạn là bao nhiêu chữ, còn củ mì đem bán cho nhà máy đem thử chữ bột lại bị khống chế mức 30% trở xuống.
Nhân viên của nhà máy chế biến mì ở TP Tây Ninh đang thử hàm lượng tinh bột (chữ bột) trong củ mì

Vì vậy nên thực tế chữ bột có cao hơn thì phần tiền đó người nông dân cũng không được hưởng.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, cho biết, diện tích trồng mì toàn xã là 1.656 ha, trong đó 6 tháng đầu năm nay tăng 100 ha, diện tích trồng tập trung ở hai khu vực ấp Đông Hà và Đông Tiến, năng suất bình quân 35 tấn/ha.

Một số giống khoai mì trồng ở khu vực này rất tốt do đất triền cao, không ngập nước nên củ mì thường cho hàm lượng chữ bột (tinh bột) có khi đạt khoảng 32%.

“Tuy nhiên lúc chở bán cho các cơ sở chế biến bột mì trong tỉnh thì họ “đánh” cao lắm có 30 chữ bột thôi” - ông Lợi nói.

Chung ý kiến với ông Lợi là ông Nguyễn Hồng Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Ông Dũng cho biết, nông dân tập trung trồng nhiều các giống mì siêu cao sản, siêu bột ở các khu vực xung quanh núi Bà Đen và trên triền đất ít ngập nước trong hồ Dầu Tiếng nên không chỉ cho năng suất cao mà còn cho hàm lượng tinh bột cao.

“Vì vậy, thời gian qua có khá nhiều bà con phản ánh cách tính điểm, tính chữ bột của các nhà máy theo kiểu áp đặt, máy móc, gây bất lợi cho người trồng mì, toàn là 30% chữ bột trở xuống.

Nhưng phía Hội có phản ảnh lên nhà máy thì họ cũng trả lời chung chung, không thuyết phục”. 

Ông Trần Sơn, ấp Đông Hà, xã Tân Đông vừa thu hoạch 2 ha mì trồng trên ruộng 1 lúa vụ bức xúc nói: “Tháng 10/2014, tui mua giống mì cao sản KM419, còn gọi là giống mì siêu bột do trường Đại học Nông lâm TP.HCM tuyển chọn giới thiệu về trồng.

Mới đây, thu hoạch đạt năng suất 33 tấn/ha, đưa củ mì đến bán cho một nhà máy chế biến củ mì tươi tại địa phương, qua thử chữ bột nhiều lần, củ mì của tui gần như đều đạt 33% (còn gọi 33 điểm).

Thế nhưng, khi tính tiền thì chủ nhà máy chỉ tính khống chế mức cao nhất là 30 điểm với giá 2.280 đồng/kg củ mì tươi. Như vậy, mỗi ký củ mì tươi tui mất oan 240 đồng, nếu tính 100 tấn củ, có phải tui đã mất trắng 24 triệu đồng không?”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT Tây Ninh) cho biết, việc quy định hàm lượng chữ bột trong củ mì là do Cục QLCLNLS- TS, còn cấp tỉnh thì không có văn bản nào quy định về vấn đề này.

Vẫn theo ông Sơn, khi ông nêu thắc mắc thì anh Q, chủ nhà máy còn khá trẻ trả lời rằng, từ trước tới nay tất cả các nhà máy chế biến mì đều thu mua củ mì tươi với mức cao nhất là 30 điểm, chưa có tiền lệ trả tiền ở mức cao hơn 30 điểm.

“Nếu chú (ông Sơn) thấy chỗ nào tính điểm cao hơn ở đây thì chú đến đó mà bán, ở đây tụi cháu không ép ai cả” - ông Sơn thuật lại.

Bà Thanh, xã Tân Bình, huyện Tân Châu, một thương lái chuyên mua mì đám hoặc mì non (chưa đến tuổi thu hoạch) của nông dân, sau đó đầu tư chăm sóc thêm một thời gian, thu hoạch đem bán cho các nhà máy chế biến mì để kiếm lời.

Qua kinh nghiệm vừa trồng mì, vừa làm “lái” nhiều năm, bà Thanh thừa nhận hiện ở vùng Đông Nam bộ có một số giống mì thuộc dòng KM, HL, SM nếu được trồng đúng quy cách, đủ thời gian sinh trưởng, đầu tư chăm sóc đầy đủ có thể cho chữ bột lên đến 33% mà các đơn vị lai tạo bình tuyển giống còn gọi đó là “siêu bột”. Thế nhưng, các nhà máy cũng chỉ tính chữ bột đúng 30%.

Không chỉ vậy, hầu hết các loại giống mì đem bán nhà máy tính chữ bột chỉ đạt khoảng 19-20 điểm. Tùy theo nhà máy thu mua mà mức trừ phần trăm tạp chất có khác nhau. Nhưng thường có một mức chung như sau: trên 25 điểm trừ 8%; từ 20 đến 25 điểm trừ 10%; dưới 20 điểm trừ trên 10%.

“Còn gặp trường hợp củ mì non bị ngập úng hay để quá lứa mất bột thì nhà máy nào cũng tìm đủ cách trừ tiền, đánh chữ bột tụt xuống dưới 20%.

Thua thiệt nhất là mấy người làm nghề mót mì (củ mì còn sót lại sau thu hoạch), khi đem bán cho nhà máy, nếu họ biết là củ mì mót thì chắc chắn chữ bột cao lắm cũng có 20%” - bà Thanh nói.

Đ.QUYÊN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo