Khốn khổ vì cảng cá bồi lắng
11:07 - 10/08/2015
Tàu, thuyền muốn ra vào cảng phải “ngóng” từng giờ thủy triều lên, thậm chí không ít tàu thuyền mắc cạn vỡ cả mạn tàu, hư hỏng chân vịt… 
Ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành tàu thuyền ra vào cảng cá

Đó là thực trạng đang khiến ngư dân ra vào cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) khốn đốn.

Cảng cá Hòa Lộc được đầu tư xây dựng năm 2007, với tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng và đưa vào khai thác từ tháng 1/2013. Sau khi đi vào hoạt động, đã thu hút lượng lớn tàu thuyền của các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và một số tỉnh khác như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…, vào neo đậu trao đổi hàng hóa, đồng thời là nơi tránh trú bão.

Tuy nhiên, từ năm 2014, cửa lạch Trường dẫn vào cảng bắt đầu xuất hiện tình trạng bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân.

Ông Trần Văn Minh, thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, ngoại trừ mùa biển động, bão lũ, ngư dân không ra khơi, còn lại ngày nào cảng Hòa Lộc cũng có hàng trăm chiếc tàu thuyền công suất từ 200 - 400 CV chờ thủy triều lên để cập cảng, trao đổi hàng hóa.

Cá biệt, có những con tàu lớn hơn phải mất hàng tháng trời chờ đợi mới có thể cập cảng. Khi vào được không ít tàu mắc cạn hỏng cả chân vịt, chủ tàu phải bỏ cả chục triệu đồng thuê người đào cát cứu tàu.

“Từ khi cửa lạch xuất hiện tình trạng bồi lắng, chúng tôi khổ lắm. Việc ra khơi, cập bến không chủ động được thời gian. Không ít lần tàu của gia đình tôi đánh bắt xong đưa thủy sản về buổi sáng nhưng phải đợi đến tối, thậm chí đợi vài ngày thủy triều lên thì mới cho tàu vào được. Những lúc đó cá, tôm, cua đánh bắt được phải ướp đông lạnh bán mất giá rất nhiều”, ông Minh nói.

Ngư dân Bùi Văn Dũng, xã Hòa Lộc cho hay: “Từ đầu năm đến nay đã có 5 chiếc tàu bị hư hỏng do bồi lắng cửa lạch. Trong đó có một chiếc tàu bị vỡ, hư hỏng hoàn toàn”. Do lo sợ mỗi khi vào cảng, dẫn tới một số nhà máy chế biến tinh bột cá trên địa bàn bị thiếu nguyên liệu, nhiều công nhân mất việc làm.

“Chúng tôi tha thiết mong muốn Nhà nước có phương án nạo vét cửa lạch để giải quyết tình trạng bồi lắng, tạo điều kiện giúp ngư dân ra vào cảng thuận lợi, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão sắp tới”, ông Minh kiến nghị.

Giám đốc BQL cảng cá Hòa Lộc Lê Văn Thăng cho biết, tình trạng bồi lắng cửa lạch Trường bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2014. Tuy nhiên, cho đến nay thì tình trạng này ngày càng nghiêm trọng, gây khó khăn rất lớn cho ngư dân ra vào cảng, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán và gây hỏng hóc nhiều phương tiện tàu thuyền.

“Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn thì tôi chắc rằng những loại tàu lớn đóng theo Nghị định 67 sẽ không thể vào được. Năm ngoái chúng tôi đã có tờ trình gửi lên UBND huyện Hậu Lộc đề nghị xin phương án nạo vét, huyện cũng đã đề nghị lên tỉnh nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa có phản hồi. Ngư dân ở đây kêu nhiều lắm nhưng chúng tôi cũng đành chịu”, ông Thăng lo lắng.

Nguyên nhân gây nên tình trạng bồi lắng cửa lạch Trường dẫn vào cảng Hòa Lộc, các ông Phó chủ tịch huyên Hậu Lộc - Lê Văn Thăng, Nguyễn Văn Long và nhiều ngư dân cho rằng: “Cửa sông lạch Trường bị các ông chủ đồng ngao lấn chiếm để dựng lều, cắm chà và thuê tàu công suất lớn bơm cát tạo thành những bãi nuôi ngao lớn nên mới dẫn tới tình trạng bồi lắng và thu hẹp”.

Cũng theo ông Long, mặc dù đã được quy hoạch nhưng độ sâu của cảng không đáp ứng được nhu cầu ra vào cảng của tàu thuyền, huyện Hậu Lộc đã nhiều lần đề xuất tỉnh việc nạo vét cảng cá Hòa Lộc nhưng đến nay chưa có kết quả.

“Hiện đang có dự án gần 1 nghìn tỷ đồng do Sở GT-VT làm chủ đầu tư, nạo vét toàn bộ tuyến đường thủy từ phía cầu Tào đến cửa lạch Trường, cảng cá Hòa Lộc cũng sẽ được nạo vét. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, nếu dự án có nạo vét qua thì hằng năm vẫn phải xin chủ trương của tỉnh để nạo vét cửa lạch Trường, chứ việc bồi lắng sẽ không chấm dứt được”, ông Long nói.

Trao đổi với PV, phía đơn vị đang triển khai dự án nạo vét đoạn từ cầu Tào đến cửa lạch Sung lại cho biết: Dự án trên sẽ không nạo vét trong khu vực cảng Hoà Lộc, mà chỉ thực hiện đúng khối lượng công việc và đảm bảo mục đích là khơi thông luồng lạch. Điều này đồng nghĩa với việc khi hoàn tất dự án thì tàu thuyền ra vào cảng cá Hòa Lộc vẫn gặp khó khăn.

THANH NGA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo