Ngành cà phê còn nhiều khó khăn
15:00 - 26/08/2015
(TNNN)- Cà phê là sản phẩm ưu thế của Việt Nam và là đặc sản của vùng Tây Nguyên. Thời gian qua, ngành cà phê đã có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta. Từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng năm của Việt Nam đều đạt trên 3 tỷ USD, có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê. 
Ảnh minh họa

Năm 2014, khối lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,73 triệu tấn với giá trị 3,62 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu gồm: EU 685 nghìn tấn, giá trị hơn 1,39 tỷ USD, chiếm 42,5% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước; Hoa Kỳ gần 154 nghìn tấn, giá trị 335 nghìn USD, chiếm 10%; tiếp theo là thị trường Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản…
 
Cà phê hiện là nguồn thu nhập chủ yếu của trên 500.000 hộ nông dân với hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có số lượng lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội địa phương vùng Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
 
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 788.000 tấn với kim ngạch 1,7 tỷ USD, giảm 30,5% về lượng và giảm 27% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Niên vụ 2014 - 2015 đã thu hoạch xong, năng suất giảm tới 20% so với niên vụ trước. Hiện, lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp và dân còn khoảng 300.000 tấn.
 
Trên 100.000ha cà phê già cỗi cần thay thế
 
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành cà phê Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để phát triển bền vững. Một trong những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết là phải tái canh hơn 100.000 ha có hiệu quả, đồng thời làm cho khu vực trồng khác phát triển bền vững hơn.
 
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tổng số 635.000 ha cà phê của cả nước thì hiện nay có khoảng 86.000 ha trên 20 năm tuổi; 140.000 ha từ 15 đến 20 năm tuổi. Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 đến 10 năm tới khoảng 140.000 đến 160.000 ha. Đắk Lắk được xem là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất nước với hơn 205.000 ha.
 
Tại các tỉnh Tây Nguyên, cà phê đang đứng trước những thách thức to lớn. Toàn vùng hiện có khoảng 20% với hơn 100.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi cần thay thế và khoảng 10% với 40.000 ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp.
 
Cái khó bức thiết nhất hiện nay của người nông dân là vấn đề trồng lại cà phê, đặc biệt là sâu bệnh. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cảnh báo: “Khi trồng lại thì nông dân phải đối diện với phá hại của tuyến trùng nó nằm sẵn trong đất. Vườn cà phê kinh doanh có tuyến trùng không ảnh hưởng nhưng khi nhổ cà phê lên trồng lại cà phê con, bộ rễ yếu thì tuyến trùng tập trung phá hại bộ rễ và 1 vài năm sau cây cà phê con chết. Đó là một trong những vấn đề nan giải cần tập trung giải quyết”.
 
Tính đến năm 2020, nhu cầu tái canh cà phê của các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước lên đến khoảng 200.000 ha. Hiện nay, tại Tây Nguyên chỉ có tỉnh Lâm Đồng là thực hiện khá hiệu quả chương trình tái canh và sản xuất cà phê bền vững với gần 26.000 ha. Các tỉnh còn lại thì việc trồng lại vẫn diễn ra chậm và kết quả không được như mong muốn.
 
Trong khi đó, vốn tái canh cho cây cà phê vẫn đang khan hiếm. Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trong gói 12.000 tỉ đồng hỗ trợ tái canh cà phê, thì hiện nay mới giải ngân chưa được 4%.
 
Sản lượng, chất lượng không ổn định
 
Chất lượng cà phê Việt Nam vẫn chưa thực sự ổn định. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng giảm sút như dinh dưỡng vườn cây, tuổi đời, dịch bệnh, cơ cấu giống, quá trình thu hái, bảo quản, chế biến.
 
Vấn đề về nước cũng là một yếu tố hạn chế đối với phát triển cà phê ở Tây Nguyên, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Năm nay, Việt Nam đang phải đối phó với tình trạng hạn hán gay gắt so với nhiều năm gần đây do diễn ra El Nino trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và nhiều nơi khác. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong niên vụ 2014-2015, ước chỉ có khoảng 60% diện tích trồng cà phê đủ nước tưới. Đối với niên vụ 2013-2014, do thời tiết thay đổi, mưa đến sớm khi thu hoạch và thời kỳ cà phê phát triển gặp hạn hán nên nhiều vùng không đủ nước tưới đã bị mất trắng. Số lượng cà phê già ngày một tăng, năng suất thấp. Cùng với đó, ngày công lao động và giá phân bón lên cao, người trồng cà phê giảm lượng phân chăm sóc, nên sản lượng không được như kỳ vọng.
 
Trong khi đó, ngành cà phê vẫn chưa xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hay các tổ chức nông dân, cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cà phê.
 
Mặt khác, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nguyên liệu thô đến 90%, 10% còn lại là chế biến sâu phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Điều đó dẫn đến giá trị gia tăng và những lợi ích từ sau khâu trồng trọt đem lại cho người trồng cà phê và nền kinh tế đất nước chưa tương xứng với vị thế của cây cà phê Việt Nam.
 
Tại Tây Nguyên, hiện có đến trên 90% nông hộ trồng cà phê có diện tích dưới 1 hoặc 2 héc ta, là một trong những khó khăn cho quá trình sản xuất cà phê theo các chứng chỉ bền vững. Các công ty nước ngoài thu mua cà phê Việt Nam ngày càng có những quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn và chất lượng, quan tâm nhiều hơn đến cà phê chế biến ướt, đánh bóng, không đen. Mặt khác, các nhà rang xay có xu hướng quan tâm hơn đến chỉ dẫn địa lý và cà phê có xuất xứ mang thương hiệu “Cà phê Ban Mê Thuột”.
 
Để thúc đẩy ngành cà phê phát triển, trong sản xuất, cần có những giải pháp khẩn cấp để tái canh vườn cà phê đã già cỗi, đồng thời phát triển theo hướng bền vững hơn, hiệu quả cao hơn. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để tái canh, thâm canh, sơ chế, phơi sấy và bảo quản cà phê, trong đó khuyến khích nông dân tưới tiết kiệm nước. Tăng cường liên kết giữa nông dân, cơ quan nghiên cứu khoa học, các tổ chức về chế biến và kinh doanh cà phê theo một chuỗi.
 
Trong chế biến, tiêu thụ, cần thúc đẩy phát triển chế biến sâu và khâu thương mại để nâng cao giá trị gia tăng, đem lại lợi ích lớn hơn cho người trồng cà phê cũng như các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh cà phê. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước, quốc tế và nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

Đỗ Tấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo