|
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, hiện ngành đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới suy giảm đã làm nhu cầu cao su giảm mạnh. Hiện nhu cầu cao su bắt đầu tăng trở lại nhưng mức tăng chậm, trong khi đó, sản lượng rất khó giảm do nguồn cung dồi dào. Theo dự báo, áp lực tồn kho cao và kéo dài sẽ khiến giá cao su duy trì ở mức thấp trong nhiều năm tới.
Ngay tại trong nước, hiện diện tích cao su cả nước đã có hơn 955 nghìn ha, trong đó diện tích cho mủ là gần 550 nghìn ha, trong khi quy hoạch phát triển ngành cao su đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2002 là 800 nghìn ha. Như vậy diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch hơn 155 nghìn ha, dẫn đến tồn kho cao khiến cho giá giảm.
Việc giảm giá xuất khẩu kéo dài từ năm 2014 đến nay. Cụ thể, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cao su, thu về 1,8 tỷ USD. Về số lượng tương đương với năm 2013, nhưng về giá trị, giảm đến trên 27%. Giá trị giảm vì giá xuất khẩu giảm, chỉ còn khoảng trên dưới 2.000 USD/tấn, thấp nhất trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2014).
Các thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam bao gồm Hàn Quốc (chiếm 21,9%), Nhật Bản (16,4%) và Campuchia (10,6%). Đặc biệt, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất với 60% lượng cao su Việt Nam trong nhiều năm qua, năm 2014 lại đột nhiên hạn chế nhập khẩu cao su từ Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp Việt rơi vào cảnh muốn bán cũng không bán được.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2015 giảm tiếp 31,2% so với cùng kỳ năm 2014. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quý I/2015, xuất khẩu cao su đạt 196 nghìn tấn, trị giá 279 triệu USD, tăng 31,9% về khối lượng nhưng giảm 6,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Bên cạnh đó, cao su thiên nhiên chịu tác động rất lớn từ giá dầu. Dầu thô là một nguồn để tạo ra cao su tổng hợp- đối thủ cạnh tranh rất lớn đối với cao su thiên nhiên. Khi giá dầu rẻ, cao su tổng hợp rẻ, thì người sử dụng lại có xu hướng chuyển sang dùng cao su tổng hợp.
Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn cao su, trị giá hơn 2 tỷ USD, nhưng chủ yếu là cao su sơ chế chiếm tỷ lệ hơn 80%, chủ yếu là cao su thiên nhiên đã qua sơ chế và nhựa cao su latex (chưa qua sơ chế). Do cơ cấu chủng loại chưa phù hợp, chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng đều, ổn định nên tính cạnh tranh yếu. Trong khi đó, theo tính toán, nếu chuyển sang chế biến thành các sản phẩm cao su thông thường (như săm lốp), giá trị sẽ tăng gấp 8 - 10 lần; còn nếu chế tạo thành các sản phẩm cao su kỹ thuật, giá trị có thể tăng 18 - 20 lần. Ngoài ra, việc tập trung chế biến cao su cũng sẽ giúp nền kinh tế giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu linh kiện cho các ngành công nghiệp khác, trị giá hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD…
Lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 15 - 18% tổng sản lượng cao su thiên nhiên sơ chế, trong khi ngành sản xuất sản phẩm cao su công nghiệp trong nước hằng năm vẫn phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để nhập khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên để chế biến thành sản phẩm cao su công nghiệp.
Riêng năm 2014, đã nhập khẩu 372.000 tấn cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, trị giá gần 639 triệu USD, bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp. Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được cao su tổng hợp từ dầu thô do công nghiệp hóa dầu chưa phát triển mạnh nên phải nhập 100%. Đối với cao su thiên nhiên nhập khẩu, phần lớn là tạm nhập tái xuất và đang có xu hướng tăng dần khi các vườn cao su do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào và Campuchia được thu hoạch mủ. Chỉ một phần lượng cao su thiên nhiên cần nhập theo nhu cầu của một số doanh nghiệp sản xuất lốp xe vì nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đầy đủ về chủng loại.
Hiện giá cao su đang bán ở mức 31 triệu đồng/tấn, gần sát với giá thành- 30 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đã có thời điểm giá cao su giảm mạnh chỉ còn 27-29 triệu đồng/tấn, thấp hơn cả mức giá sàn mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đề ra. Nếu giá tiếp tục giảm thì doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất. Trong khi đó, thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay một số tỉnh công bố cao hơn nhiều so với trước, khiến giá thành mỗi tấn cao su tăng lên, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng mắc về việc kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại đối với mặt hàng mủ cao su thiên nhiên sơ chế.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp chấp nhận giá bán sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế chỉ ngang bằng, thậm chí thấp hơn so với giá thành sản xuất. Đối với người trồng cao su, đặc biệt là những hộ quy mô nhỏ (tiểu điền), hoặc vườn cây đã đến kỳ già cỗi, bà con phải chấp nhận làm không công, chờ cơ hội giá cao su hồi phục hoặc chặt bỏ để trồng cây khác thay thế. Năm 2014 cũng là năm mà nhiều người dân ở Tây Nguyên, Nam bộ đã phá đi những mảnh đồi cao su của mình, kể cả được phép cũng như không được phép vì ế ẩm. Ước tính đã có hơn 4.000ha cao su bị chặt bỏ, chủ yếu là vườn cao su tiểu điền. Trong đó có 19% diện tích do không có lãi, còn lại là diện tích cao su được chặt thanh lý do mưa bão gãy đổ, già cỗi cần được tái canh...
Để tiếp tục phát triển, hiện ngành cao su Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, tập trung vào thị trường tiêu thụ trong nước. Phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su trong nước có sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên đều sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất.
Các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên theo hướng ưu tiên phục vụ nhu cầu của ngành lốp xe. Mục tiêu của ngành công nghiệp hóa chất đó là đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng công suất các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô-tô các loại/năm; sản phẩm băng tải 700 nghìn m2 /năm và dây cua-roa bố thép, sợi thép 1 triệu mét/năm, các sản phẩm găng tay, ống dẫn... với tổng công suất khoảng 10.000 tấn/năm./.