|
Ảnh minh họa |
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của chè Việt là Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Pakistan, Indonesia, Malaysia… Lâu nay Chè Việt Nam xuất khẩu chủ yếu để các nhà nhập khẩu làm nguyên liệu đấu trộn với chè các nước khác, đóng gói và phân phối cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Thị phần chè Việt Nam tại các thị trường tiềm năng là các nước phát triển hầu như không đáng kể.
Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 130.000 tấn chè, kim ngạch đạt 230 triệu USD. Với sản lượng và kim ngạch trên, Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ 5 xuất khẩu chè trên thế giới, nhưng còn cách quá xa so với nước sản xuất chè đứng thứ 4. Vì thế, nếu tăng sản lượng lên gấp đôi thì vẫn đứng thứ 5 và vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp nhất trong 10 nước xuất khẩu chè của thế giới, chỉ tương đương 60 - 70% giá của các nước khác.
Cây chè hiện đang tạo việc làm cho khoảng 400 nghìn hộ sản xuất của 35 địa phương với tổng diện tích cả nước khoảng 124 nghìn héc-ta, sản lượng khoảng 900 nghìn tấn búp tươi... Lâm Đồng được coi là “vựa chè” của Việt Nam khi đứng đầu cả nước với khoảng 23.000 ha, sản lượng chè búp tươi hơn 223.000 tấn. Trong đó, sản phẩm chè Ô Long phần lớn xuất khẩu sang Đài Loan (95% sản lượng xuất khẩu, 5% nội tiêu), chè xanh tiêu thụ nội địa, chè đen chủ yếu xuất khẩu sang Đài Loan và một số nước Indonesia, Pakistan, Afghanistan, Nga, Nhật, Mỹ…
Từ năm 2005 khi Luật Doanh nghiệp (doanh nghiệp) có hiệu lực, nhiều địa phương đã cấp phép ồ ạt cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở chế biến ngay trên vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp có trước đã đầu tư và quản lý, dẫn đến công suất chế biến cao hơn nhiều so với khả năng cung ứng nguyên liệu, chủ yếu tập trung vào khâu chế biến thô. Tổng công suất chế biến chè hiện đã vượt quá nguồn nguyên liệu 2 - 3 lần.
Việc nhiều nhà máy đang cùng khai thác trên một vùng nguyên liệu, dẫn đến việc tranh mua, tranh bán giữa các cơ sở nhà máy chế biến, làm cho chất lượng chè bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), hiện nay cả nước có khoảng 450 công ty, nhà máy sản xuất chế biến chè (có đăng ký kinh doanh) nằm rải rác trên các địa bàn, chưa kể các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Tuy nhiên chỉ có 10% trong số này có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ chế biến, còn lại các cơ sở khác đều thu mua nguyên liệu trên thị trường.
Ngành chè còn tồn tại điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bình quân chỉ khoảng 0,2 héc-ta/hộ nên khó tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới và khó chứng nhận chè an toàn dẫn tới chất lượng chè không cao. Các hộ gia đình trồng chè hầu hết đã không hái chè theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định (TCViệt Nam - Chè đọt tươi) mà cắt dài cả cành, lá già, nhưng vẫn tiêu thụ hết do cầu lớn hơn cung quá nhiều. Trong khi doanh nghiệp nào mua cao hơn thì bán, thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học loại nào rẻ thì sử dụng. Nhiều vườn chè đã bị tận thu kiệt quệ, năng suất và chất lượng giảm mạnh; giá trị chè tươi thấp, chu kỳ kinh tế cây chè giảm nhanh. Thiệt hại của nông dân sẽ là hàng trăm tỷ đồng khi phải sớm trồng lại cây chè quy trình mới.
Các cơ sở chế biến phải mua và chế biến cả phần cuộng chè già gây lãng phí vật tư, năng lượng và lao động, lại phải nhập máy tách cuộng có giá trị rất lớn để tách ra khi tiêu thụ và tỷ lệ mặt hàng chè cao cấp đã giảm sụt khoảng 50%, kéo theo giá trị chè xuất khẩu bình quân giảm hơn 25%. Hơn nữa, việc vận chuyển chè cấp thấp xuất khẩu cũng phải chịu cước phí như chè cấp cao, gây lãng phí lớn. Theo tính toán của Hiệp hội Chè Việt Nam, tình trạng đầu tư quá nhiều cơ sở chế biến chè mỗi năm gây thiệt hại cho toàn ngành lên tới 530 tỷ đồng...
Việc đầu tư quá tải của ngành chè cũng gây thiệt hại cho cả nền kinh tế nước nhà khi sản phẩm chè Việt Nam không thể xâm nhập vào các thị trường có tiềm năng như Bắc Âu, Tây Âu, Nhật Bản mà còn có nguy cơ mất các thị trường truyền thống như Ðài Loan (Trung Quốc), Nga và các nước Bắc Âu...
Chất lượng chè nước ta vẫn ở mức thấp, nhưng có cơ hội tăng cả về ngoại hình và nội chất bởi chế độ canh tác, thu hái và chế biến hợp lý (lâu nay chủ yếu tập trung về ngoại hình, hái chè non). Theo các chuyên gia, năng suất chè của nước ta còn có thể tăng lên khoảng 30% trong tương lai gần nếu cây chè được đầu tư hợp lý theo quy trình hiện hành, từ đó sản lượng cũng tăng lên tương ứng mà không cần tăng diện tích đất trồng chè.
Ngày 17/11/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức tổ chức lễ ra mắt Ban chỉ đạo Phát triển chè bền vững theo Quyết định số 3886/QĐ-BNN-TCCB do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh làm trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ làm cho công tác kết nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan địa phương, nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện được thuận lợi, thông suốt. Theo đó, từ nay đến năm 2020, ngành chè dự kiến duy trì khoảng 140.000 ha đồng thời quy hoạch phát triển vùng chè an toàn tại các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Yên Bái và triển khai VietGAP để nâng cao chất lượng chè nhằm tăng năng suất cũng như chất lượng chè phục vụ nhu cầu tiêu thu trong nước và xuất khẩu…
Đặc điểm của chè Việt Nam là có nhiều dòng chè, nhiều chủng loại khác nhau được trồng ở các vùng miền như: Yên Bái, Hà Giang, Lâm Đồng, Thái Nguyên... Đây là một lợi thế lớn khi chúng ta có thể xâm nhập vào thị trường chè thế giới bằng nhiều thương hiệu. Nhưng quan trọng vẫn phải xây dựng được một thương hiệu chung của chè Việt Nam đảm bảo chất lượng.
Hiện tại, một số đơn vị đi đầu trong việc đảm bảo chứng nhận chè an toàn như: chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Phú Bền (Phú Thọ), Cờ đỏ (Sơn La)… đã tham gia vào thử nghiệm mô hình bảo vệ thực vật tập trung. Theo đó, tại các vùng nguyên liệu tập trung sẽ có những đơn vị bảo vệ thực vật làm nhiệm vụ kiểm tra sâu bệnh, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc và thực hiện việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Với mô hình này, từ người dân - người thu mua búp tươi - nhà máy chế biến - nhà xuất khẩu đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi phải có các vùng nguyên liệu tập trung của riêng từng nhà máy chế biến.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ làm việc trực tiếp với các cơ quan quản lý địa phương, đề xuất các phương án điều chỉnh, quy hoạch cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh, tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Đồng thời, rà soát chặt các cơ sở chế biến bảo đảm tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân trồng chè. Những mô hình sản xuất chè cho hiệu quả năng suất cao cũng sẽ được đánh giá, xem xét và nhân rộng trên các tỉnh trong cả nước./.