Trong 65 chỉ tiêu thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, ghi nhật ký đồng ruộng được coi là một quy định bắt buộc, đồng thời cũng là tiêu chí khó nhất với nông dân... Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy rất nhiều cơ sở được chỉ định chứng nhận VietGAP không tuân thủ yêu cầu này.
|
Mô hình VietGAP trồng trọt về cơ bản đã thất bại hoàn toàn |
Thanh tra là ra sai phạm
Theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo trong quy định VietGAP là phải ghi chép lại nhật ký toàn bộ các khâu từ sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, nhưng phải thừa nhận người nông dân không có thói quen ghi chép từ trước đến nay.
Song hiện nhiều cơ sở chứng nhận VietGAP đang làm theo kiểu chiếu cố hoặc làm liều, dù nông dân không ghi chép nhật ký vẫn nhắm mắt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, bây giờ nếu tiến hành thanh, kiểm tra chắc chắn rất nhiều đơn vị chứng nhận VietGAP vi phạm nghiêm trọng quy định này.
Một chuyên gia nông nghiệp khẳng định với chúng tôi rằng, mô hình VietGAP trồng trọt tại Việt Nam đang thất bại, đầu tiên do giá chứng nhận cao, phức tạp, gây khó khăn lớn cho nông dân và có cả sai lầm về kỹ thuật, bởi VietGAP về cơ bản là dựa theo GlobalGAP.
Sự phát triển GlobalGAP trên thế giới phát triển một cách từ từ. Nó là một hệ thống khó khăn về mặt kỹ thuật và tốn kém về nguồn lực. Nó được phát triển và áp dụng tăng dần bởi nông dân qua nhiều năm nhằm đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường châu Âu, trong khi tại Việt Nam lại đặt ra yêu cầu về tốc độ tăng trưởng diện tích VietGAP có thể nói là ở mức không tưởng.
Sai lầm thứ 2, chính là nhận thức sai sót về khía cạnh lợi ích kinh tế. VietGAP luôn làm cho nông dân nghĩ rằng họ sẽ bán được giá cao hơn một khi nông sản của họ được chứng nhận VietGAP.
“Việt Nam cần quay lại với tiêu chuẩn cơ bản là vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ cần dừng lại việc cố đưa tất cả mọi thứ vào trong thực hành sản xuất nông nghiệp với hệ thống VietGAP hiện hành. Việc gắn giữa GAP chung chung với an toàn thực phẩm sẽ làm cản trở đến việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn như trường hợp của Úc trước đây”, ông Đào Xuân Cường. |
Điều này có thể đúng đối với một số ít nông dân khi họ có thể bán các sản phẩm chất lượng cho các thị trường giá cao nhất là cho thị trường xuất khẩu. Nhưng thực tế đại đa số nông dân Việt Nam làm ra sản phẩm VietGAP hiện phục vụ thị trường nội địa.
Úc cũng từng thất bại với Gap
Theo chia sẻ của ông Đào Xuân Cường, Quỹ Phát triển bền vững Thụy Sỹ, người đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về GAP tại Úc có đưa ra một số bài học bổ ích cho mô hình GAP tại Việt Nam.
Ngay lúc đầu, Úc cũng cố gắng áp dụng GAP cho toàn bộ ngành sản xuất cây ăn quả vào những năm thập kỷ 1980. Với sự tài trợ của Chính phủ, các lãnh đạo của ngành đã cử các cố vấn tới New Zealand để học tập sản xuất theo GAP đối với quả kiwi. Đây là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều văn bản qui định về kỹ thuật, thủ tục được xây dựng qua nhiều năm.
Sau đó, Úc đã xây dựng một cuốn sổ về bảo đảm chất lượng. Nhưng chỉ có một số nhỏ nông dân thực hiện theo vì nó yêu cầu nhiều điểm phức tạp. Hậu quả là sau một số năm hệ thống này đã bị phá bỏ, rơi rụng giữa đường.
Sau sự thất bại về GAP đầu tiên đó, những hệ thống đảm bảo chất lượng khác tiếp tục ra đời. Nhưng chúng tiếp tục bị thất bại trong việc lôi kéo nông dân làm theo do sự phức tạp, đắt đỏ và quan niệm sai lầm về khía cạnh thị trường muốn là giá phải cao hơn.
Trồng rau VietGAP
Năm 1994, hai cán bộ thuộc chính quyền bang Tây nước Úc đã xác định nhân tố quan trọng và có tính quyết định là: An toàn thực phẩm. Từ đó, một chương trình ATTP được xây dựng và chỉ tập trung vào việc thực hiện HACCP. Hệ thống đảm bảo chất lượng này gọi là thực phẩm chất lượng an toàn (SQF).
Những năm cuối của thập kỷ 90, hai hệ thống siêu thị chính là Woolworths và Coles, với 45% thị phần về rau quả tươi của cả nước Úc quyết định cần có một hệ thống đảm bảo chất lượng riêng. Để thực hiện chiến lược này, họ bắt buộc các đơn vị cung cấp hàng phải tuân thủ các yêu cầu của hệ thống có tên gọi FRESHCARE.
Chương trình FRESHCARE với các tiêu chuẩn đưa ra bởi các siêu thị được nông dân chấp thuận thực hiện. Năm 2000, FRESHCARE được thành lập với sự ủng hộ của Hiệp hội Làm vườn Úc và sự cam kết của các đơn vị chủ quản FRESHCARE.
FRESHCARE ban đầu được thành lập như một chương trình riêng rẽ về chất lượng an toàn thực phẩm của ngành công nghiệp nông sản rau quả tươi. Việc chứng nhận thực phẩm an toàn và chất lượng cho FRESHCARE được cấp bởi một cơ quan kiểm tra độc lập, uy tín về các tiêu chuẩn mà người nông dân được cấp chứng nhận thực hiện làm theo.
Chương trình FRESHCARE được phát triển mang lại những lợi ích cho cả người mua và bán hàng thông qua việc kết nối người sản xuất nông sản an toàn trên đồng ruộng với các chương trình quản lý thực phẩm an toàn của các đơn vị thành viên thuộc chuỗi giá trị về rau quả tươi. Chương trình này do tự các đơn vị kinh doanh tài trợ và quản lý, phát triển bền vững đến ngày hôm nay.