Tiếp tục khảo sát các địa phương phía Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang) về điều kiện cần và đủ để HTX kiểu mới vững tin làm giàu, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến từ 2 phía: nhà quản lý và HTX. Tuy bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, song, để giành thắng lợi tuyệt đối, đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ các bên.
|
Đoàn cán bộ tỉnh Long An và Bắc Ninh thăm mô hình trang trại HTX VAC Phú Quý (Thuận Thành - Bắc Ninh). |
“Hạt đậu phải nảy mầm”
“Phát huy nội lực là chính, các thành viên HTX kiểu mới, nhất là người đứng đầu phải tâm huyết, trí tuệ và nhạy bén thời cuộc, cùng ngồi lại bàn bạc với nhau sẽ ăn nên làm ra, “hạt đậu phải nảy mầm”, nhà quản lý mới chăm sóc, hỗ trợ được. Ngược lại, các HTX kiểu mới cũng có lý của họ: thiếu vốn, thiếu đất đai sản xuất, đến trụ sở HTX cũng chưa có (phải ở nhờ nhà chủ nhiệm), lấy gì thế chấp để vay tiền ngân hàng... Luật mới cho chúng tôi thỏa sức làm giàu, song những khó khăn ban đầu, điều kiện cần và đủ để phát triển sản xuất, rất quan trọng. Đây chỉ là một vài ví dụ trong muôn vàn khó khăn của HTX kiểu mới”. Đó là những ý kiến chúng tôi nhận được từ cả 2 phía, khi làm việc ở các địa phương trên. Thực tế, các lý lẽ ấy không sai, vấn đề là cách giải quyết hài hòa giữa các bên với nhau, để đi đến lợi ích chung: làm giàu cho gia đình - xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hải, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Bình (Bắc Ninh), chuyên chăn nuôi lợn gia công để làm xúc xích, cho rằng: Chính quyền nên có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình VietGap cho những HTX làm ăn hiệu quả, tính bền vững cao. Nhất là khi đã hội nhập sâu rộng, sản phẩm của họ không những phục vụ xuất khẩu mà còn tiêu thụ trong nước. Đây còn là vấn đề đảm bảo sức khỏe người dân và cạnh tranh với hàng ngoại nhập, để hàng Việt không thua trên sân nhà. Được biết, năm 2015, Bắc Ninh đã hỗ trợ 100 triệu đồng/ha làm mô hình VietGAP, nhưng ở một số địa phương không thành công. Làm mô hình GAP, nhưng sản phẩm của họ vẫn bán tự do trên thị trường. Khi hết mô hình, người dân không làm tiếp, gây lãng phí tiền của, công sức cho cả 2 bên. Để chấm dứt tình trạng trên, Bắc Ninh cần cân nhắc, tính toán kỹ khi xây dựng mô hình điểm, chú ý gắn sản xuất với lưu thông. Đồng thời, phải có giao kèo, ký kết bằng văn bản trước khi nhận hỗ trợ. “Nhìn giỏ, bỏ thóc”, nếu thấy năng lực cá nhân, đơn vị yếu thì không nên giao kinh phí và “mời chào” người dân làm mô hình.
Ông Nguyễn Đăng Cường, Chủ tịch HĐQT - HTX VAC Phú Quý (Thuận Thành - Bắc Ninh), cho biết, Liên minh HTX Việt Nam nên chọn chuyên gia giỏi để đào tạo cán bộ quản lý, điều hành, kế toán trưởng và định hướng sản xuất cho Ban quản trị các HTX. Bởi vì, chúng ta đã xác định, yếu tố con người là quan trọng nhất. Theo thống kê của nhiều địa phương, số cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học chưa đầy 10%; cao đẳng dưới 12%; trung cấp 30%; còn lại 49% chưa qua đào tạo. Với lực lượng này, liệu chúng ta có tự tin để không thua trên sân nhà và làm hài lòng bạn bè quốc tế không? Mặt khác, Bắc Ninh cần có các chính sách hỗ trợ HTX như: tiếp thị, quảng bá, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm; vốn, vì chúng tôi cần hàng tỷ đồng/ha mới ra được sản phẩm sạch. Hỗ trợ đóng bảo hiểm cho Ban quản trị HTX (chủ tịch HĐQT, giám đốc, kế toán) để động viên, khích lệ họ đóng góp tiền của, công sức nhiều hơn nữa cho xã hội. Bởi, 1 HTX làm ra 1 tỷ đồng đã phải nộp thuế cho nhà nước 25%.
Chúng tôi không “thả nổi”...
Mở đầu buổi buổi làm việc với chúng tôi, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) Lê Thiết Cương, cho biết, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các HTX kiểu mới, không hề có chuyện thả nổi, hay tự vùng vẫy. Bằng chứng là Sở đã có Đề án phát triển kinh tế tập thể trình thành phố phê duyệt, dự kiến cuối năm 2016 sẽ có kinh phí cụ thể. Đồng thời, kết hợp với Liên minh HTX Hà Nội để hỗ trợ các HTX cùng phát triển. Cần thiết phải chuyển đổi, nhưng tiến hành thận trọng, chắc chắn, không chạy theo thành tích, không ép buộc, đó là định hướng của Hà Nội.
Sau khi có Luật mới, chúng tôi đã củng cố, nâng cao bộ máy quản lý, điều hành; tổ chức tập huấn cho Ban quản trị HTX. Tuy đang trong thời kỳ quá độ song các HTX hoạt động đúng Luật mới, liên kết tốt. Theo đó, đã hướng dẫn cụ thể, trình tự chuyển đổi như: kê khai tài sản cũ (phân chia và không được phân chia); hỗ trợ để các HTX làm việc với UBND xã trong việc chia tài sản. Xây dựng phương thức hoạt động để chấm dứt cảnh “đánh trống, ghi tên” theo kiểu cũ. Mặt khác, còn tư vấn cho họ tham gia các công việc: dịch vụ môi trường, thu gom rác thải; tái sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là hỗ trợ trong khâu chế biến sản phẩm. Nhà nước lo kinh phí, Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực vào cuộc, học viên đi học có chế độ. Liên minh HTX Hà Nội tài trợ cho các HTX đi tham quan học tập kinh nghiệm đơn vị bạn. Trước mắt, mỗi HTX chuyển đổi được hỗ trợ 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn có hỗ trợ sản xuất theo vùng, sản xuất công nghệ cao; đầu tư cơ sở hạ tầng…Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đan Phượng, ông Chu Văn Hòa, cho biết: “HTX hoạt động theo Luật HTX mới, được Liên minh HTX Hà Nội hỗ trợ tư vấn chuyển đổi. Chính nhờ những bước đi đúng đắn đó, HTX đã thành công như ngày nay. Ngay sau khi chuyển đổi, chúng tôi được giao quản lý bãi đỗ xe 1.000m2; chợ nông thôn; dịch vụ điện; vệ sinh môi trường… Năm 2015 - 2016, được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ trồng hoa ly chất lượng cao 1.000m2 (tương đương 300 triệu đồng), hiện, mô hình đã thành công. Dự kiến, cuối năm 2016, hoàn thiện thủ tục thuê đất 50 năm với diện tích 750m2.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Liễu (Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức cũng cho biết, sau khi chuyển đổi, HTX đảm nhận 14 dịch vụ, trong đó 5 dịch vụ nông nghiệp được miễn phí hoàn toàn. Các dịch vụ còn lại phát triển tốt. Lương bình quân các thành viên 4-5 triệu đồng/người/tháng; giám đốc 6-7 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2016, sẽ hoàn thiện thủ tục cấp đất (1.800m2) thời hạn 50 năm.
Đào tạo và liên kết: Ưu tiên số 1
Ở Bắc Giang, các HTX cũng nhận được nhiều ưu ái của chính quyền địa phương và Liên minh HTX. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang) Trần Văn Sỹ cho biết, HTX chuyển đổi năm 2015, từ 3.200 xã viên (thành lập năm 1997), nay còn 2.800 xã viên đăng ký góp vốn (100.000 đồng/người); Ban quản trị 30 - 50 triệu đồng/người. HTX tham gia 8 khâu dịch vụ; ngoài ra còn có Quỹ tín dụng nội bộ 4 tỷ đồng. Lương bình quân các thành viên 4 -5 triệu đồng/người/tháng; Ban quản trị 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2016, HTX được Chi cục Phát triển nông thôn đầu tư các hạng mục như: chuyển trụ sở ra sát Quốc lộ 1, để thuận lợi việc kinh doanh, buôn bán. Xây mới trụ sở HTX; xây nhà kho cất trữ sản phẩm rộng 150m2; sân phơi 350m2. Tổng chi phí dự kiến trên 3 tỷ đồng.
Điều đáng ghi nhận là, cùng với sự chia sẻ của nhà nước, Liên minh HTX Bắc Giang còn có 9,9 tỷ đồng hỗ trợ HTX phát triển sản xuất. Dư nợ tính đến 31/5/2016 là 9,3 tỷ đồng/ 40 dự án. Trong khi lãi suất cho vay bên ngoài không ổn định, thì nguồn vốn trên đã giúp các HTX cải thiện tình hình tài chính khá nhiều. Mặt khác, với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo kinh tế tập thể, Liên minh HTX Bắc Giang đã tích cực chủ động trong công tác phối hợp với tỉnh để nâng cao nhận thức toàn xã hội về HTX kiểu mới. Vì vậy, số HTX thành lập mới 6 tháng đầu năm tăng cao; số HTX tổ chức lại, đăng ký lại, cao hơn so với trung bình cả nước.
Rõ ràng, việc tìm kiếm nhân sự có năng lực cho HTX rất khó khăn. Nhiều thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Luật HTX mới chưa qua đào tạo, tập huấn. Vì vậy, cần thiết phải có chuyên gia giỏi để đào tạo, tập huấn cho Ban quản trị HTX kiểu mới.
Theo đó, năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh không được giao kinh phí hỗ trợ HTX. Dự kiến, năm 2017, tổng kinh phí thực hiện là 11.950 triệu đồng. Trong đó, tuyên truyền 650 triệu đồng; đào tạo, tập huấn 450 triệu đồng; xúc tiến thương mại 500 triệu đồng; thành lập mới HTX 150 triệu đồng. Điều tra, khảo sát, đánh giá hoạt động HTX; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng. Đầu tư phát triển hạ tầng 10.000 triệu đồng
Phó trưởng Đoàn công tác chỉ đạo HTX nông nghiệp thực hiện Luật HTX mới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Liên, cho biết: “Điều quan trọng là các HTX phải làm được dịch vụ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Để làm tốt điều này, nhà nước cần hỗ trợ công nghệ chế biến, bảo quản nông sản. Ví như: kho lạnh, xe chuyên dụng vận chuyển thủy, hải sản tươi sống; hỗ trợ đầu ra. Nếu HTX chăn nuôi lợn quy mô lớn cần có nhà máy chế biến… Giảm thuế môn bài (vì tiêu thụ lớn thì thuế môn bài cao), thuế thu nhập; xây dựng mô hình mẫu để các HTX tham quan học hỏi. Mặt khác, các HTX phải liên kết “cứng” với doanh nghiệp, nếu không có doanh nghiệp làm “bà đỡ”, sẽ khó khăn trong xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm”.