Rủi ro, bất ổn một khi còn phụ thuộc thị trường Trung Quốc
11:12 - 27/07/2016
Báo NNVN ngày 25/7/2016 đưa tin, nếu như bằng thời gian này năm 2015, giá cá sấu thịt dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg, thì năm nay, giá chỉ còn 70.000 đ/kg.
Ảnh minh họa

Còn bản tin sáng của VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam ngày 26/7/2016 đưa tin, hiện giá heo thịt chỉ còn khoảng 42.000 đồng/kg, tụt khoảng trên 10.000 đồng/kg.

Theo báo NNVN thì chưa có năm nào mà giá cá sấu thịt lại tụt một cách thê thảm như vậy, bởi thời gian giá cá tụt tệ nhất cũng còn đạt 130.000 đ/kg.

Hiện tượng trên khiến chủ nhân của hàng ngàn trang trại cá sấu trên cả nước đứng ngồi không yên, tâm trạng đang như ngồi trên đống lửa. Rất nhiều chủ trang trại đã bỏ không tái đàn nữa.

Nguyên nhân của hiện tượng sụt giá trên là do loại hàng hóa này chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc. Nay nguồn cầu của thị trường này giảm, nên hàng không tiêu thụ được.

Còn hiện tượng thịt heo tuột giá, cũng theo VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, thì cũng có nguyên nhân từ chuyện thương lái Trung Quốc dừng thu mua, hoặc thu mua cầm chừng.

Thịt cá sấu, thịt heo, và không chỉ thế, còn hàng trăm mặt hàng nông sản khác của ta như dưa hấu, thanh long, cao su, hồ tiêu, gạo, thủy hải sản... đều có nguồn cầu lớn nhất là thị trường Trung Quốc, và vì thế, phần lớn nông sản của chúng ta bị phụ thuộc vào thị trường này.

Thị trường Trung Quốc có ưu điểm là không quá khó tính, không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, hoàn toàn phù hợp với phương thức sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân Việt Nam. Nhưng thị trường này cũng chính là thị trường có những diễn biến khó lường nhất.

Và điều quan trọng nhất, chính là: Những thương lái Trung Quốc hoàn toàn nắm giữ độc quyền chi phối về giá cả. Thủ đoạn của thương lái Trung Quốc lại rất cao thâm, xảo trá. Và họ luôn luôn chủ động trong việc tạo ra những “cơn bão” trong xã hội Việt Nam, như đột ngột tăng giá một số mặt hàng (có những dạo, thịt heo hơi được họ mua với giá 65.000 đ/kg, cá sấu thịt được mua với giá 230.000 đ/kg...) khiến người Việt Nam lao theo tăng đàn hay phát triển, rồi lại đột ngột dừng mua, khiến hàng trăm ngàn người phá sản vì lỗ.

Cũng như vậy, đã có những thời kỳ hàng trăm tấn dưa hấu bị đổ tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, còn thanh long thì bỏ ven đường cho bò ăn. Vải thiều Lục Ngạn cũng vậy. Cứ mỗi mùa vải chín là nông dân lại phấp phỏng lo, phập phồng ngóng nhu cầu từ phía Trung Quốc...

Còn chúng ta thì hoàn toàn phụ thuộc vào cái gậy giá cả của họ. Nếu tình hình này còn kéo dài, thì sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam còn phải chịu nhiều rủi ro, bất ổn.

Làm thế nào để thoát khỏi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu. Nhưng xem ra đến nay, các cơ quan chức năng vẫn rất lúng túng trước đòi hỏi của xã hội.

VŨ HỮU SỰ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo