|
Tình trạng nông dân bỏ ruộng vẫn tiếp tục xảy ra (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất mới xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, đến nay đang xuất hiện ở 25 tỉnh thành. Ước tính từ năm 2010 đến nay, khoảng 500.000ha đất trồng lúa 2 vụ và độ phì nhiêu cao, dễ đi lại và gần những nơi tập trung đông dân cư đã bị giảm. Theo nhận định của nhiều địa phương, thời gian tới, tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.
Ở các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, bình quân mỗi tỉnh có khoảng 7% hộ nông dân bỏ ruộng. Riêng các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có đến 2.011 ha đất ruộng bị bỏ hoang và trả lại chính quyền; 6.040 hộ nông dân bỏ ruộng, 2.009 hộ nông dân trả ruộng. Đặc biệt, hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) nơi “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện”, hàng nghìn năm nay, người dân ở đây bám ruộng, coi đó là nơi ổn định cuộc sống thì đến nay có hơn 960 ha đất lúa bị bỏ hoang, có hơn 8 nghìn ha đất lúa vụ hè thu nông dân không trồng mới.
Vụ Hè Thu vừa qua, Nghệ An là địa phương diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả lại ruộng nhiều với gần 2.000 ha, trong đó đứng đầu là Nam Đàn hơn 700 ha, tiếp đó là Hưng Nguyên trên 400ha, còn lại là các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Đô Lương… Ở Nam Đàn, hàng chục hecta ruộng lúa đã bị người dân đăng ký trả không tiếp tục cày cấy. Toàn tỉnh có khoảng 15.000 lao động ly hương tìm việc làm trong và ngoài nước.
Huyện Yên Thành, nơi từng được xem là “vựa lúa” của tỉnh Nghệ An, Nếu như trước đây, bà con gắn bó với “bờ xôi ruộng mật”, thì nay hằng năm có trên 10.000 lao động trẻ đi xuất khẩu lao động tại 23 quốc gia. Thay vào đó, “bờ xôi ruộng mật” được bà con nhà nông mang trả lại cho xã quản lý.
Tại xã Diễn Ngọc (Diễn Châu - Nghệ An), gần 2/3 số dân độ tuổi lao động trong xã tìm cách đi xuất khẩu lao động nước ngoài và các thành phố lớn trong nước. Nông dân càng ngày càng chán với nghề nông, bỏ hoang ruộng lúa, chấp nhận đi làm thuê ở thành phố từ giúp việc, công nhân cho đến buôn bán đồng nát, hàng ăn vỉa hè… miễn là có tiền mặt gửi về cho người thân.
Tại xã Thanh Hưng (Thanh Chương - Nghệ An), hiện có khoảng 2.200 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 950 lao động đi làm thuê ở nơi khác, 55 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và hằng năm, số lao động trên làm ra hàng chục tỷ đồng (gấp 3 lần khi ở nhà làm ruộng).
Tại
Thanh Hóa, toàn tỉnh có 3 huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa và TP. Thanh Hóa còn hiện tượng nông dân bỏ ruộng không sản xuất với diện tích là 183,8 ha. Trong đó, huyện Hậu Lộc 93 ha, Thiệu Hóa 16 ha, Hoằng Hóa 28,1 ha và TP Thanh Hóa 56,5 ha.
Tại
Kiên Giang, do hạn, mặn, hàng trăm hộ dân xã Bình Giang (huyện Hòn Đất) đang "khóc ròng" vì cả ngàn ha lúa chết khô. Nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nận… phải bỏ đi làm ăn ở các tỉnh xa.
Trước những thua thiệt đủ đường của nghề nông, một bộ phận không nhỏ nông dân đã bỏ ruộng lên thành phố làm thuê. Tuy nhiên, do chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về trình độ lao động, văn hóa, lối sống nên những nông dân bỏ ruộng ra thành phố phải chấp nhận những công việc giản đơn, cực nhọc, chẳng kém gì nghề nông và hầu hết đều chưa cải thiện được cuộc sống.
Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng đã được các ngành chức năng làm rõ, đó là giá lúa, rau màu thấp trong khi đầu vào như vật tư phân bón, dịch vụ bảo vệ thực vật, công chăm sóc ngày càng tăng cao… dẫn tới thu chẳng đủ chi. Làm ruộng thuê tất tần tật hết nhiều tiền mà sản lượng làm ra, bán đi cũng chẳng đủ để bù vào nên dân chọn cách kiếm tiền từ các công việc khác.
Giá lương thực, thực phẩm giảm, ngược lại, giá các loại vật tư đầu vào, dịch vụ lại tăng 2-2,5 lần trong 5 năm qua. Qua khảo sát, trong điều kiện mưa thuận gió hòa, một sào ruộng (360 m2) trồng lúa cho thu nhập khoảng 1,3 triệu đồng/vụ, chi phí đầu tư đã hết khoảng 1 triệu đồng, tính ra mỗi vụ (khoảng 3 tháng), nông dân chỉ lãi 100 nghìn - 200 nghìn đồng. Thu nhập của nông dân trồng lúa sau khi trừ các khoản chi phí chỉ được khoảng 45 nghìn đồng/công (nếu bị bão lũ, rét đậm, hạn hán, dịch bệnh thì thu nhập không đáng kể) trong khi đó làm công nhân lao động trong các khu công nghiệp hoặc đi làm thuê, dịch vụ ở đô thị thường được khoảng 150 nghìn đồng/công).
Hiện ở nông thôn các tỉnh miền Trung có khoảng 17 khoản phí, lệ phí gắn với cây lúa. Với sức ép như vậy, nông dân đành bỏ ruộng và tìm việc khác đổ ra đô thị kiếm việc làm để có thu nhập cao hơn, nhất là thanh niên.
Ruộng đất bình quân đầu người quá ít, có nơi chỉ vài sào đất, thậm chí là vài thước đất cho mỗi người trong lúc sản phẩm làm ra bán với giá rẻ, thu không đủ bù chi, khiến người nông dân bỏ ruộng. Làm lúa thì lỗ nặng, nhưng người dân muốn đào ao nuôi cá hoặc sản xuất sản phẩm khác ngoài lúa trên mảnh ruộng đó để có thu nhập cao hơn thì lại không được.
Hơn 70% nông sản sản xuất ra nông dân phải tự tiêu thụ, 83% chưa qua chế biến, thị trường tiêu thụ nhiều nơi bị thu hẹp.
Nông sản hàng hóa đến người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian, giá sản phẩm tăng qua mỗi khâu, nhưng nông dân được hưởng rất ít, không đáng kể. Hộ sản xuất quy mô nhỏ, đơn lẻ, chưa đủ khả năng sản xuất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng.
Tại HTX Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, một xã viên cho biết, có khu công nghiệp, làm 1 tháng thu nhập 4- 5 triệu đồng bằng 1 tấn thóc "nhẹ nhàng, không phải đội nắng, đội mưa tối ngày”. Làm nông một mẫu ruộng 3-6 tháng trời, nông dân mới thu được hơn 2 tấn thóc. Mất 320 nghìn/công cấy lúa, chi phí máy cày 130 nghìn, thêm chi phí phân đạm, còn lại không nhiều. Có hộ làm 6 tháng trời lãi đúng 1 triệu đồng.
Ngay như việc trồng dưa chuột, dưa bao tử xuất khẩu được xem là lãi nhiều hơn thóc nhưng không phải ai cũng may mắn năm nào cũng được mùa. Vụ dưa bao tử đầu năm nay có thể được coi là "mất mùa" bởi công ty cung ứng giống dưa mới để thử nghiệm, một phần do thời tiết nắng nóng, dưa không hợp, cho năng suất thấp.
Có hộ trồng 1,5 sào được mỗi 2 triệu đồng nhưng ngày nào cũng phải bỏ công chăm bón. Năm trước, một luống dưa được 15 cân thì năm nay có hộ chỉ được vài cân. Giá thu mua của công ty dù vẫn 6.500/kg loại 1, 4.000/kg loại 2 như cũ và HTX có hỗ trợ tiền giống thuốc, nông dân vẫn than lỗ.
Hậu quả của tình trạng nông dân bỏ ruộng dưới cái nhìn của chuyên gia thì không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa trong khi nhu cầu lương thực vẫn có xu hướng tăng nhanh trước sức ép của sự gia tăng dân số.
Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có Công văn 2491 gửi các Sở NN&PTNT nêu rõ: “Trong thời gian gần đây, nông dân nhiều nơi đã bỏ ruộng và trả ruộng, ngay cả ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp. Đây là vấn đề cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ các chính sách và giải pháp khắc phục trong dịp sơ kết Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tam nông”.
Tại Thanh Hóa, nhằm hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng, thời gian qua các địa phương kết hợp xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng, thiết kế lại đồng ruộng; đẩy mạnh đổi điền, dồn thửa, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa ngành trồng trọt nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Một số địa phương vận động nông dân cho doanh nghiệp thuê đất canh tác, cấy, trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; bao tiêu nông sản cho nông dân; có chính sách hỗ trợ du nhập giống mới, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy; giải quyết đất canh tác xen kẹt giữa các khu công nghiệp, đô thị …. Do vậy, có hơn 921 ha được phục hóa, canh tác các loại cây trồng so với thời điểm năm 2013. Đến nay hiện tượng nông dân bỏ ruộng không sản xuất đã cơ bản được khắc phục ở 5 huyện và 2 thị xã; diện tích đất đưa vào sản xuất là 911,1 ha, đạt 82,5%.
Mục tiêu chiến lược trong sử dụng đất ở nước ta trong tương lai là “đã và đang ngăn chặn việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa”. Do đó, cần đẩy mạnh công tác dồn thửa, đổi điền tạo điều kiện cho sản xuất lớn, hàng hóa, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Những hộ không có khả năng sản xuất nông nghiệp có thể chuyển giao đất cho người khác để chuyển sang ngành nghề mới phù hợp hơn. Các tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp tạo ra một cơ cấu kinh tế nông nghiệp thị trường, theo đó nền nông nghiệp sẽ có cơ cấu sản phẩm hợp lý, phù hợp với điều kiện thị trường. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn, tư vấn cho các địa phương nghiên cứu thị trường nông nghiệp để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp…