Quản lý, vận hành công trình thủy lợi Hà Tĩnh:
Không còn 'thượng điền tích thủy, hạ điền khan'
11:12 - 27/07/2016
Năm 2008, bắt tay thực hiện cơ chế quản lý mới, Nhà nước cấp bù thủy lợi phí cho các Cty thì việc khai thác công trình mới chấm dứt tình trạng “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”.
Vận hành công trình hồ thủy lợi Kẻ Gỗ tưới sản xuất vụ HT 2016

Gần 10 năm trước, khi nhà nước chưa thực hiện chính sách cấp bù thủy lợi phí, các Cty khai thác công trình thủy lợi và tổ chức thủy nông cơ sở trên địa bàn Hà Tĩnh thường xuyên lâm vào cảnh “sống dở chết dở” vì kinh phí thiếu hụt, việc thu phí trong dân khó khăn, lương trả cho nhân viên quản lý, vận hành không đủ chứ chưa nói đến duy tu công trình.

Đến năm 2008, bắt tay thực hiện cơ chế quản lý mới, Nhà nước cấp bù thủy lợi phí cho các Cty thì việc khai thác công trình mới chấm dứt tình trạng “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”.

Cty thủy nông và địa phương cùng vào cuộc

Lâu nay viết về lĩnh vực thủy lợi, điều mà tôi thấy rõ nhất ở những người công tác trong ngành này là hầu hết họ đều phải rất tâm huyết, yêu nghề thì mới bám trụ được, bởi nghề này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, rủi ro trong vận hành công trình lớn, trong khi đó lương bổng thì...bèo bọt.

Năm 2008, Nhà nước bắt đầu thực hiện chính sách cấp bù thủy lợi phí cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, lúc này hoạt động quản lý, vận hành công trình mới bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Tất nhiên, chuyển biến vẫn đang nằm ở mức độ hạn chế. Qua quá trình tuyên truyền, vận động sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương thì việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước mới được “tối ưu hóa”.

Ông Trần Duy Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho hay, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 loại hình khai thác công trình thủy lợi. Một là Cty TNHH MTV thủy lợi Nam, Bắc Hà Tĩnh; hai là tổ chức hợp tác sử dụng nước. Đối với 2 Cty thủy lợi Bắc và Nam Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm phục vụ tưới tiêu cho khoảng 57.000ha đất SXNN; diện tích còn lại do tổ chức hợp tác sử dụng nước đảm nhận.

“Khoảng 3 năm lại nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, “chảo lửa” Hà Tĩnh ngày càng nóng lên. Đến mùa nắng hầu hết mực nước các hồ đập thấp hơn so với thiết kế nhưng nhờ sự phối hợp, quản lý chặt chẽ giữa các đơn vị sử dụng nước và chính quyền địa phương nên hạn chế được tình trạng thất thoát nước”, ông Chiến nói.

Phó Chi cục trưởng Trần Duy Chiến dẫn ví dụ, đầu vụ sản xuất năm 2016 mực nước hồ Kẻ Gỗ chỉ đạt 60% so với thiết kế (180/345 triệu m3). Mực nước thấp, trong khi hồ phải phục vụ tưới sản xuất cho gần 26.000ha/năm. Đứng trước thách thức đó, để đảm bảo đủ nước tưới vụ ĐX, chống hạn vụ HT 2016, Sở NN-PTNT đã có công văn chỉ đạo Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương trong vùng hưởng lợi xây dựng lịch tưới đồng bộ, thống nhất; khuyến cáo người dân đắp bờ giữ nước; phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi; đồng thời, lồng ghép Chương trình hỗ trợ chi măng theo chính sách xây dựng NTM, kiên cố hóa kênh mương.

13-58-51_2
Ra quân làm thủy lợi nội đồng

 

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các Cty thủy nông và chính quyền địa phương, bình quân mỗi năm toàn tỉnh kiên cố được 200km kênh mương từ chương trình hỗ trợ xi măng. Ngoài ra nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác kiên cố thêm khoảng 60km, góp phần nâng tổng số km kênh mương được kiên cố hóa lên đạt 3.500/6.333km.

Khai thác tối đa nguồn nước

Hiện nay việc khai thác công trình thủy lợi là đa mục tiêu, ngoài cấp nước phục vụ sản xuất còn phải đáp ứng công nghiệp, sinh hoạt và phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong cái đa mục tiêu, theo ông Chiến, đơn vị quản lý, vận hành, khai thác cũng phải lựa chọn mục tiêu chính của công trình để công trình phát huy tối đa hiệu quả, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Đơn cử như hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, đây là hồ chứa trọng điểm có dung tích lớn nhất ở Hà Tĩnh với hệ động, thực vật rất phong phú, đa dạng. Đã có khá nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn đầu tư khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trong khu vực lòng hồ, tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ chính là cấp nước phục vụ sản xuất, hồ Kẻ Gỗ còn là nơi cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hà Tĩnh, do đó Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh không đánh đổi lợi ích kinh tế mà quên đi lợi ích của người dân.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Cty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho hay, diễn biến thời tiết càng ngày càng cực đoan, đầu vụ sản xuất 2016 hầu hết các hồ chứa do Cty quản lý chỉ đạt 50 - 60% so với thiết kế, thậm chí một số hồ lớn như Kẻ Gỗ, sông Rác, Thượng Sông Trí, Thượng Tuy... cũng thấp hơn so với cùng kỳ nên việc điều hành tưới gặp không ít khó khăn.

“Vụ ĐX thì không có gì căng thẳng nhưng vụ HT đặc thù sản xuất chạy lụt nên thời vụ cực kỳ gấp gáp. Chúng tôi vừa phải đầu tư kinh phí nâng đáy kênh đầu nguồn, ưu tiên tưới vùng sâu, vùng xa, cuối kênh trước vừa phải ngăn các trục tiêu, bơm tát khi cần. Hiện nay 100% diện tích không thiếu nước nhưng nếu thời gian tới không có mưa thì giai đoạn trỗ lúa HT có khả năng gặp hạn cục bộ một vài nơi”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, bây giờ ngoài sự chủ động của Cty, chính quyền các địa phương cũng cần tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm; tuân thủ quy trình điều tiết nước của Cty, tránh tình trạng tự mở cống lấy trộm nước hay lấy nước vùng đầu kênh vô tội vạ, trong khi khu vực cuối kênh nước lại không thể đến được. Bên cạnh đó, người dân không được lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; không xả rác xuống hồ, kênh mương...có như vậy hiệu quả nguồn nước mới được khai thác tối đa.

Đối với cấp nước sinh hoạt, hiện 2 hồ là Kim Sơn, thượng sông Trí do Cty quản lý đang đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho các khu công nghiệp và người dân trong khu vực thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh.

Được biết, Cty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đang thực hiện dự án nâng cấp hệ thống kênh thủy lợi Kẻ Gỗ - Sông Rác. Khi dự án này hoàn thành, sẽ rút ngắn thời gian tưới phủ hết kênh từ 20 ngày xuống còn 15 ngày, góp phần giảm thất thoát nước, đảm bảo khung lịch thời vụ cho bà con nông dân.

13-58-51_3
Ảnh: Thanh Nga

 

Cty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh hiện quản lý trên 30 hồ chứa, có nhiệm vụ tưới cho trên 42.000 ha đất lúa/năm của 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê và TP Hà Tĩnh.

Cần 500 tỷ nâng cấp hồ đập

Song hành với khai thác công trình là nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hồ đập. Vấn đề đặt ra đối với các hồ chứa ở Hà Tĩnh hiện nay là tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Ngoài các hồ chứa trọng điểm, thường xuyên được bố trí kinh phí duy tu bảo dưỡng thì đại đa số hồ đập còn lại đang nằm trong diện “báo động đỏ”.

Theo đó, hiện toàn tỉnh có 200 hồ chứa được xây dựng cách đây 30 - 40 năm, thi công trong điều kiện khó khăn, thủ công đang cần phải nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Trong đó, 25 hồ nằm trong diện cấp bách, cần khoảng 500 tỷ đồng để “điều trị”.

“Ngoài tu sửa hồ đập, trung ương, tỉnh cũng cần quan tâm, đầu tư nâng cấp các tuyến đường lên khu vực đầu mối hồ đập. Ví dụ như các hồ ở huyện Hương Khê, đến mùa lũ anh em phải lên trước để thuê nhà dân ở, trường hợp lũ về đột ngột, các tuyến đường bị chia cắt đơn vị vận hành không thể tiếp cận để ứng phó khi có sự cố”, ông Lê Hồng Sơn nói.

Ảnh hưởng của El Nino khiến nắng hạn ngày càng khốc liệt theo từng năm, do đó đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh xác định chuyển dần những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, phương án tưới cho cây trồng cạn cũng đang được ngành thủy lợi tỉnh này xây dựng với mục têu phấn đấu đến năm 2020 có 50% diện tích cây trồng cạn chủ lực được tưới nước.

 

THANH NGA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo