Dọn cây hay phá rừng?
15:04 - 04/08/2016
Vụ khai thác gỗ tại rừng Sơn Trà (Đà Nẵng) đang được các cơ quan chức năng làm rõ và bước đầu kết luận đây là vụ việc nghiêm trọng. Tuy nhiên, người trong cuộc lại lên tiếng kêu cứu vì cho rằng, bản chất sự việc không như vậy?
Trong khu vực này, nhiều cây rừng già cỗi, rỗng ruột đã đổ gãy qua mỗi mùa mưa bão!

* Nỗi lòng ông Thượng tá

 

Theo Thượng tá Phạm Hùng Mạnh, Trung đoàn 83 – Công binh Hải quân, đại diện cho nhóm hộ 12, nhận giao khoán 63ha đất rừng Bắc Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà thì, những năm 1991-1992, khu vực này rất hoang sơ, cây cối thưa thớt, cỏ lau sậy um tùm.

Ông Mạnh lúc đó là trợ lý quân nhu của Trung đoàn được giao nhiệm vụ cùng một số anh em đi tìm nguồn nước sinh hoạt cho đơn vị. Phát hiện nơi này có dòng suối chảy qua, ông Mạnh đã cùng anh em chặn suối lấy nước và dựng lán trại làm nơi dừng chân nghỉ ngơi cho đơn vị.

Năm 1996 - 1997, Trung đoàn chuyển quân đi khu vực khác, để lại nơi đây một số lán trại, cây trái. Ban Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà vào kiểm tra và có vận động nhóm hộ của ông Mạnh tiến hành làm thủ tục nhận giao đất để trồng rừng theo Nghị định 01 của Chính phủ.

12 hộ cán bộ sỹ quan, Trung đoàn 83 Hải quân đã xin phép và được giao khoán, bắt đầu công cuộc trồng, chăm sóc và bảo tồn những cây rừng còn sót lại. “Ngày đó, chưa có đường bộ, phương tiện duy nhất là tàu, thuyền đánh cá. Để thành những cánh rừng như hôm nay, chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc”, ông Mạnh kể.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng (ngày 30/8/2010) cũng xác nhận, nguồn gốc đất do ông Mạnh quản lý là giao khoán theo Nghị định 01/CP của Chính phủ. Năm 1997 – 1998, riêng hộ ông Mạnh đã nhận giao khoán 33ha gồm 15ha và 18ha để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn do BQL Khu BTTN Sơn Trà giao năm 1997, 1998. Ông Mạnh cho hay, ông chăm sóc, bảo vệ tốt rừng suốt 20 năm qua. Nhưng mọi chuyện đã diễn biến khác đi khi người dân phát hiện có người vận chuyển gỗ từ bãi Bắc.

Sở NN-PTNT Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng lập đoàn kiểm tra kiểm tra tại tiểu khu 63 thấy 25 cây gỗ nhóm III, V, VI, VII, trong đó 12 cây bị bật gốc, ngã đổ tự nhiên không rõ nguyên nhân; 13 cây bị đổ do có sự tác động của con người cưa, cắt, với khối lượng gỗ đo đếm được khoảng 39m3. Trong đó có 2 cây nằm trong khu vực rừng đặc dụng.

Một điểm đáng lưu ý, tại hiện trường, phần lớn các gốc cây đã có chồi non cao từ 20cm đến 50cm, chứng tỏ cây đã bị cắt hạ lâu ngày và trải qua một, hai mùa sinh trưởng. Ngoài ra còn phát hiện hơn 3 khối gỗ thành phẩm tại kho của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Trường Mai (đơn vị liên doanh khai thác du lịch với ông Mạnh trên đất rừng giao khoán).

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra thì sự vụ nói trên là vi phạm nghiêm trọng, khối lượng gỗ vượt quá khung xử lý hành chính nên Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT đã báo cáo thành phố xin ý kiến.

Nhưng ông Mạnh cho rằng theo hợp đồng giữa Ban BTTN Sơn Trà với nhóm 12 hộ là giao đất, chứ không phải giao rừng. Khu vực này thiên nhiên, bão gió lại khắc nghiệt, việc cây đổ, gãy là bình thường, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Như năm 2013, bão số 11 đã quật ngã rất nhiều cây rừng, đáng kể là những cây già yếu, rỗng ruột đổ hàng loạt, chắn cả lối đi.

Sau những lần cây đổ như vậy, ông lại phải thu dọn, làm sạch cảnh quan, giữ an toàn cho du khách đến đây tham quan. Tất cả các cây gỗ đổ vẫn nằm nguyên ở đó, chưa có một khúc gỗ nào được vận chuyển ra khỏi rừng. Hơn nữa, cây gỗ ở rừng này đều là gỗ tạp, không có giá trị kinh tế cao.

“Hàng năm, lực lượng kiểm lâm vào đây kiểm tra đều nhìn thấy những cây gỗ đổ, gỗ chết này, năm sau lại nhiều hơn năm trước. Cuối năm 2015, các anh ấy vào kiểm tra thấy tôi cho thu dọn, cắt các cây đổ, cây chết, các anh ấy có nhắc nhở việc thu dọn chưa đúng quy trình. Vì vậy, tôi để nguyên đó không tiếp tục thu dọn nữa…”, ông Mạnh kể.

“Tôi rất buồn khi một số người nói rằng tôi phá rừng. Tôi hi vọng các cơ quan chức năng sớm xác minh làm rõ sự việc tôi phá rừng hay không, hay chỉ là việc tôi cho thu dọn cây đổ, cây khô, cây chết”, ông Mạnh bày tỏ.

Ông Mạnh lý giải, ông không thể là người đang tâm đi phá rừng khi 20 năm qua, dưới tán rừng này, ông đã đầu tư rất nhiều vốn liếng, mồ hôi nước mắt để trồng các loại cây như sưa đỏ, sâm cau, gió bầu…

 

SONG LONG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo