Đảm bảo an toàn thực phẩm: Nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng là then chốt
An toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối lo của cả xã hội. Đã đến lúc các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương cùng mọi người dân cần chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn, đồng thời tăng cường sự quản lý đối với hệ thống phân phối lưu thông thực phẩm an toàn.
|
Kiểm tra dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng. |
Trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ sở sản xuất
Luật An toàn thực phẩm ban hành năm 2010 đến nay đã qua hơn 5 năm triển khai. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện như ban hành đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật; tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra liên tục và rộng rãi nhưng nhiều vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm vẫn liên tiếp được phát hiện. Kết quả giám sát phát hiện thực phẩm không đạt yêu cầu quy định an toàn vẫn còn ở mức cao. Công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đánh giá: Những tồn tại của chăn nuôi Việt Nam xuất phát từ hệ thống tổ chức, chỉ đạo ngành chưa chặt chẽ từ trên xuống cơ sở. Nhiều tiến bộ kỹ thuật tưởng đơn giản nhưng nghiên cứu trong nước chưa đáp ứng, phải nhập khẩu như khô dầu đậu tương 5 triệu tấn, ngô 6-7 triệu tấn, các phụ gia nhập 100%, kháng sinh và vitamin cũng nhập 100%. Thức ăn chăn nuôi nhập ngoại 60 - 65%. “Là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế?” - ông Lịch bức xúc - “Với kinh nghiệm làm công tác chăn nuôi 45 năm nay, tôi cho rằng, nếu chúng ra không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ thua ngay trên sân nhà. Doanh nghiệp, trang trại “tự bơi” trong môi trường cạnh tranh. Trong giai đoạn 2015- 2016, tôi kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công an có thể phối hợp để kiểm soát những chất cấm vượt ngưỡng. Nếu không quản lý tốt, chẳng khác nào người dân chúng ta đang tự sát vì hàng ngày phải sử dụng sản phẩm không an toàn. Trong tương lai, dù có yêu Việt Nam đến mấy người ta vẫn đi mua sản phẩm của nước ngoài, tuy đắt nhưng an toàn”.
Bên cạnh đó, ông Lịch cho rằng, nguyên nhân khác là công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Việc xã hội hóa phòng thí nghiệm tư nhân hiện nay chưa đầy đủ. Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT nên trình bày để Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ đầu tư các phòng phân tích đầy đủ thiết bị và con người được đào tạo. Thủ tục quản lý, cấp phép nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất sản phẩm mới thay đổi chóng mặt, giấy phép con phức tạp.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay, theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Bộ Công Thương là một trong 3 bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. Theo đó, chúng tôi đã cố gắng lồng ghép vấn đề bảo đảm an toàn vào trong các chính sách, cơ chế phát triển thị trường trong nước có hệ thống phân phối thực phẩm đáp ứng đủ yêu cầu của người dân.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thời gian qua, các cơ quan chức năng đã mạnh tay hành động, rất cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng chưa đảm bảo. Mặc dù chúng ta có khung pháp lý và chính sách quản lý an toàn thực phẩm cơ bản đầy đủ, hài hòa với quy chuẩn, thông lệ quốc tế và áp dụng thống nhất toàn quốc, nhưng tại sao vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tràn lan? “Theo tôi, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trước tiên thuộc về cơ sở sản xuất kinh doanh và cơ quan chức năng. Cần tăng cường minh bạch khi công khai luật, quy định, kết quả thanh tra/kiểm tra, đồng thời truy xuất, điều tra và xử lý nghiêm sự cố, vi phạm an toàn thực phẩm”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tiệp cho rằng, cần khuyến khích liên kết giữa sản xuất và phân phối; hỗ trợ cơ sở áp dụng GAP/HACCP và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác, tăng cường truyền thông giáo dục ý thức trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và cơ quan thực thi kiểm soát; khuyến khích đàm phán ký kết công nhận lẫn nhau hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực, nguồn lực cho quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phải hành động để đảm bảo an toàn thực phẩm từ gốc
Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, C49 (Bộ Công An) đánh giá, “Hành động để người dân được sử dụng nông sản thực phẩm an toàn” là một vấn đề rất nóng hiện nay và sắp tới. Ông Thông nhận định, cuộc đấu tranh này hết sức nan giải nếu không chủ động từ giống tới vật tư nông nghiệp. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương cần rà soát lại văn bản quy định đối với các vấn đề quản lý hoá chất, an toàn thực phẩm... và Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thời gian tới làm tốt công tác phòng ngừa đấu tranh các hành động liên quan tới an toàn thực phẩm và sản xuất nông nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), khẳng định, khi tổ chức, cá nhân muốn báo tin, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường về an toàn thực phẩm thông qua số 1900585826. Đồng thời, đề nghị báo trực tiếp cho Chi cục Quản lý thị trường bằng cách bấm mã vùng của tỉnh, thành phố đó. Ví dụ: Lạng Sơn bấm số 025, Hà Nội 04, TP. Hồ Chí Minh 08, Hải Phòng 031... để được hướng dẫn và tiếp nhận thông tin.
Là một trong những đơn vị quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đánh giá: Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, nông - lâm - thuỷ sản đã có nhiều chuyển biến, các cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn đạt 79,76%, tăng so với năm 2015; việc giám sát thực phẩm an toàn cũng có tiến bộ. Tỷ lệ sản phẩm mất an toàn đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, thuỷ sản có chất cấm vượt ngưỡng vẫn khá cao. Việc phản ánh thực trạng là vấn đề quan tâm để phối hợp quản lý, điều chỉnh định hướng và chung quy vẫn là vấn đề nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng. Trên thực tế thời gian vừa qua, người sản xuất muốn có sản phẩm có thu nhập nên không chú ý đến chất lượng hàng hoá và không ít người tiêu dùng cũng không quan tâm đến các tiêu chuẩn an toàn. Ông Nam cho hay, ông đã đến nhiều HTX có chứng nhận VietGAP đàng hoàng nhưng không ai mua và điều đó tạo điều kiện cho sản phẩm không an toàn được tiêu thụ.
Thứ trưởng cũng đồng tình là cần nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng. “Về quản lý nhà nước, Bộ sẽ tham vấn cho Chính phủ hoàn thiện chính sách, khuyến khích người sản xuất sản phẩm an toàn, xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật để có sản phẩm an toàn, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bộ cũng sẽ cố gắng giảm tối đa các văn bản thủ tục gây phiền hà cho người sản xuất nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho sản phẩm để đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả cho doanh nghiệp và người sản xuất”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, nội dung chính phải đẩy nhanh trong thời gian tới là liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng tới khâu tiêu thụ để đảm bảo hàng hoá chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá không chỉ trong nước và quốc tế. Bộ sẽ hướng tới hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn và dẫn tới siêu thị. Việc hình thành hệ thống các điểm bán nông sản an toàn trên cả nước sẽ hạn chế lượng nông sản mất an toàn.
Ông Nam cũng đề nghị cơ quan báo chí quan tâm vấn đề này và hướng tới một chiến lược truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm vì chất lượng sản phẩm nông sản luôn gắn với vấn đề thương mại. Những năm qua, cùng với việc đánh mạnh vào các sản phẩm không an toàn, truyền thông đã ít nhiều ảnh hưởng tới vấn đề xuất khẩu, đặc biệt khi Việt Nam tham gia vào hiệp định thương mại thì không chỉ vấn đề thuế mà còn có các rào cản kỹ thuật. Do đó, các ngành, các cấp cần tham gia làm sao vừa tuyên truyền hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng, vừa đảm bảo vấn đề thương mại để truyền thông hàng nông sản sạch lấn át sản phẩm chưa sạch.
Theo kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol chiếm 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3 %.
Hiện có 294 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thí điểm xác nhận 85 cơ sở kinh doanh sản phẩm chuỗi. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, được đầu tư hạn chế rất khó để tuân thủ đầy đủ và duy trì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
|