Chuẩn nghèo mới và thách thức cho Thủ đô
16:16 - 03/08/2016
Chuẩn nghèo mới là một trong những nguyên nhân chính kéo tụt tốc độ xây dựng nông thôn mới của Hà Nội...
Gia cảnh một hộ nghèo ở Hà Nội

Đến hết năm 2015 Hà Nội đã có 201/386 xã (chiếm 52,07%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), vượt 12,07% so với mục tiêu đề ra,102 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 83 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2015 đạt 33 triệu đồng trong đó Hoài Đức 35,5 triệu đồng, Thanh Trì 33,3 triệu đồng, Gia Lâm 33 triệu đồng.... Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. 100% trạm y tế xã có bác sỹ, trên 91% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; 100% số xã có máy tính kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Ngỡ tưởng con đường đã đi được quá nửa nhưng theo cách tính hiện nay thì toàn thành phố chỉ có 169/386 xã đạt 19 tiêu chí, 142/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 71/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí.

Vì sao? Chủ yếu là bởi áp dụng chuẩn nghèo mới: nghèo đa chiều. Theo đó, quy định hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức sống bình quân đầu người từ 1,1 triệu đồng/người/tháng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,1 - 1,5 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên, gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.

Cụ thể, về hộ nghèo, 168/386 xã chưa đạt, tăng 109 xã so với năm 2015. Tổng số hộ nghèo toàn thành phố còn 65.377 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo là 3,64% trong đó khu vực nông thôn còn 60.272 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 5,6%, tăng 4,1% so với năm 2015).

Toàn là những con số rất lớn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM hiện khá hạn hẹp, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc đấu giá đất ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất ở một số nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm.

Chính vì vậy, Hà Nội đang đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đời sống nông dân, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.

Cụ thể: Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2016.

Cân đối hỗ trợ kinh phí cho các huyện đăng ký hoàn thành số xã đạt chuẩn NTM tăng thêm trong năm 2016, phấn đấu cuối năm toàn thành phố tăng thêm tối thiểu 35 xã đạt chuẩn.

Hỗ trợ kinh phí đào đắp giao thông thủy lợi đối với các địa phương dồn điền đổi thửa vượt kế hoạch thành phố giao (3.287,41ha). Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như kênh mương, đường giao thông, đường điện phục vụ sản xuất các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, khu sản xuất rau an toàn...

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về xóa đói giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.

Đặc biệt, thành phố còn nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với huyện có điều kiện kinh tế khó khăn thuộc quy hoạch vành đai xanh sản xuất nông nghiệp.

Ban hành hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch xây dựng NTM được duyệt, đặc biệt đối với những diện tích trũng sản xuất kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Hà Nội đã phát động cuộc vận động các quận nội thành ủng hộ các huyện ngoại thành xây dựng NTM.

Cụ thể đến nay các quận đã đăng ký hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng 51 công trình nhà văn hóa thôn tại 3 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai với tổng kinh phí hỗ trợ là 102 tỉ đồng.

 

TH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo