Công trình thủy lợi ở Bình Định: Rệu rã và tổn thất
16:16 - 03/08/2016
Trong bối cảnh hàng loạt hồ chứa nước trên địa bàn đang xuống cấp nghiêm trọng, song hành vi xâm hại của người dân không hề thuyên giảm, khiến công tác bảo vệ công trình nhằm giữ an toàn cho các hồ đập của ngành thủy lợi ở Bình Định càng gặp nhiều trở ngại.
Hàng loạt hồ chứa nước ở Bình Định bị xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều mối nguy hại

Theo thống kê của ngành thủy lợi Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh đang có trên 45 hồ chứa nước đã rệu rã đến mức nghiêm trọng, cần phải sửa chữa để mới có thể bảo đảm an toàn khi vận hành, nhất là trong mùa mưa lũ. Hầu hết những hồ chứa này đều do các địa phương quản lý.

Hiện tỉnh đã tranh thủ được nguồn vốn ngân sách và vốn vay ưu đãi từ nước ngoài (ODA) để từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện sửa chữa, nâng cấp cho 20 hồ trong hơn 45 hồ chứa đã xuống cấp nói trên.

Theo ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, do hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này có tuổi thọ đã trên 40 năm, mức độ đầu tư xây dựng vào thời điểm ấy chưa đúng yêu cầu, cộng thêm trình độ thi công còn hạn chế nên qua thời gian dài khai thác đã trở nên rệu rã.

“Bệnh” thường gặp ở các hồ chứa nước là thân đập sạt lở, gây thấm; các cống lấy nước bị rò rỉ. Đặc biệt là các tràn xả lũ khi đã bị xuống cấp thì khả năng thoát lũ không đáp ứng được so với yêu cầu an toàn.

Hơn thế nữa, các hồ chứa nước được xây dựng theo thiết kế cách đây đã hơn 40 năm, nên bây giờ các tràn xả lũ đã trở nên “lạc hậu” đối với những thay đổi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Có thể ví dụ: Hiện mưa trở nên cực đoan hơn nên cần xả lũ lưu lượng lớn hơn, trong khi tràn xả lũ được xây dựng theo thiết kế cũ không đáp ứng được yêu cầu nói trên. Thêm vào đó, hành lang thoát lũ bảo vệ công trình của các hồ chứa không còn bảo đảm, nhất là hành lang thoát lũ sau tràn. Riêng nguyên nhân này, theo giải thích của ông Phan Xuân Hải là do con người tạo ra.

“Không phải năm nào cũng có lũ, do vậy vài ba năm mới có nước tràn qua hành lang thoát lũ. Thấy đất trống, người dân quanh vùng cứ lấn chiếm hành lang thoát lũ để sản xuất. Đến khi có lũ xảy ra, hành lang thoát lũ cần hoạt động thì đường thoát lũ không còn thông suốt, do vướng cây cối của nông dân canh tác”, ông Hải nói.

Mức độ xâm hại tại các tuyến kênh mương còn nghiêm trọng hơn. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các tuyến kênh dẫn nước tưới đi qua các địa phương đang bị tổn thương nặng do nhiều hành vi xâm hại. Phổ biến nhất là nạn đổ rác thải sinh hoạt, xác súc vật chết, xả nước thải sinh hoạt và chăn nuôi xuống lòng kênh. Đặc biệt là hành vi lấn chiếm hành lang kênh để xây công trình phụ hoặc lập trại chăn nuôi gia cầm.

Theo báo cáo của Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, trong những năm qua, rất nhiều hệ thống kênh mương do công ty quản lý bị xâm phạm. Người dân ở các địa phương có kênh chạy qua lấn chiếm hành lang kênh để cất chòi, làm công trình phụ, chăn thả vịt trong lòng kênh; thậm chí còn trồng cây lâu năm và trồng hoa màu trên bờ kênh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có trên 300 trường hợp vi phạm được lập biên bản, nhưng chưa vụ nào được xử lý rốt ráo.

“Có nhiều trường hợp người dân tự ý làm cầu bắc qua kênh gây cản trở dòng chảy và hàng ngàn trường hợp đào kênh lắp đặt ống, cống lấy nước trên kênh. Thậm chí có nhiều trường hợp xây chuồng trại nuôi gia súc, xây dựng công trình phụ kiên cố ngay trên kênh, xả nước thải chưa xử lý vào kênh gây ô nhiễm môi trường. Đáng quan ngại nhất là những trường hợp lấn kênh xây hàng rào kiên cố, đóng cọc kè bờ, đục phá lòng kênh để xây nhà ở”, ông Nguyễn Thanh Thiên, GĐ Xí nghiệp Thủy lợi 4, bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, bức xúc: “Ở nhiều nơi người dân còn tự ý đục thủng cả kênh bê tông để lấy nước tưới. Bờ kênh các công trình lớn như Văn Phong, Thuận Ninh xe tải chở gỗ bạch đàn, cát, đá xây dựng thoải mái lưu thông khiến nhiều đoạn bị hư hỏng. Để ngăn chặn tình trạng này, một mình cơ quan chủ quản không thể làm gì nếu không có sự can thiệp của chính quyền địa phương và ngành công an”.

Tăng năng lực quản lý, bảo vệ

Trước thực trạng trên, trong những năm qua ngành nông nghiệp Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ công trình nhằm bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn. Theo ông Phan Xuân Hải, mặc dù từ nay đến năm 2020 Bình Định đã có kinh phí sửa chữa, nâng cấp 20 hồ chứa xuống cấp, nhưng từ thời điểm này đến khi ấy sẽ có nhiều hồ chứa khác phát sinh hư hỏng. Do đó, bên cạnh việc đầu tư sửa chữa, ngành thủy lợi còn lấy công tác duy tu bảo dưỡng hồ chứa làm nhiệm vụ hàng đầu để hạn chế sự xuống cấp của các công trình.

08-51-02_1
Tuyến kênh ở huyện Tuy Phước bị lấn chiếm hành lang để canh tác

 

Riêng về công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các chủ hồ, từ năm 2015 đến nay Bình Định đã mở lớp bồi dưỡng chuyên môn cho gần 100 chủ hồ ở các địa phương. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, hiện nay năng lực quản lý, vận hành hồ chứa của cán bộ cơ sở dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

“Vì không một kỹ sư thủy lợi nào chịu về làm việc tại các HTXNN để nhận nhiệm vụ quản lý hồ chứa. Do đó, cán bộ thủy lợi cấp huyện còn thiếu nói chi đến cấp xã”, ông Hải thẳng thắn.

Thực tế cơ sở hạ tầng thủy lợi rải đều trên khắp địa bàn mà nhân lực thiếu thốn trầm trọng đến vậy sẽ là trở ngại lớn cho công tác bảo vệ công trình. Do đó cần phải có sự tham gia góp sức của cộng đồng xã hội trong công tác này. Bất cập nhất hiện nay là người dân vẫn xem công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi là công việc của Nhà nước, không “dính dáng” gì đến người dân nên họ không ngần ngại xâm hại, mặc dù nó mang lại lợi ích thiết thực cho chính người nông dân.

Có thể nêu trường hợp liên tục bị bồi lấp của hồ Tà Niên nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh làm ví dụ. Do người dân lấn chiếm đất sản xuất, đất đá trôi xuống bồi lấp hồ, cách đây 2 năm đã phải nạo vét mất 2 - 3 tỷ đồng thì hiện nay đã bị bồi lấp trở lại.

Ông Phan Xuân Hải đề xuất: “Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để thu hút người dân tham gia vào công tác bảo vệ các công trình thủy lợi, ngăn chặn nạn xâm hại công trình. Những khu dân cư có kênh mương đi qua phải có dịch vụ thu gom rác thải, và người dân tuyệt đối không xả rác thải xuống gây tắc nghẽn lòng kênh.

Nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của ngành chức năng mà của cả chính quyền các địa phương là phải triển khai, hướng dẫn, động viên bà con thực hiện rộng rãi các phương pháp tưới tiết kiệm đã được áp dụng hiệu quả trên địa bàn trong nhiều năm qua. Đồng thời, các địa phương có xảy ra hành vi xâm hại công trình thủy lợi cũng phải vào cuộc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm không còn phổ biến như hiện nay”.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu các chủ công trình lắp đặt các thiết bị quan trắc đo mực nước, đo mưa và kết nối hệ thống thông tin liên lạc trong khu vực để chủ động hơn trong công tác bảo vệ công trình thủy lợi, an toàn hồ đập”, ông Phan Xuân Hải.

VŨ ĐÌNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo